Du cư mùa nước nổi

Khi con nước nổi tràn đồng cũng là lúc những gia đình nghèo làm nghề hạ bạc ở miền Tây rời bỏ quê nhà, bắt đầu cảnh sống lênh đênh, rày đây mai đó như đời… “du mục”. Họ cứ đi mãi, đi mãi, “du cư” từ cánh đồng này tới cánh đồng khác, lấy chiếc xuồng nhỏ làm nhà, vì gánh nặng mưu sinh đè nặng trên vai.

Giăng lưới cá đồng trong mùa nước nổi.
Giăng lưới cá đồng trong mùa nước nổi.

Xóm nhà … chạy lũ

Chúng tôi tìm về xóm lều ven sông Vĩnh Hội Đông, huyện đầu nguồn An Phú, tỉnh An Giang. Những căn chòi thoi loi được bao bọc bởi cánh đồng ngập nước trắng xóa. Ngồi trên võng hướng về đồng nước với đôi mắt xa xăm, cụ Đỗ Thị Quắn cho biết, gia đình phải “chạy” lên bờ kênh cất lều ở hơn hai tháng nay, tránh lũ. Vừa nói chuyện, bà cụ 79 tuổi cứ hướng mắt về phía cánh đồng, biểu hiện lo lắng vì chờ đợi cụ ông đi đổ dớn, chưa về. “Hàng ngày, vợ chồng tui sống bằng việc đặt bốn cái dớn bắt cá, tép bán lấy tiền mua gạo. Bữa nào trúng thì cũng kiếm được mười lăm, hai mươi ký cá, bán được chừng một trăm, trăm rưỡi ngàn đồng. Hổm rày, lũ lớn, nước dâng cao làm dớn bị ngập, cá cũng không chạy nữa. Khó khăn chồng chất khó khăn”, cụ Quắn than thở.

Cách đó không xa, xóm lều chùa Cô có bảy gia đình với hơn 30 nhân khẩu đang trú ngụ qua mùa nước ngập. Họ sống dựa vào nghề giăng câu, đặt lọp cá lóc, lọp cua trên những cánh đồng biên giới tiếp giáp với nước bạn Cam-pu-chia. Ông Phan Văn Hạnh, 49 tuổi kể, gia đình trước đây ở xã Vĩnh Hội Đông, đến Phú Hội cất tạm căn nhà nhỏ ở đã 16 năm trời. Do nhà cất ở vùng trũng, gần sông nên mùa nước nổi về là bị ngập hết chung quanh, khiến gia đình phải… chạy lũ đến xóm chùa này. Vậy mà, số nghèo lại mắc… cái eo. Cách nay một năm, đi giăng cầu về bất ngờ dông gió nổi lên đánh sập căn nhà mới cất, khiến toàn bộ tài sản và giấy tờ gia đình ông Hạnh trôi theo dòng nước. Trước cảnh tiến thoái lưỡng nan, gia đình đành dọn lên bờ đê dựng lều ở tạm. “Thấy hoàn cảnh của gia đình, địa phương vận động nhà tài trợ cho tiền cất cho căn nhà mới nhưng cách nay chừng một tháng lại bị con sóng đánh lớn sập lần nữa. May mà cha con tui nhanh chân chạy kịp thoát thân”, ông Hạnh nhớ lại.

Cùng chung cảnh ngộ bị nước lũ “rượt đuổi”, gia đình ông Phan Văn Hồng, cũng “khăn gói” đến xóm chùa Cô xin dựng tạm căn lều để che nắng, che mưa. Chỉ cánh tay về phía cánh đồng trắng xóa nước, xa xa có rặng cây chòi lên khỏi mặt nước, ông Hồng bảo đó là nơi ông ở trước khi “chạy lũ” ra nơi này. Thời điểm nước dâng cao, chung quanh ngập rất sâu, còn mấy căn nhà trong xóm thì chòng chành mỗi khi trời nổi cơn giông gió. “Ban đêm mỗi nhà chỉ để lại một người giữ đồ đạc và ngư cụ vì sợ bị người ta lấy trộm. Nhiều hôm đang ngủ thì trời nổi cơn gió chướng, sóng dập liên hồi, căn nhà rung lên bần bật. Tui phải leo lên cây đeo bám, hổng dám ở trong nhà vì sợ sập. Còn vợ con đưa lên hết xóm chùa Cô tá túc, tới qua mùa nước nổi mới trở về”, ông Hồng bộc bạch.

Xuôi ngược mưu sinh

65 tuổi, vợ chồng ông Phạm Văn Sàng (Năm Sàng) và bà Nguyễn Thị Cuốn đã có hơn 30 năm gắn chặt đời mình với những cuộc mưu sinh trên đồng nước nổi. Giờ đây, vợ chồng lão ngư dân lại phải rời bỏ căn nhà nhỏ ở xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để tìm đến những cánh đồng nước ngập sâu tìm kế sinh nhai. Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa nước nổi tràn đồng là vợ chồng ngư dân già này lại mang cà ràng, bó củi, nồi niêu, túm gạo xuống chiếc xuồng cũ kỹ bắt đầu cuộc đời du mục. Chiếc máy đuôi tôm già nua gồng mình đạp nước, vượt hơn 40 km đường sông, băng đồng tìm đến miệt biên giới Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Cánh đồng biên giới này là “ngư trường” đầu tiên trong hành trình du cư ròng rã mấy tháng liền suốt mùa nước nổi của ông Sàng.

Qua thăm hỏi chuyện trò mới biết, trước kia, gia đình ông Sàng có gần bốn công đất ruộng, nhưng làm lúa quanh năm cực khổ vẫn thiếu trước hụt sau. Để tìm cơ hội thoát nghèo, ông Sàng vay tiền nuôi đàn vịt 2.000 con nhưng thất bại, lỗ lã hai lần đến nỗi phải bán phân nửa số đất để trả nợ. Rồi bà Cuốn, vợ ông lâm cơn bạo bệnh, hơn một công đất cuối cùng cũng phải bán đi. Hai người con trai của ông cũng phải đi làm công nhân xa xứ để phụ giúp gia đình. Nhưng người con trai út bị tai nạn giao thông, thương tật nặng gần hai năm chưa lao động được. Thế nên, ở cái tuổi của ông lão đáng ra đã được an hưởng tuổi già, nhưng vẫn phải ngày ngày lặn ngụp, chống chèo, giăng lưới để kiếm từng con cá, vắt sức đổi chén cơm.

Trong lúc trò chuyện, người ngư dân già cứ đưa mắt ngó xa xăm như cố tránh đi ánh mắt của người đối diện. Nhìn ông móm xọm, già nua và yếu ớt so với cái tuổi 65. Chiếc xuồng nhỏ cũng già yếu, ọp ẹp như ông lão, vẫn phải từng ngày chở nặng những cuộc mưu sinh xuôi ngược. Tấm cà rèm được dựng lên làm chốn che nắng che mưa trên đồng nước. Mọi chuyện sinh hoạt, nấu nướng, ăn uống, ngủ nghỉ hết thảy trên chiếc xuồng chật hẹp này. “Già yếu rồi, mắt kém, tay chân xuống nước lạnh là cứ run lên mà vẫn phải làm, chú ạ. Dù cực khổ nhưng mỗi tháng cũng có vài ba triệu bạc, có tiền thuốc thang cho đứa con trai út và cũng có cái để no lòng, chứ đâu thể ngồi than thân trách phận”, lão ngư dân thổ lộ trước lúc chia tay tôi vào cuối buổi chiều tà…

3 giờ sáng. Xóm du cư của hơn chục ghe giăng lưới cá chạch ở vàm kênh Rọc Bắt Heo, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An bắt đầu chộn rộn. Người hạ cà rèm, người thu dọn đồ đạc chuẩn bị cho một ngày làm ăn trên đồng nước. Những chiếc xuồng máy đuôi tôm bắt đầu rời bến, tủa ra các cánh đồng nước nổi mênh mông. Mỗi đốm sáng le lói trên đồng là một xuồng lưới của xóm du cư. Khi chọn được khoảng đồng ưng ý, họ bắt đầu bủa lưới. Công việc này đòi hỏi phải có tới hai người làm, một người chống xuồng, một người thả lưới. Có khi tới tận năm, sáu giờ sáng mới bủa lưới xong. Rồi họ tìm chỗ cắm sào, đậu xuồng lại, dựng cà rèm lên để lo cơm nước. Như vợ chồng ngư dân trẻ Huỳnh Văn Tuấn đã bốn năm sống cảnh du cư theo con nước. Tuấn nói, càng ngày ngư dân nghèo như Tuấn càng phải đi xa hơn, vì những “ngư trường” đánh bắt tự nhiên trong mùa nước nổi dần đã bị đê bao khép kín, trồng lúa ba vụ hết rồi. Không ruộng đất, cũng không nghề nghiệp gì ổn định nên sau khi cưới vợ, tài sản cha mẹ cho ra riêng là chiếc xuồng cui làm vốn mưu sinh. Rồi vợ chồng Tuấn cũng bắt đầu cuộc hành trình sống đời “du mục” trên sông nước theo những người trong xóm bãi Châu Ma, lang bạt, tha hương cầu thực. Mặc cái nắng chói chang như cháy da cháy thịt của vùng đất phương nam, ngư dân trẻ vẫn cứ thoăn thoắt tay thu lưới, gỡ cá bỏ vô khoang xuồng. “Năm nào vợ chồng em cũng phải bỏ nhà đi biền biệt độ sáu tháng trời, tới khi hết mùa nước nổi mới trở về. Đi tới đâu xin bà con cho đậu ghe dưới bến, tá túc tới đó. Khi cánh đồng này vừa cạn nước là di chuyển qua cánh đồng ngập lũ khác để đánh bắt. Cứ đi mãi như vậy nên không có bến bờ nào cố định”, Tuấn trải lòng.

Thu lưới xong cũng là lúc trưa đứng bóng. Ánh nắng trở nên gay gắt, cũng là lúc đoàn xuồng của dân “du cư” lần lượt quay về bến Rọc Bắt Heo. Xóm du cư này có tổng cộng 19 nóc cà rèm (loại làm bằng lá dừa nước để che mưa nắng trên xuồng ghe), đều là người ở xã Phú Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Mỗi năm tới mùa nước nổi, họ phải vượt hơn 50 km đường sông, đường đồng tới đây neo đậu, tá túc dưới dạ cầu suốt mấy tháng ròng để mưu sinh. Tiếng cười nói lao xao một khúc sông vì hôm nay nhiều người trúng luồng cá chạch, khoe chiến lợi phẩm của một ngày đêm mưu sinh vất vả. Rồi cánh đàn ông tập trung về chiếc giường gỗ kê chân xuống nước làm nơi họp mặt, trà nước mỗi buổi chiều...

Chia tay xóm du cư dưới chân cầu Rọc Bắt Heo khi trời vừa chạng vạng. Phóng tầm mắt ra phía xa, đâu cũng mênh mông nước nổi. Một chiếc xuồng câu lưới thật lẻ loi giữa bao la đồng nước. Nổi trôi theo dòng nước, sống nhờ sự hào phóng của thiên nhiên, những phận đời du cư ấy chưa biết đến khi nào mới gỡ được gánh nặng mưu sinh đè trĩu trên vai.

Du cư mùa nước nổi ảnh 1

“Chiến lợi phẩm” của một ngày mưu sinh vất vả.