“Di cư ngược” ở Tương Dương

Từ ba năm trước, báo Nhân Dân cuối tuần đã có bài phản ánh về tình trạng hàng trăm hộ dân trong tổng số gần 3.000 hộ dân huyện Tương Dương (Nghệ An) trong diện di dời tái định cư (TÐC) để xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, đã “di cư ngược” về quê cũ, cư trú bất hợp pháp. Cho đến nay, dù đã có nhiều cuộc họp được tổ chức, nhưng vẫn chưa có được giải pháp thỏa đáng ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây.

Trong tiến trình “di cư ngược”, trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong tiến trình “di cư ngược”, trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Khổ cũng tìm về!”

Bản Kim Hồng, khu TÐC Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương) những ngày giữa tháng 3-2018. Cảnh tượng đìu hiu, nhiều ngôi nhà cửa đóng then cài đã lâu không có người ở, nhiều ngôi nhà bị phá bỏ chỉ còn cái nền cỏ đã mọc đầy, cây keo khép tán. Những bể chứa nước công cộng khô khát, đầy phân trâu bò… Ði mãi mới tìm được một người dân. Nói tên mình còn ngòng ngọng, anh Lò Văn Phiu bảo: “Người Thái tại huyện Tương Dương mình quen sống gần khe, gần suối quanh năm có con cá, con tôm. Chuyển về bản này cao quá, thiếu nước. Ruộng, đất rừng không đủ thọc lỗ, tra hạt. Ði làm thuê, bóc vỏ keo không đủ đong ngày ba bữa cơm…”. Vậy nên, nhiều hộ hoặc bỏ hoang hoặc bán cả nhà cửa, đất đai, dắt díu vợ con hồi hương về khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ trước đây kiếm ăn.

Muốn gặp được trưởng bản Kim Hồng, chúng tôi đành quay ngược lại hơn 150 km đường bộ với hai giờ chạy xuồng máy để đến được bản Kim Hồng cũ (nay thuộc địa phận hành chính xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương). Cách trung tâm UBND xã không quá xa đã thấy thấp thoáng những ngôi nhà tranh hiện lên trong sương sớm. Những lối mòn được dân bản nối lên tận cánh rừng phòng hộ sau lưng. Dưới khe nước, cách vài chục mét lại có một máy tua-bin phát điện, dây điện được mắc tạm bợ, chằng chịt nối lên những ngôi nhà. Nước sinh hoạt trông vào việc dẫn từ các khe suối trên núi.

Cụ Quang Văn Tuyên giải thích cái sự “di cư ngược” là vì cuộc sống ở bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm khó khăn quá, nên cả gia đình có tám nhân khẩu đều lại quay về chỗ cũ. Con trai, con dâu đi làm rẫy, chăn trâu bò, ông và vợ làm bè gần để chăm cháu ăn học. Ông Tuyên bảo, dần dần sẽ còn nhiều hộ quay hết về đây thôi.

Tuy vậy, có không ít gia đình như hộ nhà ông Vi Văn Dung đang lâm vào cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Do không được phép phát rẫy, người dân quay về chỉ còn biết vào rừng hái măng, kiếm con sóc, con dúi làm thức ăn qua ngày. Họ cũng không thể quay về chỗ ở tái định cư, bởi đã bán hết nhà cửa rồi. Tấc đất dung thân cũng là khó với họ.

“Di cư ngược” cũng là chấp nhận một cuộc sống bấp bênh. Rút cục, trẻ con lại là đối tượng phải gánh chịu nhiều nhất. Theo thống kê của UBND xã Hữu Khuông, trên địa bàn hiện có 51 học sinh theo bố mẹ trở về xin vào học. Vì hộ khẩu hiện ở mãi Thanh Chương, nên con cái của những hộ này không được ưu tiên vào ở nội trú. Ðường đi từ những điểm sinh sống đến trường xa xôi, cách trở sông nước nên ngay tại trung tâm xã xuất hiện hàng chục lều tranh, thưng bằng phên nứa, rộng chỉ chừng 3 - 4 m2, nằm dọc ven suối. Em Lô Thị Mây, học sinh lớp 9 Trường THCS xã Hữu Khuông, nhà vốn ở xã Tri Lễ - Quế Phong. Từ hai năm nay, em về sống một mình trong lều tạm để đi học. Ðầu tuần bố mẹ tiếp tế cho gạo, một ít thức ăn, còn sau giờ học em tự tìm củi về thổi lửa nấu ăn. “Lều sát khe nước, mưa lũ sợ lắm!” - em rùng mình nói khi cơn gió quét qua phên nứa...

Câu hỏi chưa có lời đáp

Theo thống kê của UBND xã Hữu Khuông, tính đến nay, toàn xã có 114 hộ TÐC quay trở lại quê cũ sinh sống, tập trung ở khu vực rừng phòng hộ, gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng. Sau nhiều lần tuyên truyền, vận động, hiện nay mới chỉ có 10 hộ chấp nhận trở lại khu TÐC.

Ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tương Dương “vò đầu bứt tai”: “Riêng huyện có 2.910 hộ (13.735 nhân khẩu) thuộc 31 bản, 8 xã phải di dời TÐC. Trong số này có 27 hộ không chịu di dời. Sau nhiều lần vận động, hiện đã có 19 hộ đồng ý làm thủ tục xin di dời TÐC, nhưng một số chưa thể chuyển về quê mới vì nguyện vọng của họ là được đem theo toàn bộ gỗ đã tích trữ từ nhiều năm nay. Trong khi đó, UBND tỉnh Nghệ An quy định: Ngoài nhà cửa, mỗi hộ chỉ được mang theo 3 m3 gỗ ra khỏi khu vực lòng hồ về khu TÐC. Bản Chà Coong, xã Hữu Dương cũ cũng có tám hộ chưa chịu di dời”.

Ông Hùng nêu cái khó: “Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng diện tích trên cốt ngập là phải có nhưng lại không có trong dự án Thủy điện Bản Vẽ, vì thế không có nguồn kinh phí nào để giải quyết. Ngoài ra, cũng đã phát sinh một số vấn đề khiến người dân không muốn di chuyển đến khu ở mới như chủ đầu tư chưa sửa chữa những công trình TÐC xuống cấp. Một số hạng mục giao thông, công trình nước sạch, hỗ trợ san nền chưa chi trả xong. Một phần kinh phí hỗ trợ sản xuất cho người dân chưa hoàn thành...”.

Hỏi đến các giải pháp của các cơ quan trước thực trạng nhức nhối này, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cũng chỉ đưa ra được những giải pháp chung chung theo hướng sẽ không sử dụng các biện pháp mạnh tay, mà tập trung tuyên truyền để người dân trở về nơi TÐC.

Ðược biết, từ nhiều năm trước, kế hoạch của UBND tỉnh Nghệ An là xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu, mô hình sản xuất; đôn đốc BQL Dự án Thủy điện 2 cùng huyện Thanh Chương đẩy nhanh tiến độ chia và giao đất; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, vận động bà con tăng cường sản xuất, gia tăng sản xuất... Thế nhưng, đến nay kế hoạch vẫn chủ yếu… nằm trên giấy, do đều gặp khó khăn vì thiếu quỹ đất giao cho dân. Cho đến giờ câu hỏi: “Phải lấy quỹ đất ở đâu để chia cho dân? Và đơn vị nào có trách nhiệm thực hiện?”, vẫn chưa được trả lời. Ðó là chưa kể đến những vấn đề liên quan tập tục sống, những xáo trộn trong văn hóa của người dân… vẫn còn bỏ ngỏ.

Chia tay những người dân “di cư ngược”, ám ảnh sự khắc khoải trên từng khuôn mặt sạm sắt lại. Những bậc thềm hoang khu TÐC Ngọc Lâm và những cuộc đời dang dở chưa biết về đâu… Cần lắm một sự vào cuộc gấp rút và toàn diện từ chính quyền!