Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2019)

Huyền thoại pháo binh

Kỳ 2: Và chuyện nơi bản làng...

Nghe chúng tôi trình bày ý muốn lên tận nơi có tấm bia ghi dấu sự kiện Anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh, ông Quàng Văn Sơn, 59 tuổi, dân tộc Thái, Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), tỏ ra ái ngại, bảo: “Tùy các anh, các chị thôi, cũng nói trước là đường lên đó khó khăn lắm. Nhưng nếu đoàn quyết đi, xã sẽ cử người dẫn đường”...

Nghĩa trang A1 nơi Anh hùng Tô Vĩnh Diện yên nghỉ.
Nghĩa trang A1 nơi Anh hùng Tô Vĩnh Diện yên nghỉ.

Không đợi hết tuần trà, chúng tôi cảm ơn ông rồi vội vã lên đường, như nếu chần chừ thì ông chủ tịch xã sẽ thay đổi ý định. Người dẫn đường cho chúng tôi là chị Nguyễn Thị Thơm, phụ trách công tác văn hóa xã Nà Nhạn. Tuy vậy, sau mấy cây số theo quốc lộ 279 từ UBND xã đến khu "Nhà trưng bày di tích đường kéo pháo", chị Nguyễn Thị Thơm đành... thú thật là mình cũng không dám đi xe máy lên tận nơi có tấm bia Anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh. Ðơn giản vì con đường rất cheo leo, mặt đường nhỏ hẹp, dốc chồng lên dốc và nói chung là... không biết điều gì sẽ xảy ra dù chỉ một sơ suất nhỏ. May thay, vào lúc chúng tôi đang không biết xoay xở cách nào thì anh Quàng Văn Hoan tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi. Quàng Văn Hoan năm nay 35 tuổi, dân tộc Thái, quê bản Nà Pháy, xã Nà Nhạn, đã 11 năm làm bảo vệ tại khu di tích này. Tổ bảo vệ của Hoan chỉ có ba người, thay nhau phụ trách ba điểm di tích của trận địa pháo: Cụm tượng kéo pháo bằng tay, Di tích trận địa pháo H6 (Huổi Lơi) và Di tích trận địa pháo 105 (xã Thanh Minh, thành phố Ðiện Biên Phủ).

Sau gần một giờ đồng hồ trên những chiếc xe máy luôn "cài số 1", vào lúc quá trưa chúng tôi tới nơi có tấm bia ghi dấu Anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh. Ðó là bức phù điêu trên nền đá xanh, trong khuôn viên mấy chục mét vuông lát đá xẻ tự nhiên, tại khu rừng Pá Có, sườn phía tây Pha Sung, thuộc xã Nà Nhạn, huyện Ðiện Biên. Ngồi lại khu di tích, ông Lò Văn Hịa, 79 tuổi (bản Nà Nhạn 3,
xã Nà Nhạn, huyện Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên) bồi hồi nhớ lại chuyện cách đây gần 16 năm (vào tháng 8-2003), khi sáu cán bộ trong "Tổ Tư vấn lịch sử, kỹ thuật - Dự án trùng tu di tích Ðiện Biên Phủ" tìm đến nhà ông nhờ dẫn đường lên núi Pha Sung. Trong số sáu cán bộ của tổ tư vấn, ông Hịa rất bất ngờ trước sự góp mặt của một "nhân chứng" đặc biệt, đó là Ðại tá Trần Quốc Chân. Bốn mươi chín năm trước (1954 - 2003), Ðại tá Trần Quốc Chân là Trung đội trưởng Trung đội 2, Ðại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367. Vào cái đêm "định mệnh" (1-2-1954) ấy, chính Ðại tá Trần Quốc Chân là người đã ra lệnh kê chèn pháo thật kỹ rồi đào đất gỡ Tô Vĩnh Diện ra, sau đó cử người đưa anh về trạm xá tiền phương.

Hôm đó, trên dãy Pú Pha Sông, nhóm công tác hì hụi lật tung từng ngọn cỏ với hy vọng mong manh có thể tìm được chút gì đó làm "vật chứng". Tuy vậy, thời gian trôi đã gần nửa thế kỷ, vả lại, thời điểm kéo pháo diễn ra vào ban đêm, tại một khu rừng không có gì đặc biệt để làm dấu mốc. Vì thế, chính Ðại tá Trần Quốc Chân cũng "nhận nhầm" tới năm vị trí nơi Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo. Ðối chiếu với các tài liệu lịch sử, cả năm vị trí đều có độ dốc hơn 60 độ, đều có hình yên ngựa, có nhiều cây chuối và cỏ lau. Song, như có sự "mách bảo" kỳ diệu nào đó, sau khi vần vò trong tay và ngửi từng vốc đất xem có còn chút mùi khô khét của bom đạn gì không, Ðại tá Trần Quốc Chân buồn bã chuyển sang điểm tìm kiếm khác. Bỗng đâu ông Hịa reo lên: "Tôi biết chỗ anh Diện ngã xuống!" và cả nhóm công tác rẽ rừng đi theo ông Hịa. Ðến sườn phía Tây rừng Pá Có, đang đi Ðại tá Chân khựng lại và hô lên thật to: "Ðúng rồi! Tôi còn nhớ nòng pháo hất lên giời, càng pháo găm vào vách núi bên phải, chỗ này... chỗ này... cách bờ vực chỉ vài ba mét". Ngay lập tức tổ công tác thực hiện các tác nghiệp phục vụ cho chuyên môn (ghi hình, đo vẽ, dánh dấu... trên thực địa).

Hôm nay, theo đề nghị của chúng tôi, ông Lò Văn Hịa dẫn chúng tôi leo lên một đỉnh núi và chỉ cho chúng tôi con đường đi tắt lên trận địa pháo Pha Sung. Trước mắt chúng tôi hiện lên một phần khung cảnh con đường kéo pháo đã được phục dựng hơn 10 năm trước. Từ đây, bằng mắt thường cũng dễ dàng nhìn thấy toàn bộ sân bay Mường Thanh, một phần khu vực di tích đồi Ðộc Lập và khu vực di tích Trung tâm đề kháng Him Lam... của Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ 65 năm trước. Ngoài con đường kéo pháo lên trận địa pháo Pha Sung, ông Lò Văn Hịa cho biết, trong phạm vi hai dãy núi Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ của lòng chảo Mường Thanh, có ít nhất sáu con đường kéo pháo khác mà đến nay rất ít người biết. Ðấy là các con đường kéo pháo từ bản Tấu đến bản Tà Lèng, dài 27 km; tuyến thứ hai từ bản Xôm, xã Mường Phăng đến Pú Hồng Mèo, dài 8 km; tuyến thứ ba từ Ða Voong đến Na Lơi, dài 3 km; tuyến thứ tư từ Pe Na đến Na Lơi, dài 9 km; tuyến thứ năm từ Mường Phăng đến Nà Nhạn, dài 7 km; tuyến thứ sáu từ bản Nà Nhạn đến bản Tấu (nằm ở phía bắc đồi Ðộc Lập) dài 18 km. Các tuyến đường này được mở men theo các sườn núi, vượt qua nhiều đèo cao dốc đứng, nhiều đoạn quanh co ngay bên bờ vực thẳm lại nằm trong tầm hỏa lực của địch trong suốt thời kỳ chiến dịch diễn ra. Một số đường kéo pháo hoặc nằm cạnh quốc lộ hiện nay (trận địa 105 ly + hỏa tiễn sáu nòng tại bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh), hoặc con đường chỉ có một đoạn ngắn (trận địa 12 ly 7 ở Tả Bả Con, bản Nà Nhạn 2, xã Nà Nhạn)... vẫn chưa được phục dựng... Theo ông Tòng Văn Dọn (nguyên trưởng bản Nà Nhạn 3, xã Nà Nhạn, huyện Ðiện Biên), gần chục năm sau giải phóng Ðiện Biên, một số người dân địa phương trong lúc vào rừng khai thác lâm sản vô tình phát hiện những đống vỏ đạn pháo hoen gỉ, mới biết đó là nơi có trận địa pháo trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

​Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ - ông Vũ Nam Hải - cho biết: Di tích đường kéo pháo bằng tay (và cả cụm tượng) thuộc quần thể Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ðiện Biên Phủ - một di tích đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với quốc gia và quốc tế - việc bảo tồn, tôn tạo cụm di tích này là việc làm nhằm phát huy giá trị nguyên gốc nơi diễn ra sự kiện kéo pháo ở Ðiện Biên Phủ năm 1954. Hiện tại, đường kéo pháo đã khôi phục dài 3.966,40 m, từ mốc PM3 (Nà Nhạn) đến mốc D175. Bắt đầu từ mốc PM3, có một đoạn dài chừng 100m được phục chế y hệt đường kéo pháo năm xưa để khách tham quan có thể hình dung được cả tuyến đường. Ðiểm cuối cùng của di tích đường kéo pháo là nơi Anh hùng Tô Vĩnh Diện hy sinh. Ðây là "điểm nhấn" của toàn bộ tuyến đường kéo pháo, làm tăng thêm ý nghĩa giáo dục truyền thống và ý nghĩa lịch sử của di tích.

​Theo sách Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (Tập I, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1996), Tô Vĩnh Diện (1924 - 1954) quê ở thôn Dược Khê, xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn) tỉnh Thanh Hóa. Năm 1946 khi Pháp tái chiếm Ðông Dương, Tô Vĩnh Diện tham gia và trở thành người chỉ huy dân quân ở địa phương. Năm 1950, tại Thanh Hóa nổ ra một vụ bạo loạn, ông bị những người nổi loạn bắt giữ. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử một đơn vị quân sự xuống hỗ trợ cán bộ trấn an tình hình, anh được giải cứu và từ đó chính thức gia nhập hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Anh hy sinh lúc 30 tuổi đời, 7 năm tuổi quân và cũng tròn 7 năm tuổi Ðảng. Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ (phường Mường Thanh, thành phố Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên), chân dung Tô Vĩnh Diện được treo ở vị trí trang trọng cùng chân dung hơn 30 anh hùng - liệt sĩ khác đã hy sinh trong chiến dịch. Hiện nay, trong Nghĩa trang A1 (phường Mường Thanh, thành phố Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên) ngôi mộ của Tô Vĩnh Diện là một trong bốn ngôi mộ xác định được tên tuổi, quê quán, đơn vị trong số 644 ngôi mộ ở nghĩa trang này. Tên của anh được đặt cho nhiều tuyến đường, con phố, trường học... ở Ðiện Biên nói riêng và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung.

​Gương quên mình cứu pháo của Anh hùng Tô Vĩnh Diện mãi mãi là biểu tượng sáng ngời về tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc trường tồn. Trong lòng đất Ðiện Biên yêu dấu, anh nằm lại bên dòng Nậm Rốm thơ mộng, yên bình. Mãi mãi, đất nước nhắc tên các anh như nhắc về một niềm kiêu hãnh, làng bản ghi tạc công ơn của các anh - Những cuộc đời thực đã hóa thành huyền thoại...