Thạch Hãn, máu và hoa

1 Cơn nắng giữa hạ vàng rực lên trên những sườn núi và nóng rát trên da người. Cái thú xê dịch lại giục gọi trong tâm trí và bước chân, không gì ngăn nổi… Ai bảo Trường Sơn là nắng rát (H), thì chúng mình lên với đại ngàn, lên thăm núi rừng ở phía tây của quê nhà. Và nhờ duyên cớ đó mà chúng mình đến được nơi là cội nguồn của câu ca Không thơm cũng thể hương đàn/ Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra.

Thành cổ Quảng Trị, 81 ngày đêm rực lửa.
Thành cổ Quảng Trị, 81 ngày đêm rực lửa.

Câu chuyện trong buổi chiều im ắng trên ngôi nhà sàn bên bờ trái của quãng sông Ðakrông nhấp nhô đá cuội của già Chuốp và người cùng thời về sông Ðakrông, sông Thạch Hãn hệt như đang mở từng trang tư liệu quý giá trong sách Ðại Nam nhất thống chí: "Sông Thạch Hãn, từ nguồn Viên Kiều ở Bảo Trấn Lao (Lao Bảo) chảy về đông,… qua phía bắc tỉnh thành Quảng Trị thì mang tên sông Thạch Hãn, đến ngã ba cổ Thành chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy lên đông bắc đến ngã ba Phú Ông, gặp sông Ái Tử (Vĩnh Phước) ở phía tây chảy vào, qua huyện Ðăng Xương (tức huyện Triệu Phong ngày nay), rồi ngã ba Ðại Ðộ gặp sông Ðiếu Ngao (sông Ðiếu Ngao qua cửa Ðiếu Ngao, đến xã Cam Lộ thì gọi là sông Cam Lộ), rồi qua ngã ba Giáo Liêm đổ ra Cửa Việt. Một nhánh chảy xuống đông nam, chảy vào sông Vĩnh Ðịnh, gặp sông Nhùng (Mai Ðàn) từ phía tây tới, rồi theo hướng nam tới huyện lỵ Phong Ðiền thì gặp sông Ô Lâu (Thác Ma), sau đó chảy ra phá Tam Giang".

Những dòng chữ mẫn tiệp của sách và vốn sống của người đã sống hơn nửa thế kỷ bên sông Ðakrông cùng chuyên chở sự ghi nhớ rằng, sông Thạch Hãn dài khoảng một trăm bảy mươi dặm gồm cả đầu nguồn ở phía tây nam của tỉnh Quảng Trị với lượng phù sa không nhiều, nước thường trong xanh nhìn thấy đáy, trừ những ngày mưa lũ. Sông Thạch Hãn có ba mươi bảy phụ lưu với diện tích lưu vực là hai nghìn sáu trăm sáu mươi kilomet vuông và lưu lượng dòng chảy trung bình hằng năm khoảng một trăm ba mươi mét khối mỗi giây. Tên gọi Thạch Hãn được lý giải do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, mạch đá đổ mồ hôi thành dòng chảy. Và chính những đặc điểm tự nhiên đó đã đưa sông Thạch Hãn trở thành biểu tượng của đạo lý trong sạch và danh thơm của đất và người Quảng Trị.

Là dòng sông có hình thể uốn lượn uyển chuyển theo phía đông và đông bắc, sông Thạch Hãn là tuyến giao thông đường thủy rất quan trọng của tỉnh Quảng Trị. Ðổ ra Biển Ðông qua Cửa Việt, đoạn sông Thạch Hãn chảy qua thị xã Quảng Trị rộng từ một trăm năm mươi mét đến hai trăm mét. Nhiều tướng lĩnh, nhà cầm quân đã ví sông Thạch Hãn là con hào thiên tạo ở phía bắc Thành cổ Quảng Trị, và sự song hành mà lịch sử đã chọn của dòng Thạch Hãn với ngôi Thành cổ là sự song hành bi tráng thuộc vào bậc nhất của máu và hoa. Thiên sử thi bi tráng đó đến từ vị trí chiến lược về quân sự trong sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước của Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị, mà điển hình là tám mươi mốt ngày đêm giữ vững Thành cổ trước cuộc phản kích tái chiếm tỉnh Quảng Trị của quân Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa vào mùa hè đỏ lửa năm một ngàn chín trăm bảy mươi hai.

Trong cuộc chiến đấu tám mươi mốt ngày đêm oanh liệt ấy, dòng Thạch Hãn đã đón nhận hàng vạn chiến sĩ Quân Giải phóng vượt sông dưới mưa bom bão đạn vào giữ Thành cổ Quảng Trị, làm nên trang sử vàng bất khuất vì hòa bình và thống nhất của đất nước, vì tự do của dân tộc Việt Nam, đồng thời viết nên khúc tráng ca về dòng Thạch Hãn và ngôi Thành cổ vinh quang. Soi bóng dòng Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị chưa đầy ba kilomet vuông đã hứng chịu một lượng bom đạn do Mỹ - ngụy trút xuống trong tám mươi mốt ngày đêm có sức công phá bằng bảy quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hirosima của Nhật Bản hồi thế chiến thứ hai.

Chiến công và vinh quang đó gắn với những con người đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, để đời sau vẫn mãi ngân vang trong những câu ca về Dòng sông hoa đỏ - "Khi người lính lặng im tan vào đất, là cuộc đời chảy mãi những dòng sông, ôi dòng sông mang phù sa người lính, tươi mát bãi bồi xanh ngát nương dâu" (Nguyễn Hữu Quý - Võ Thế Hùng) và trong câu thơ tưởng nhớ đồng đội - "Ðò lên Thạch Hãn… ơi chèo nhẹ/ Ðáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm" (Lê Bá Dương).

Thạch Hãn, máu và hoa ảnh 1

Dòng thiêng Thạch Hãn...

2 Từ Hà Nội vào, Ðặng Thanh Thanh nhất quyết đòi thăm Thành cổ Quảng Trị. Sáng giữa hạ rưng rưng trên những bông cỏ lau đã bắt đầu bung nở ở hai bờ của dòng Thạch Hãn, tại những nơi mà trong tám mươi mốt ngày đêm của quân và dân Việt Nam cùng ngôi Thành cổ vinh quang và dòng sông bi tráng là những bến vượt thấm đỏ máu đào. Với Thanh Thanh, chúng mình nhanh chóng hóa thân làm hướng dẫn viên du lịch mà bằng sự chân chất, mộc mạc đã phác vài nét khái quát, giới thiệu giản dị rằng bên sông Thạch Hãn trong hơn hai trăm năm nay là vùng đất của những thế hệ người Việt trầm tĩnh, hiền hòa. Trên vùng đất của nước nguồn Hàn chảy ra, đời sống ở các địa phương nổi tiếng với "chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán, trao đổi phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, mọi người ra sức" (Ðại Việt sử ký toàn thư). Hoặc khi ghi chép về vùng đất bên dòng Thạch Hãn là nơi đất lành chim đậu, tác giả của sách Ô châu cận lục đã viết: "Ngoài vườn Thạch Hãn chim về lũ lượt". Ở đó, thị xã Quảng Trị đã nhanh chóng trở nên sầm uất, trở thành trung tâm buôn bán tấp nập và hấp dẫn với nhiều sản vật quý, giao thương thuận lợi nhờ tiếp giáp quốc lộ nối liền hai miền nam - bắc của đất nước.

Khi những vết thương chiến tranh dần được hàn gắn, con người không ngừng cố gắng mở ra các giai đoạn phát triển mới bên dòng Thạch Hãn. Thị xã Quảng Trị hôm nay đã nhận vào mình từng hương đất, vị nước được lấy từ Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, ở quê nhà Nam Ðàn - Nghệ An của Bác Hồ kính yêu, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Ðình lịch sử, ở khu nhà sàn và ao cá Bác Hồ, ở Bến Nhà Rồng và mười tám thôn Vườn Trầu Bà Ðiểm - TP Hồ Chí Minh, ở sông Hồng, sông Lam, sông Sài Gòn cùng đất nơi vườn nhà, nước trong giếng nhà của các anh hùng, liệt sĩ… Khi hòa vào khí thiêng đất đai Thành cổ Quảng Trị và sông nước Thạch Hãn, lư hương bát nhang ở thị xã Quảng Trị, những hương đất và vị nước ấy cùng tình đồng chí, nghĩa đồng bào sưởi ấm linh hồn những người chiến sĩ đã hy sinh vì đất nước.

Thạch Hãn, máu và hoa ảnh 2

... và Thành cổ Quảng Trị là sự song hành bi tráng.

Ngoái lên dãy Trường Sơn xa xanh, chúng mình lặng nghe nhịp sóng nước Ðakrông, Rào Quán, Ba Lòng, Cam Lộ, Hiếu Giang uốn lượn qua các lưu vực đồng bằng để có dòng Thạch Hãn không ngừng nuôi dưỡng các vựa lúa Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và làm tuyến giao thông đường thủy rất thuận lợi, bồi đắp cuộc sống tự muôn đời, và chảy vào lịch sử những phù sa thắm đỏ niềm tự hào của máu và hoa:

Hễ có Việt Nam có cổ Thành

Nối vòng hoa lửa với Khe Sanh

Huân chương khó đủ

từng viên gạch

Tấc đất từng giây mỗi lá cành

(Trần Bạch Ðằng)

(*) Bài ca người thợ rừng. Phạm Tuyên