Khơi luồng cho đội tàu 67

Sau hơn bốn năm phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ theo chính sách hỗ trợ của nhà nước, các tàu cá ở Hà Tĩnh hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, phải nằm bờ dài ngày, làm lãng phí nguồn vốn đầu tư và ảnh hưởng đến đời sống của bà con ngư dân. Tháo gỡ vướng mắc, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư này đang là bài toán nan giải đối với chính quyền và người dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Lòng - chủ tàu vỏ thép chia sẻ với phóng viên.
Ông Nguyễn Văn Lòng - chủ tàu vỏ thép chia sẻ với phóng viên.

Thua lỗ, buộc phải nằm bờ

Gặp lại ngư dân Nguyễn Văn Lòng ở thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, Lộc Hà (Hà Tĩnh) khi khuôn mặt sạm nắng của lão ngư nức tiếng làng biển Cửa Sót đã hằn lên những nét âu lo. Sự hân hoan, tin tưởng như ngày tôi gặp ông tại lễ bàn giao hai tàu đánh bắt xa bờ của huyện Lộc Hà theo Nghị định 67 của Chính phủ, tại cảng cá Thạch Kim, ngày 22-2-2017, đã không còn.

Lần này, ông cũng hẹn gặp tôi ở cái cảng cá ấy, nhưng với một tâm trạng bồn chồn. Bồn chồn bởi từ khi có tàu vỏ thép đến nay nghề câu khơi không được thuận lợi, tàu nằm bờ cả năm trời, muốn vay vốn, chuyển nghề mà chẳng được. “Ban đầu khi thiết kế tàu, gia đình tôi đăng ký nghề câu khơi. Sau khi đi vào hoạt động hơn một năm, chúng tôi liên tục thua lỗ do nghề câu khơi không còn phù hợp và sản lượng cá giảm. Hơn nữa, tình trạng khai thác thủy sản bằng các hình thức giã cào, nổ mìn như hiện nay gây tận diệt nguồn thủy hải sản và phá ngư lưới cụ của chúng tôi. Ra khơi thua lỗ liên tục, bất đắc dĩ tôi phải cho tàu nằm bờ từ tháng 4-2018 lại nay”, ông Lòng chia sẻ.

Theo ông Lòng, tàu nằm bờ lâu ngày không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình, mà còn ảnh hưởng đến đời sống của các bạn thuyền. Ðến nay, ngoài số tiền hơn 12 tỷ đồng vay từ BIDV Hà Tĩnh, gia đình ông Lòng còn nợ Agribank Lộc Hà gần 500 triệu đồng vay để đối ứng vốn đóng tàu và mua sắm ngư lưới cụ trước đây. Ðược biết, trước tình trạng tàu nằm bờ dài ngày, gây thua lỗ, ông Nguyễn Văn Lòng đã lên phương án chuyển từ nghề câu sang nghề lưới rê, tuy vậy muốn chuyển sang nghề mới thì ông phải chuyển đổi kết cấu tàu và ngư lưới cụ, chi phí khoảng 5 tỷ đồng. Ông Lòng đã nhiều lần làm đơn gửi các cấp, ngành đề nghị hỗ trợ vay vốn để chuyển đổi, song không được chấp thuận. Thậm chí, vào tháng 1-2019 vừa qua, khi UBND tỉnh Hà Tĩnh giải ngân nguồn vốn hỗ trợ 600 triệu đồng cho gia đình ông đã bị ngân hàng siết nợ. Thành ra, khó khăn càng chồng chất khó khăn. Qua tìm hiểu được biết, việc lập phương án ngành nghề, thiết kế tàu khai thác sản xuất không phù hợp là nguyên nhân căn bản dẫn tới việc ngư dân đánh bắt thua lỗ, khiến tàu vỏ thép phải nằm bờ và chủ tàu không có khả năng trả nợ.

Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lòng và nhiều ngư dân khác, bên cạnh những khó khăn do lựa chọn phương thức đánh bắt không phù hợp thì những bất cập trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng cá và khu neo đậu cũng là nguyên do khiến các tàu được đóng theo Nghị định 67 hoạt động kém hiệu quả. Theo ngư dân Nguyễn Văn Sinh: Tất cả các cảng biển ở Hà Tĩnh vốn chỉ thiết kế cho tàu dưới 300 CV cập bến. Trong khi, tàu được đóng theo Nghị định số 67/2014/NÐ-CP đều có công suất hơn 800 CV. May ra khi thủy triều đạt đỉnh, tàu công suất lớn mới cựa quậy ra vào được. Gặp con nước kiệt, mỗi chuyến đánh bắt về, các tàu công suất lớn đều phải neo đậu cách đất liền 2 đến 3 km, sau đó đưa thuyền nhỏ ra “tăng bo” hải sản vào bờ. Khi vào được cảng, gặp con nước kiệt, muốn ra khơi thì phải đợi con nước lên, có khi cả tuần thủy triều mới đạt đỉnh. Vào vụ cá, nhiều khi không kịp ra khơi.

Khơi luồng cho đội tàu 67 ảnh 1

Tàu phải nằm bờ khiến nhiều chủ tàu không có khả năng trả nợ ngân hàng.

Gỡ vướng từ chính sách đến nhận thức

Thực hiện Nghị định số 67/2014/NÐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt 7 đợt được 21 đối tượng đăng ký đóng tàu vỏ thép có công suất từ 800CV đến 1.100 CV (19 tàu khai thác và 2 tàu dịch vụ hậu cần), với tổng dự toán đầu tư sơ bộ 323,225 tỷ đồng. Ðến nay, đã có 11 tàu đã hoàn thành ra khơi sản xuất. Mặc dù các tàu đóng mới được trang bị hiện đại, chất lượng tàu cá hoạt động bình thường, không có sự cố hỏng hóc lớn trong quá trình vươn khơi. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác lại không được như kỳ vọng, thậm chí phần lớn các chủ tàu đều báo lỗ sau mỗi chuyến ra khơi với đủ các lý do như: Chi phí vận hành khai thác, khấu hao của tàu vỏ thép lớn, trong khi đó trình độ kỹ thuật của chủ tàu và lao động trên tàu còn hạn chế, ngư dân chưa có kinh nghiệm khai thác ở các vùng biển xa, ngư trường đánh bắt không thuận lợi, nguồn lợi hải sản suy giảm, thời tiết ngày càng diễn biến bất thường đã ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt của ngư dân...

Theo báo cáo của các ngân hàng, thời gian gần đây có 9/11 chủ tàu thiếu thiện chí trong việc trả nợ và khai báo doanh thu không chính xác, mặc dù ngân hàng đã gửi thông báo nợ quá hạn đến các chủ tàu nhiều lần. Hiện tượng này đã trở thành tâm lý lây lan trong hầu hết các chủ tàu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện Nghị định 67 của tỉnh và gián tiếp ảnh hưởng đến lòng tin của ngân hàng với bà con ngư dân trên toàn tỉnh. Tính đến tháng 12-2018 có 9/11 chủ tàu nợ quá hạn với tổng số tiền nợ gốc và lãi phải trả là 13.531.028.641 đồng.

Theo một đại diện của BIDV Hà Tĩnh, thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ, BIDV Hà Tĩnh đã cho 9 chủ tàu vay vốn đóng tàu vỏ thép với tổng dư nợ 125 tỷ đồng. Trong đó, xã Xuân Hội (Nghi Xuân) có 6 tàu, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) 1 tàu và huyện Lộc Hà có 2 tàu ở hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim. Thời gian đầu, các chủ tàu thực hiện việc trả nợ khá tốt. Tuy nhiên, khoảng hơn một năm trở lại đây, ngư dân không tuân thủ hợp đồng đã ký kết, cá biệt 9 chủ tàu đã đồng loạt ngừng trả nợ cùng lúc, dẫn đến nợ xấu tăng lên.

Qua trao đổi với Bí thư đảng ủy xã Xuân Hội (Nghi Xuân) Võ Văn Tùng, được biết, thời gian gần đây, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân trên địa bàn vẫn được duy trì thường xuyên và mang lại hiệu quả kinh tế đáng mừng. Tại Xuân Hội, vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, bình quân một tuần ra khơi, mỗi tàu vỏ thép mang về thu nhập hơn 300 triệu đồng. Tuy nhiên hiện nay, kết quả trả nợ của các chủ tàu còn thấp, nợ xấu không ngừng gia tăng. Theo đồng chí Võ Văn Tùng, trước sự chây ì của một số chủ tàu, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức làm việc với 6 chủ tàu để tuyên truyền, vận động song tới nay vẫn chưa có chuyển biến.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, để giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp cùng ngành ngân hàng đôn đốc các chủ tàu đã được vay vốn theo Nghị định 67/2014/NÐ-CP thực hiện trả nợ vay ngân hàng đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, các đơn vị, địa phương cần căn cứ vào nội dung phương án sản xuất, kinh doanh (năng lực tổ chức sản xuất, kế hoạch vay vốn và trả nợ, hiệu quả kinh tế…) của chủ tàu đã được UBND cấp huyện thẩm định để tiến hành rà soát, đánh giá thực tế hoạt động sản xuất của chủ tàu. Những tàu trước đây khai thác hiệu quả, trả nợ ngân hàng đúng hạn nhưng thời gian qua do khai thác kém hiệu quả chưa trả nợ được thì các ngân hàng có kế hoạch giãn trả nợ và cho các tàu cá ký cam kết để họ yên tâm khai thác. Trường hợp qua soát xét chủ tàu không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, có nhu cầu chuyển nhượng lại tàu thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 17/2018/NÐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ. Cùng với đó, cần có chế tài xử phạt thật nghiêm đối với ngư dân cố tình chây ì trả nợ ngân hàng để làm gương.