Mắt thần Tây Bắc

Pha Đin - một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc cất giữ cho mình một câu chuyện định danh ly kỳ. Và giờ đây, ở độ cao 1.435 m so mực nước biển, thường mịt mờ mây phủ, chẳng có gì ngoài gió thổi, mưa tuôn, Pha Đin còn có “mắt thần Tây Bắc”.

Những người đồng nghiệp hiếm khi có cơ hội “trao đổi nghiệp vụ off-line” như thế này. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH
Những người đồng nghiệp hiếm khi có cơ hội “trao đổi nghiệp vụ off-line” như thế này. Ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH

Từ câu chuyện “vách đất”

Theo quốc lộ 6 qua cao nguyên Mộc Châu tới Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu rồi từ Thuận Châu vượt qua Pha Đin là tới Tuần Giáo, cửa ngõ của Lai Châu cũ và tỉnh Điện Biên mới bây giờ. Trong tiếng Thái, Pha nghĩa là “vách”, Đin là “đất”, đèo Pha Đin hàm nghĩa nơi đây là chỗ ngăn cách giữa hai vùng đất. “Vách đất” Pha Đin gắn với truyền thuyết về việc phân định ranh giới giữa Lai Châu cũ và Sơn La. Hai dũng sĩ cưỡi hai tuấn mã cùng xuất phát từ hai dốc đèo Pha Đin, gặp nhau ở đâu, nơi ấy là mốc giới. Tương truyền, do cả hai bên đều có sức mạnh và ý chí như nhau nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch bao nhiêu. Chỉ có điều, do ngựa bên Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo thuộc về Lai Châu dài hơn một chút so với phần phía Sơn La.

Câu chuyện này, tôi chỉ được biết đến khi đã đặt chân đến đỉnh Pha Đin, và nếm mùi say “cả ngàn khúc cua Tây Bắc”. Trước đó, ý niệm Pha Đin, với tôi được gợi dẫn từ những câu thơ trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu. “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…”. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nằm trên cung đường tiếp vận huyết mạch của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đỉnh đèo này trở thành một biểu tượng của tinh thần gan dạ với hơn 8.000 dân công hỏa tuyến lên đường, cống hiến to lớn vào chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chỉ dài khoảng 32 km, nhưng đèo Pha Đin nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn nên địa thế rất hiểm trở. Tám cung đường cua thót tim và vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z luôn là thử thách ngặt nghèo đối với những người cầm vô-lăng. Chục năm về trước, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Sơn La - Tuần Giáo đã mở tuyến đường tránh đèo Pha Đin, giúp các phương tiện xe cộ lưu thông thuận lợi và an toàn hơn. Con đường cũ dần thưa vắng người qua.

Giữa tháng 11 vừa rồi, để đến được với “Mắt thần Tây Bắc”, chúng tôi đã đi con đường giờ chỉ có những người có công việc hoặc ưa chinh phục mạo hiểm mới lựa chọn.

Mắt thần Tây Bắc ảnh 1

“Con mắt thần” quét khắp trời Tây Bắc.

Điểm tựa của rừng xanh, núi thẳm

Ngày chúng tôi đến, gió mùa đông bắc thổi mạnh, sương mù quánh đặc. Vậy là, không có may mắn được dừng lưng chừng đèo ngắm thung lũng Mường Quài trải rộng về phía Điện Biên. Khi lên đến đỉnh đèo, cũng không có được cảm giác choáng ngợp trước bầu trời xanh thẳm ôm choàng lấy đại sơn trùng điệp. Bù lại, đón chúng tôi là sự chào đón ấm áp của lãnh đạo xã Tỏa Tình cùng những cán bộ rất trẻ của Trạm Khí tượng Pha Đin và Trạm ra-đa thời tiết Pha Đin. Khách đến trạm, dường như bếp lửa, củi cũng tí tách reo vui...

Được thành lập từ năm 1962, Trạm Khí tượng Pha Đin bắt đầu quan trắc số liệu khí tượng bề mặt phục vụ công tác điều tra cơ bản, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) phục vụ phòng, chống thiên tai từ đầu năm 1964 cho đến nay. Chung nhau một vuông sân rộng là “tân binh” - Trạm ra-đa thời tiết Pha Đin, được xây dựng trong khuôn khổ dự án: “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và cảnh báo giông, sét, bão và mưa của Trung tâm KTTV quốc gia nay là Tổng cục KTTV (Dự án Phần Lan III). Mặc dù mức đầu tư cho một ra-đa thời tiết phân cực trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng khá lớn (gần ba triệu USD/ra-đa), nhưng hiệu quả thu về rất thiết thực trong việc quan trắc và cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm ở khu vực Tây Bắc. Hiện, hệ thống ra-đa phân cực đôi là loại hiện đại, có độ nhạy tốt hơn so với các chủng loại ra-đa khác. Không chỉ thu thập và hiển thị số liệu, mà hệ thống sau khi lắp đặt và đi vào hoạt động còn giúp mở rộng khả năng cho các dự báo viên và quan trắc viên trong vận hành và khai thác số liệu phục vụ công tác dự báo cảnh báo thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét.

Lý thuyết khô khan như thế, nhưng với người KTTV, Trạm ra-đa thời tiết Pha Đin được gọi một cách hình ảnh là “mắt thần Tây Bắc”. Đôi mắt ấy có khả năng quan trắc gió, mây, mưa trong bán kính 480 km, tầm quét bao trọn cho cả khu vực Tây Bắc vốn dĩ rất rộng lớn, địa hình hiểm trở, thường xuyên xảy ra mưa lớn gây lũ quét, lũ ống.

Phó Giám đốc Đài KTTV Khu vực Tây Bắc Phạm Thế Thế nhớ lại: Giai đoạn trạm đi vào hoạt động thử nghiệm đúng vào mùa mưa bão năm 2018, đã chứng minh cho thấy tính hữu ích của hệ thống ra-đa trong việc nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo trước những hiện tượng thời tiết biến đổi khắc nghiệt, ngoài quy luật. Rồi kể từ ngày 1-3-2019, Trạm ra-đa thời tiết Pha Đin đã hoạt động liên tục 24/24 giờ, phục vụ kịp thời công tác dự báo, cảnh báo thời tiết ngay từ mùa mưa, bão, lũ năm 2019. Không chỉ giúp phòng, chống thiên tai một cách chủ động, hiệu quả, trạm ra-đa còn thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Câu chuyện của chúng tôi được tiếp nối sang với anh Mùa A Dề, Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình. Anh Dề nói, hiếm có xã vùng cao nào có hai trạm KTTV đóng trên địa bàn như Tỏa Tình. Vậy nên, sự gắn kết, phối hợp giữa trạm với chính quyền địa phương và người dân trong tuyên truyền, phòng, chống và ứng phó thiên tai, nhờ thế càng trở nên thiết thực hơn, nhất là khi 90% số dân của xã là người H’Mông… Cho đến giờ, trong người dân nơi đây, ký ức về vụ vỡ ao liên hoàn gây lũ lụt lịch sử hồi tháng 8-2015 và đợt băng giá kỷ lục đầu năm 2016 vẫn còn rất sâu đậm. Không ai muốn thảm kịch lặp lại, vậy nên, bà con sau khi được thông tin, tuyên truyền đã nhận thức tốt hơn đối với việc giữ rừng, cũng như sẵn sàng phối hợp với trạm KTTV để kịp thời phòng, chống thiên tai. Chốn rừng xanh này, tiếng kẻng vẫn là công cụ báo động hữu hiệu nhất khi có cấp báo thiên tai. “Chỉ có bản Lồng, cách trung tâm xã độ 4-5 cây số là cần gọi điện báo thôi”, anh Dề bảo.

Nói về cơ chế phối hợp cảnh báo, phòng, chống thiên tai, chị Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) cũng đánh giá cao việc đưa công nghệ hiện đại vào công tác dự báo, giúp cho các bản tin từ Trạm KTTV, Đài KTTV tỉnh và Đài KTTV khu vực ngày càng chính xác hơn. “Ở vào địa thế hiểm trở, xa xôi như Tuần Giáo, điều này hết sức quan trọng”, chị Tuyên lấy làm tâm đắc.

Những người nói chuyện với mây - mưa - gió

Vàng A Phía, mới 28 tuổi nhưng đã đảm nhận chức Trưởng trạm Khí tượng Pha Đin. Có lúc đang nói chuyện, Phía tự nhiên biến mất. Hóa ra, Phía vào phiên trực, đến giờ là phải đi quan trắc sy-nốp rồi phân tích số liệu và gửi ngay về Đài KTTV khu vực Tây Bắc, phục vụ cho việc ra bản tin. Ngày đều đặn bốn lần như thế. Trạm của Phía có anh Thào A Páo. Hai người chia nhau mỗi người một ngày trực trọn vẹn 24/24 giờ. Anh họ của Phía tên Vàng A Tùng, trước cùng làm một trạm, nay được biên chế sang Trạm ra-đa thời tiết Pha Đin. Cả hai cùng sinh sống tại Bản Sông Ia, họ thường chạy xe máy tầm 20 phút đường đèo để đến chỗ làm.

Anh em nhà Vàng A Phía, hay anh Thào A Páo người H’Mông và Hoàng Văn Toản người Thái, người trước người sau vào trạm. Họ là những thí dụ sống động cho một chủ trương đúng đắn về công tác cán bộ của Đài KTTV Tây Bắc. Địa hình ở Pha Đin hiểm trở, cách xa khu dân cư, điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, mùa đông về nhiệt độ thấp nhất xuống tới âm 1 - 2 độ C kèm theo gió mạnh đạt tới 40 m/s… Rất khó bố trí được cán bộ nơi khác đến làm việc lâu dài ở trạm. Vậy nên, kể từ năm 2012, Đài đã chủ động đề xuất kế hoạch tuyển dụng người địa phương vào làm việc, theo phương thức đào tạo tại chỗ.

Đi cùng chúng tôi lần này còn có Đức Phương, chuyên viên của Đài Khí tượng cao không (Tổng cục KTTV). Hiếm có dịp Phương gặp anh em ở Trạm ra-đa Pha Đin trực tiếp như thế này. Thường họ thấy nhau trên màn hình, câu chuyện chủ yếu xoay quanh các thông số hay bồi dưỡng nghiệp vụ mà thôi. Nhìn vào màn hình hiển thị ra-đa đang hoạt động, tôi không ngăn được câu hỏi, công việc có khó không, mất nhiều thời gian làm quen không? Đáp lời, Hoàng Văn Toản chỉ cười, nói khẽ: “Bọn em làm được!”. Có lẽ, người ở trạm quen với việc “quan sát mây, đo gió, đo mưa” hơn là nói về bản thân mình.

Tạm biệt “mắt thần Tây Bắc”, chúng tôi xuống núi. Đã xa khỏi chân đèo vẫn còn thấy đèn từ tháp của trạm ra-đa hắt sáng vòm núi thẫm đen. “Mắt thần không bao giờ khép”, góp phần bảo vệ cả một dải Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình...