Đêm mùa dịch ở chợ đầu mối...

Bình thường, cuộc mưu sinh kiểu lấy đêm là ngày của người dân ở các chợ đầu mối quanh TP Hà Nội vốn đã vất vả, nhưng khi bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19) xuất hiện và diễn biến phức tạp thì không chỉ vất vả tăng lên mà còn cộng thêm cả những âu lo.

Người dân vừa phòng dịch vừa lo mưu sinh.
Người dân vừa phòng dịch vừa lo mưu sinh.
Đêm mùa dịch ở chợ đầu mối... ảnh 1

Giá gia cầm ở chợ Hà Vỹ đã giảm nhiều so trước Tết Canh Tý.

Buôn bán cầm chừng

Vẫn những con người ấy đang chuyển cá xuống xe, phân loại, cân và xuất bán trong không gian chợ cá Yên Sở (phường Yên Sở, Hoàng Mai). Vẫn là những mối hàng quen thuộc giao dịch không chỉ các đầu mối ở địa bàn Hà Nội mà ở các tỉnh, thành phố phía bắc. Nhưng sản lượng kinh doanh mặt hàng cá các loại đã giảm từ 20 đến 30%. Có nhiều ngày giảm sâu đến 40%. Anh Mao Đức Thuận, tiểu thương có thâm niên 20 năm kinh doanh tại chợ cá, chia sẻ: “Các nhà hàng trên địa bàn Hà Nội đều vắng khách, do đó các mối lấy cá để đưa vào các nhà hàng giảm. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Mong sao dịch Covid-19 sớm qua đi cho người dân khắp nơi được nhờ”. Nhấc con cá chép cỡ hơn 3 kg, anh Thuận cho biết thêm: “Chợ cá hoạt động cả ngày, nhưng nhộn nhịp nhất là từ 3 giờ đến 6 giờ sáng. Đó là thời điểm cá từ các nơi đưa về, rồi được tỏa đi các đầu mối, các chợ nhỏ hơn. Đợt cuối năm 2019, những con cá to như thế này đắt hàng lắm. Nhưng bây giờ, giá cá không tăng, mà sản lượng kinh doanh tất cả các loại cá đều giảm”.

Yên Sở là chợ cá đầu mối lớn nhất miền bắc, mỗi ngày có gần 100 xe đưa cá từ các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh… về, với khoảng hơn 100 tấn mỗi ngày. Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Thìn, Giám đốc HTX Dịch vụ thủy sản, Thương mại tổng hợp Yên Sở cho biết: Chợ cá Yên Sở họp 364/365 ngày/năm (chỉ nghỉ vào ngày mồng một Tết Nguyên đán). Hiện nay, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, TP Hà Nội đã bố trí một trạm kiểm dịch thủy sản tại cổng chợ. Hằng tháng, đều có kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đến Trung tâm Chợ đầu mối phía nam, đóng trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai) lúc 4 giờ sáng, cảnh buôn bán cũng chùng xuống do bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Mỗi ngày hàng nghìn người đến kinh doanh, buôn bán, với đủ các loại từ thịt gia súc, gia cầm, rau xanh, hoa quả đến các mặt hàng khô. Chị Bùi Thị Vân, người dân ở xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên), cùng chồng bán rau xanh, tâm sự: “Trước đây chưa có dịch bệnh, việc buôn bán suôn sẻ hơn. Người dân đến mua rất nhiều do giá cả phải chăng. Nay thì ai cũng phải đề phòng dịch bệnh, người đến mua ít đi. Chúng tôi lúc nào cũng phải đeo khẩu trang nên ngay cả nói chuyện với khách cũng khó khăn”.

Chị Vân kể thêm dưới ánh đèn chợ, ngoài vợ chồng chị, con trai chị cũng mua được một suất bàn để đứng bán thịt gà, vợ chồng em trai chị có một quầy bán rau. Hằng ngày, mỗi người đều dậy sớm chở xe máy đến chợ và lúc nào cũng dắt theo gói khẩu trang. Trưa về nhà nghỉ ngơi rồi đi lấy hàng cho sáng sớm hôm sau, công việc vất vả quanh năm, bất kể nắng mưa. “Năm ngoái, từ sau Tết đến giờ vợ chồng tôi thu lãi khoảng 30 triệu đồng, nay thì chưa được một nửa”, chị Vân lo lắng kể lại.

Quanh Hà Nội còn một số chợ đầu mối từng sôi nổi, đông đúc người mua kẻ bán như Minh Khai (Nam Từ Liêm), Long Biên (Ba Đình), chợ nông sản Văn Quán (Hà Đông), chợ đầu mối Bắc Thăng Long (Đông Anh)… nay không khí mua bán cũng trầm lắng hẳn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông Hoàng Văn Trung, người kinh doanh thịt lợn ở xã Vạn Phúc (Thanh Trì), bày tỏ: “Có lúc ế hàng, tôi không vào chợ mà phải ngồi đón ở đầu khu dân cư, để người dân tiện mua thịt. Ngày tạnh ráo còn đỡ chứ mưa phùn gió bấc, đi lại khó khăn, nhếch nhác lắm”.

Trăn trở phòng, tránh dịch

Chợ đầu mối là nơi tụ tập đông người, đến từ nhiều tỉnh, thành phố đổ về, vậy nên việc phòng tránh lây nhiễm dịch Covid-19 hết sức khó khăn. Tôi đã mang nỗi băn khoăn này hỏi chuyện nhiều người ở Trung tâm Chợ đầu mối phía nam. Trả lời câu hỏi, anh Nguyễn Văn Thái, buôn bán rau xanh, đến từ Bắc Ninh, cho hay: “Chúng tôi nghe thông tin trên các phương tiện thông tin, cũng thấy sợ. Nhưng không thể không đi kiếm tiền nuôi con cái được. Thôi thì tôi tự ý thức đeo khẩu trang để bảo vệ cho mình, cho người khác. Nhưng ở đây, cánh đàn ông, đa số vẫn chưa đeo do ngại vướng víu, khó làm”. Một số tiểu thương khác cũng không giấu nỗi lo về dịch bệnh, nhất là khi còn nhiều người chủ quan trong phòng chống, chẳng biết đến khẩu trang là gì!?

Cũng câu hỏi này, ông Cao Văn Thìn, Giám đốc HTX Dịch vụ thủy sản, Thương mại tổng hợp Yên Sở, trả lời: “Chúng tôi phối hợp UBND phường Yên Sở cập nhật tình hình dịch bệnh, tuyên truyền cho bà con cũng như vận động người dân tích cực đeo khẩu trang phòng dịch. Thế nhưng, chỉ có khoảng 50% số người đeo. Còn các thiết bị khác như máy đo thân nhiệt thì chúng tôi chưa có điều kiện để mua”.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Quyết, Chủ tịch UBND phường Yên Sở, chia sẻ: “Các vấn đề phòng, chống dịch bệnh, phun hóa chất khử trùng, tuyên truyền, cách ly người nước ngoài trên địa bàn phường được làm rất tốt. Còn về chợ cá Yên Sở, tuy có quy mô lớn, hoạt động từ gần 30 năm qua, nhưng đến nay vẫn chỉ là chợ tạm, xập xệ do tự phát, người kinh doanh chủ yếu là dân địa phương. Phường không có chức năng tổ chức chợ, và chợ chưa có một mô hình quản lý chính thống. Nhưng việc quản lý để bảo đảm an toàn vệ sinh, an ninh trật tự là việc vẫn phải bảo đảm. Phía quận Hoàng Mai và thành phố đang gặp khó khăn trong bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng. Mấy chục năm qua chưa đầu tư một đồng nào cho công tác này”.

Tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, thuộc xã Lê Lợi (huyện Thường Tín) lúc này, người dân và chính quyền không chỉ phòng, chống Covid-19 mà còn phải phòng, chống sự lây lan của cúm gia cầm A/H5N6. Tiểu thương Lê Duy Hải, vừa lùa vịt vừa tâm sự: “Lượng gia cầm tiêu thụ tại đây giảm đáng kể so với dịp trước Tết. Chúng tôi phải kiểm soát để không mua hoặc bán gia cầm có mầm bệnh. Người dân vẫn cố gắng gồng mình buôn bán, đồng thời chấp hành các quy định phòng dịch, bệnh của cơ quan chức năng”.

Người dân chung tay, các cấp chính quyền càng phải sát sao hơn, bởi lẽ dịch bệnh không chừa một ai, và không biết thương xót như nhiều người dân ví von. Đại diện Ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ cho biết, tất cả xe tải ra vào chợ đều được bộ phận kiểm dịch yêu cầu phải đi qua vũng nước có pha loãng dung dịch sát trùng. Bốn vũng nước này được bố trí đều ở bốn cổng để Ban Quản lý chợ dễ dàng kiểm soát, nhắc nhở tiểu thương chấp hành theo quy định. Bên cạnh đó, các cán bộ thú y luôn luôn có mặt túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát. Từ đó hướng dẫn tiểu thương thực hiện các bước phòng dịch, biện pháp kiểm dịch theo yêu cầu. Từ 3 giờ sáng cán bộ, nhân viên phụ trách kiểm dịch tiến hành phun thuốc và kiểm dịch gia cầm.

Lúc này, ông Nguyễn Duy Gia, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi (Thường Tín) cùng các đơn vị địa phương đang căng mình thực thi nhiệm vụ. Ông Gia cho biết, công tác phòng, chống dịch đang được thực hiện ráo riết. Chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn về giám sát và phòng Covid-19 cho cán bộ y tế thôn, tham gia công tác khám chữa bệnh, phòng, chống dịch trên địa bàn; tập huấn về an toàn sinh học cho cán bộ mạng lưới dịch tễ các tuyến, thành viên đội chống dịch cơ động; kiện toàn hai đội chống dịch cơ động. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp Phòng Y tế Thường Tín, Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân xã, công an xã trong việc kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh trong các khu xây dựng, công trình, doanh nghiệp, nơi có nhiều người nước ngoài đang lưu trú.

Đời dân buôn phụ thuộc vào nhiều thứ, nay phấp phỏng trước đại dịch. Không ít tiểu thương, những người chọn công việc nhọc nhằn mang nỗi niềm ấy đều hy vọng ngày mai, cuộc sống bớt lo toan hơn.

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 đối với các khu trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch. Theo hướng dẫn, với người lao động, người làm việc, người bán hàng, trong thời gian làm việc tại khu dịch vụ, cần tự đo nhiệt độ trước khi đến khu dịch vụ. Nếu có sốt hoặc ho, khó thở thì báo cho người sử dụng lao động, ban quản lý khu dịch vụ và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe; nếu cần thì đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị.