Những con đê "gồng mình" trước vi phạm

Ðang là tháng cao điểm mùa mưa bão. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn tồn tại nhiều điểm vi phạm pháp luật về an toàn đê điều. Thậm chí có những vi phạm tồn tại qua nhiều năm nhưng vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý. Ðiều đó tiếp tục gây ra nỗi bất an về an toàn đê điều, hành lang thoát lũ cho Thủ đô.

Ðịa bàn quận Bắc Từ Liêm có nhiều khu vực tập kết vật liệu xây dựng vi phạm dòng chảy của sông Hồng.
Ðịa bàn quận Bắc Từ Liêm có nhiều khu vực tập kết vật liệu xây dựng vi phạm dòng chảy của sông Hồng.

Vi phạm tràn lan

Men theo các tuyến đê thuộc các địa phương như Bắc Từ Liêm, Ðan Phượng, Thường Tín, Phú Xuyên… chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều kiểu vi phạm về xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình trong phạm vi an toàn đê điều. Tại nhiều điểm, hành lang đê còn bị chiếm dụng để dựng lều quán, nhà xưởng, tập kết vật liệu xây dựng (VLXD). Ðiển hình cho những vi phạm này là ở khu vực huyện Thường Tín. Theo quan sát, ven tuyến đê hữu sông Hồng thuộc địa bàn xã Thống Nhất có bảy bãi tập kết VLXD. Tất cả các bãi tập kết này đều không được cơ quan chức năng cấp phép. Dọc theo triền đê, các bãi tập kết nối san sát nhau, với hàng chục đống cát cao ngất.

Thực địa tại phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, dọc đường đê đoạn bắt đầu từ cầu Tân Nhuệ đến trụ sở UBND phường Liên Mạc, có tới bảy đơn vị đang sử dụng bãi ven sông làm nơi tập kết và trung chuyển VLXD. Theo dọc tuyến đường đê này, có thể dễ dàng thấy những ụ cát lấp ló sau những rặng cây. Những điểm tập kết này nằm ngay sát bờ sông, cách mặt đê khoảng hơn 100 m. Hệ lụy từ các bãi tập kết này chính là lượng lớn xe tải hoạt động thường xuyên, chở vượt quá giới hạn tải trọng VLXD và đất, đá, khiến nhiều đoạn mặt đê trở nên gồ ghề, sụt lún, hư hỏng. Nhiều ngày bám địa bàn, chúng tôi xác định được những chiếc xe này chủ yếu "ăn hàng" tại các bãi tập kết VLXD ven đê, khiến các đoạn đê phải oằn mình "cõng" hàng trăm lượt xe.

Ông Nguyễn Hữu Ðắc, người dân ở xã Hồng Vân, nín thở, chia sẻ: "Những chiếc xe này ngoài việc đe dọa đến sự an toàn của các tuyến đê còn trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân lân cận".

Nhiều hộ dân ở xã Ninh Sở, Thường Tín còn bức xúc, tố các chủ bãi tập kết VLXD ngang nhiên lấn chiếm đất nông nghiệp, lấn chiếm cơ đê và hành lang bảo vệ để dựng nhà xưởng, gây nguy hiểm cho tuyến đê xung yếu trong mùa mưa bão. Theo quan sát của chúng tôi, từ bến đò phà đến cống thủy lợi là kho xưởng và bãi tập kết gỗ nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ đê, vi phạm nghiêm trọng Luật Ðê điều. Không ít trường hợp từng bị các ngành chức năng xử lý về hành vi lấn chiếm, dựng nhà xưởng, cột thép, đổ phế liệu lên hành lang đê như hộ ông Nguyễn Hồng Hải tại Km 87+600, ông Phạm Văn Bảy vi phạm tại Km 85+850…

Hệ thống đê điều được xem là tấm lá chắn giúp bảo vệ mùa màng, làng mạc, tính mạng và tài sản của người dân trước các trận lũ lụt bất thường. Bởi thế, việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những con đê, nhất là những tuyến đê bao xung yếu luôn là ưu tiên số một. Song, những gì đang diễn ra khiến dư luận và người dân hết sức lo lắng về an toàn đê điều.

Ông Ðỗ Ðức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Ðê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, chia sẻ: Tuyến đê Hữu Hồng vẫn bảo đảm khả năng chống lũ trong mực nước thiết kế. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiên tai diễn biến bất thường, khó có thể lường trước các sự cố bất ngờ có thể xảy đến.

Xử lý ngay và dứt điểm

Hậu quả của việc vi phạm hành lang an toàn của hệ thống đê điều chính là số vụ sạt lở đê, kè ở Hà Nội tăng dần theo từng năm với mức độ nghiêm trọng ngày một lớn hơn. Năm 2015 xảy ra 15 vụ, năm 2016 xảy ra 47 vụ. Ðặc biệt vào năm 2017, Hà Nội xảy ra sự cố đê Bùi 2 bị sạt trượt trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Những con đê "gồng mình" trước vi phạm ảnh 1

Trên tuyến đê từ quận Bắc Từ Liêm đến huyện Phú Xuyên, dễ dàng bắt gặp xe tải chở quá tải.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố phát sinh năm sự cố đê điều. Cụ thể, sự cố sạt lở kè Chu Minh, kè Cam Thượng (huyện Ba Vì); cống Cẩm Ðình, mái kè Cẩm Ðình, cơ kè Xuân Phú (huyện Phúc Thọ). Ðáng chú ý, các sự cố trên khá phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Trao đổi với cơ quan chức năng, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, cho biết, địa bàn thành phố có 20 tuyến đê chính dài gần 627 km, trong đó hơn 37 km đê Hữu Hồng là đê cấp đặc biệt, gần 250 km đê cấp I, 45 km đê cấp II. Hà Nội còn 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài gần 133 km chưa được phân cấp. Dọc các tuyến đê có 144 kè lát mái hộ bờ và kè mỏ hàn với tổng chiều dài gần 172 km; 190 cống qua đê, 279 giếng giảm áp, 234 cửa khẩu, 367 điếm canh đê, 75 kho bãi vật tư phòng, chống lụt bão... Hệ thống đê chống lũ thường xuyên và hệ thống đê phân lũ đều đáp ứng đủ khả năng chống lũ theo thiết kế hoặc vượt mức thiết kế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan quản lý, do xây dựng đã lâu, vật liệu không đồng nhất, nhiều năm không được thử thách với lũ lớn nên hệ thống đê điều của Hà Nội tiềm ẩn nhiều hiểm họa. Trao đổi sâu hơn về vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, hiện nay, sự chủ quan của con người thể hiện trong cách "ứng xử" với các công trình phòng, chống thiên tai. Dễ thấy nhất là trên địa bàn Hà Nội còn tồn đọng hàng nghìn trường hợp vi phạm pháp luật đê điều, công trình thủy lợi.

Riêng trong tháng 4-2018, tại Hà Nội xảy ra 22 vụ vi phạm an toàn đê điều. Tuy nhiên, nhiều người dân lại nói không hề biết công trình xây dựng của mình vi phạm hành lang bảo vệ đê. Phải chăng công tác tuyên truyền chưa bảo đảm cho nhiều người dân được biết? Trả lời câu hỏi này, ông Ðỗ Cao Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sở cho biết, các vi phạm phần lớn đều là những tồn tại lâu năm và đều khó khăn trong xử lý. Ngoài nguyên nhân nhận thức của người dân hạn chế thì còn một vấn đề khác ít được đề cập là sau hơn 10 năm thực hiện Luật Ðê điều và một số văn bản dưới luật đã bộc lộ những bất cập. Thí dụ, Nghị định số 139/2013/NÐ-CP ngày 22-10-2013 còn có những quy định chưa cụ thể về hành vi vi phạm, dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất, gây khó khăn cho người xử phạt…

Ghi nhận thực tế, năm 2017 chúng tôi đã nắm thông tin về việc nhiều lái xe chở quá tải bị xử lý, một số hộ vi phạm hành lang bảo vệ đê điều bị cưỡng chế, giải tỏa. Còn công tác thanh tra, kiểm tra hiện tại thì sao? Ông Lê Xuân Tiến, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, khẳng định, công tác xử lý phương tiện vi phạm trên hành lang đê là hết sức quan trọng. Trước mắt, Thanh tra giao thông đã và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp: Phối hợp với cán bộ địa phương rà soát, bổ sung các biển báo hiệu giao thông đường bộ, biển hạn chế tải trọng trên các tuyến đê để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm tải trọng. Thêm nữa, đơn vị sẽ thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô-tô đối với những đơn vị vận tải có số lượng phương tiện vi phạm và tái phạm nhiều lần.

Thiên tai vốn khó lường. Vì vậy, việc chủ động bảo đảm an toàn hệ thống đê điều của Thủ đô với các phương án phòng ngừa, ứng phó, đồng thời phải tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm một cách triệt để, dứt điểm là việc làm cấp thiết. Ðể hệ thống đê điều của Hà Nội thật sự là những tấm lá chắn vững vàng bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân Thủ đô trước thiên tai bất thường.

Luật sư Lê Thế Vinh - Trưởng văn phòng Luật sư Thái Minh (Ðoàn luật sư TP Hà Nội): Hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xử lý vi phạm lấn chiếm an toàn đê điều đã có và được hệ thống hóa đầy đủ. Mức xử phạt đã cao nhưng vẫn khó xử lý, đòi hỏi phải cương quyết và có thể áp dụng mức xử phạt tối đa là 100 triệu đồng để răn đe.