Cuộc chu du của nhãn Sông Mã

Chưa nổi tiếng và có bề dày thương hiệu như vải Thanh Hà, nhãn Hưng Yên, nhưng mấy năm gần đây nhãn Sông Mã (Sơn La) đã nổi lên như một hiện tượng đột phá trong hướng phát triển bền vững ở vùng đất biên giới Tây Bắc. Thương hiệu nhãn Sông Mã đã được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến, đồng thời được xuất khẩu sang thị trường “khó tính”, như: Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Niềm vui được mùa.
Niềm vui được mùa.

Bén duyên phù sa

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, trong hành trang của những người Hưng Yên lên khai hoang vùng kinh tế, văn hóa miền núi, có một giống cây đặc biệt - Nhãn lồng. Có thể ý tưởng ban đầu của người dân là muốn ươm trồng sản vật như một sự gợi nhớ về quê cha đất tổ. Ðã là người Hưng Yên thì hầu như mỗi nhà đều trồng ít nhất một vài cây nhãn. Phòng tân hôn của con gái lấy chồng xa thường có mười trái nhãn lồng hoặc long nhãn mà mẹ chuẩn bị cho từ trước với ngụ ý chúc cho đôi bạn trẻ được giàu sang, phú quý và dù đi đâu, ở đâu mãi ghi nhớ về quê cha đất tổ.

Nhưng hẳn, những người di cư trồng giống nhãn lồng Hưng Yên thời ấy khó có thể ngờ giống cây này lại bén duyên nhanh đến thế với con người và vùng đất nơi đây. Chính lớp trầm tích hai bên bờ sông Mã, đất pha cát có độ mùn cao, khí hậu nóng ẩm lại rất phù hợp cho cây nhãn phát triển có vị ngọt đậm đà, thanh khiết. Ban đầu, cây nhãn được trồng chủ yếu ở các bản ven hai bên bờ sông Mã thuộc xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong, nơi có đông người dân Hưng Yên sinh sống. Rồi dần dà cây được nhân rộng trên các sườn đồi, sườn núi và trở thành cây góp phần giúp đồng bào các dân tộc vùng cao huyện Sông Mã từng bước cải thiện cuộc sống. Ðã có lúc, bà con nơi đây gọi nhãn là “cây xóa đói, giảm nghèo”.

Tháng ba âm lịch là mùa hoa nhãn, cũng là mùa ong làm mật. Mỗi năm vào mùa hoa nhãn người dân Sông Mã thu được hàng chục nghìn lít mật ong, mật ong hoa nhãn chất lượng đậm đà, hương thơm không thua kém gì mật ong lấy được ở trong rừng. Những cây nhãn leo đồi, leo núi, len dọc bờ sông Mã ngắt xanh, khi vào mùa hoa nở trắng vàng như những mâm xôi đỗ dâng lên trời đất, tạo một bức tranh độc đáo, sơn thủy hữu tình.

Cây nhãn được trồng ở Sông Mã quả to, vỏ mỏng, hạt nhỏ, mầu nâu vàng, cùi dày, giòn, mầu trắng đục, róc hạt, có vị ngọt đậm, mùi thơm dịu. Du khách đã từng đến Sông Mã và được thưởng thức thì không bao giờ quên. Sản phẩm nhãn ở Sông Mã không chỉ là quả tươi mà còn được chế biến ra rất nhiều sản phẩm khác như long nhãn khô, làm mứt Tết và là một vị quý trong những thang thuốc bồi bổ cho sức khỏe con người. Long nhãn khô còn được ngâm với rượu men lá rừng là một đặc sản của Sông Mã. Sản phẩm long nhãn được người dân nơi đây coi như là một món quà của quê hương để biếu, tặng bạn bè, người thân xa gần.

Cuộc chu du của nhãn Sông Mã ảnh 1

Từ giống cây “xóa đói, giảm nghèo”, giờ đây nhãn Sông Mã đã trở thành giống cây mũi nhọn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngày hội tháng bảy

Tháng bảy vào mùa thu hoạch nhãn. Hàng tháng trời, người dân Sông Mã sống trong không khí ngày hội vào mùa. Mỗi ngày, có đến vài chục chiếc ô-tô đến thu mua nhãn chở về miền xuôi bán và để xuất khẩu. Vào vụ nhãn, huyện Sông Mã phải huy động tổng lực từ đoàn viên thanh niên, dân quân, bộ đội đi giúp các doanh nghiệp thu hoạch, đóng gói. Các hợp tác xã (HTX) thì bận rộn ngày đêm để đóng gói, xuất từng lô hàng, những ông chủ, bà chủ các lò long nhãn phải thức cả đêm để cho ra những mẻ sấy vàng đẹp. Những ngày này, đi đến đâu cũng thấy mùi hương thơm của nhãn chín, mùi mật thơm của long nhãn sấy tỏa ra.

Ðể sản phẩm nhãn ở Sông Mã tỏa sáng, đứng vững trên thị trường trong nước, ngoài nước và góp phần giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo làm giàu bền vững, từ năm 2010 đến nay, huyện Sông Mã đã phối hợp Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học ghép cải tạo nhãn bằng giống nhãn chín muộn Hưng Yên, giống Thiết Miền và một số giống khác có hiệu quả kinh tế cao v.v. Không dừng lại ở đó, để tiếp tục xây dựng thương hiệu và hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm nhãn sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2016, huyện Sông Mã đã xây dựng, thành lập mô hình các HTX sản xuất nhãn an toàn theo quy trình VietGap, khuyến khích các HTX sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng.

Cùng với việc sản xuất nhãn an toàn theo quy trình VietGap, huyện Sông Mã còn đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút các công ty, doanh nghiệp có uy tín như: Công ty TNHH Thanh Tùng - Sơn La, công ty đặc sản Tây Bắc tại Lào Cai, Công ty Cánh Ðồng Vàng tại Lạng Sơn, Công ty TNHH Agricar Việt Nam, Công ty Green Path; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu T&T TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp Trung Quốc. Tổ chức nhiều hoạt động quảng bá như tổ chức “Ngày hội Nhãn Sông Mã” vào ngày đầu tháng 8 hằng năm; đưa nhãn đi trưng bày, quảng bá tại các siêu thị lớn như Big C, VinMart, HaproMart, Hà Nội, v.v. Năm 2018, huyện Sông Mã đã xuất khẩu khoảng 300 tấn nhãn quả tươi sang Trung Quốc theo con đường chính ngạch. Dự kiến năm nay, sẽ xuất khẩu hơn 6.000 tấn sang Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc và Trung Quốc,…

Một dải biên cương trù phú

Thời điểm này, nhãn Sông Mã bắt đầu chín rộ. Dự kiến với diện tích 6.736 ha, vụ thu hoạch nhãn năm nay sản lượng ước đạt 30.000 tấn. Ðây là vụ mùa dự báo là được giá, đó sẽ là tin vui cho 34 nghìn hộ dân trồng nhãn bên đôi bờ sông Mã. Nếu trước kia mùa thu hoạch nhãn thường vào tháng 8 thì nay đã có các dòng nhãn chín sớm thu hoạch đầu tháng 7, nhãn chính vụ đầu tháng 8, nhãn chín muộn thu vào đầu tháng 9. Vào những ngày chuẩn bị rằm, mồng một mỗi ngày có hàng trăm xe chở nhãn về xuôi. Một quy trình sản xuất - tiêu thụ đã dần được tối ưu hóa: Nhãn đủ tuổi được thu hoạch, phân loại, đóng vào các thùng xốp trọng lượng 35kg/thùng, vận chuyển nhãn bằng các xe trọng tải nhỏ loại 1,5 tấn. Nếu buổi tối xuất phát ở Sông Mã thì sáng sớm hôm sau nhãn đã về khắp các chợ đầu mối ở Long Biên và các tỉnh quanh khu vực Hà Nội. Phương thức đưa nhãn đến với người tiêu dùng như vậy khiến giá thành giảm, mà lại giữ cho chất lượng sản phẩm tươi, ngon.

Cùng với tiêu thụ trong nước, hiện sản phẩm nhãn Sông Mã đã được ký kết hợp đồng xuất khẩu theo đường chính ngạch sang các thị trường Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc, Liên hiệp châu Âu (EU), Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, dự kiến khoảng 6.000 tấn, chiếm 20% sản lượng nhãn toàn huyện. Ðây là bước khởi đầu để sản phẩm nhãn Sông Mã ngày một vươn xa hơn.

Cùng với sản phẩm nhãn Sông Mã, còn có một số sản phẩm nữa như xoài, chanh leo cũng đang được quy hoạch trồng theo vùng với diện tích khá lớn để xuất khẩu, như: xoài giống địa phương, xoài Úc, xoài Ðài Loan, chanh leo. Sản phẩm nhãn của Sông Mã giờ đây không chỉ được biết đến trong nước mà đã vươn xa ra thế giới.

Niềm vui xen lẫn trách nhiệm, người dân Sông Mã xác định muốn phát triển bền vững, làm ăn lâu dài buộc phải bằng con đường sản xuất sạch, an toàn, chất lượng cao. Tiến tới các hộ sẽ tham gia các HTX, sản xuất quy trình VietGap, theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Sản phẩm hoa quả mang thương hiệu Sơn La và thương hiệu nhãn Sông Mã sẽ vươn xa hơn nữa, góp phần phát triển kinh tế bền vững trên dải đất biên cương của Tổ quốc.

Ðến nay, toàn huyện Sông Mã có 17 HTX trồng nhãn theo quy trình VietGap. Ðây cũng là huyện có diện tích trồng nhãn lớn nhất trong cả nước với 6.736 ha, đã có 440,5 ha được trồng chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap, Organic, 22,35 ha được cấp mã vùng trồng nhãn xuất khẩu.