Côn Ðảo - “trong tiếng thở của thời gian rất khẽ…”

Tháng ba, lần đầu đặt chân đến Côn Ðảo sau một hải trình dài. Tôi đâu có ngờ, mình sẽ được trải nghiệm không gian linh thiêng ấy trong sự đồng hiện đa chiều của quá khứ - hiện tại - tương lai.

Hoàng hôn trên cầu tàu 914. Ảnh: NGỌC HÀ
Hoàng hôn trên cầu tàu 914. Ảnh: NGỌC HÀ

Côn Ðảo, đón khách phương xa với tất cả sự vồ vập của sóng, và gió phóng khoáng trên những mỏm núi cô liêu, mằn mặn vị biển…

Chạm mặt

Chuyến tàu chiều đưa chúng tôi cập cảng Bến Ðầm khi mặt trời đã lặn xuống lòng nước xanh thẳm. Bến tàu hoạt náo hẳn lên với mấy trăm con người dồn lên bờ, hối hả hướng về trung tâm của đảo.

Hạ kính xe, lướt đi trên con đường nhựa êm ru, đôi khi có cảm giác thót tim, lúc nhận ra mình chênh chao giữa gờ núi và mép biển ì oạp. Nhưng chẳng bao lâu, điểm xuyết giữa cảnh trời núi ấy đã xuất hiện những công trường hối hả, phác nên hình nên hài những khách sạn, những khu resort… Côn Ðảo rồi sẽ được định danh là một “thiên đường nghỉ dưỡng”.

Trương Hải Yến, người bạn đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến công tác ở đảo, vốn quê gốc ở Quảng Bình. Mười mấy năm trước, Yến ra đảo làm hướng dẫn viên. Sau Yến lấy chồng người bắc, làm ở Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Ðảo. Vợ chồng khác quê, bén duyên nhau và sinh ra những đứa con ở đảo, mẫu gia đình ấy xuất hiện ngày một nhiều hơn tại nơi này. Sau vài năm chuyển sang làm ở Ðiện lực Côn Ðảo, giờ Yến cũng có một giấc mơ. Ấy là “đầu tư một khách sạn độ chục phòng thôi, vậy là có thể thu lãi đều đều rồi”.

Nói vậy xong thì Yến cười, nụ cười tươi rói trên gương mặt bánh mật: “Cũng chẳng biết bao giờ thực hiện được chị ơi! Bữa nay đất cát tăng giá chóng mặt quá chừng, ra gần núi mà còn tròm trèm 20 triệu đồng/m2, sức đâu đầu tư nổi. Giờ đến đồng lương ở xứ đảo cũng chẳng bõ bèn gì so với mặt bằng giá mới”.

Không khó để cảm nhận lời Yến. Hòn đảo vốn quanh năm tứ bề sóng vỗ, bình yên theo một nhịp điệu riêng đang có quá nhiều đổi thay. Mỗi ngày cuối tuần, trung bình có đến hơn 2.000 lượt khách đến với Côn Ðảo. Ðiều đó không chỉ thách thức năng lực đáp ứng của hạ tầng, mà còn thách thức cả sự chất phác nguyên sơ của người bản địa.

Trong bữa cơm chiều, Yến giới thiệu với chúng tôi món ốc đặc sản của Côn Ðảo, kèm theo câu cảm thán: “Trước đây, con ốc này to lắm, giờ chỉ bằng được đầu ngón tay!”. Nhưng cứ đà này, khéo rồi đầu ngón tay cũng không còn!?

Ðảo đang hút không chỉ khách du lịch, mà còn hút cả những người từ đất liền nuôi mộng đầu tư, rồi lực lượng lao động trẻ từ khắp nơi đổ về. Dân số của đảo chỉ trong vòng có vài năm mà tăng đến hàng nghìn người, đạt con số 8.000 dân. Cuộc sống cứ sinh sôi mỗi ngày. Người dân gốc thì vui vầy với những công việc truyền thống như đánh bắt thủy sản, làm mắm… Còn dân tứ xứ đã ra đây rồi, ít người muốn trở lại.

Như Yến ấy, nhớ Quảng Bình lắm, nhưng vẫn chọn quê hương thứ hai này để sinh sống. Chỉ bởi, đã quen với sự khoáng đạt của đảo tự bao giờ.

Ðó là chuyện của những cư dân Côn Ðảo hôm nay. Nhưng ở nơi chốn này còn có “những cư dân” hết sức đặc biệt.

Côn Ðảo - “trong tiếng thở của thời gian rất khẽ…” ảnh 1

Song hành

Mỗi tấc đất Côn Ðảo dường như đều song hành hai cõi…

Côn Ðảo có một lịch sử tồn tại đặc biệt, được gắn với cái tên - một địa ngục trần gian trong suốt 113 năm tồn tại (1862-1975). Những khu trại giam được xây kiên cố với tường bao ngoài quá tầm mắt, nên thật khó lòng mường tượng được hết sự hà khắc, tàn bạo mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã đối xử với tù nhân.

Nhìn từ ô cửa sắt nhỏ trên cánh cửa gỗ kiên cố của Trại giam Phú Hải vào hút phía trong, sẽ thấy ngay một nhà nguyện ở chính giữa, hai bên có đủ cả bệnh xá, khu bếp và nhà ăn,… Nhưng tất cả những gì thực dân Pháp dựng lên một cách nhân văn ấy, chỉ là lớp vỏ hình thức che mắt nhân gian. Không người tù nào có cơ hội được chạm vào. Họ bị giam cầm, xiềng xích chen chúc trong những phòng tối ẩm thấp, phải lao động khổ sai như lời thơ “đập đá ở Côn Lôn”.

Ấy thế nhưng, không một chế độ hà khắc nào đủ sức dập tắt được ý chí cách mạng kiên cường. Không dây thép gai, không cùm kẹp nào ngăn được những buổi sinh hoạt chi bộ, những cuộc vượt ngục… Ước tính, hơn 20 nghìn sinh mạng đã bị tước đi. Những con người kiên trung nằm lại ở đảo, người còn có tên, người đã trở nên vô danh - họ tạo nên thế giới đồng hiện với cõi dương gian này.

Ở Côn Ðảo, sẽ không lạ nếu mọi người nghe thấy đại từ nhân xưng “Cô” được nhắc đến nhiều lần trong đời sống với tất cả sự kính trọng và trìu mến. Ðó là người dân đang nhắc đến Liệt sĩ Anh hùng Võ Thị Sáu.

Nơi đây có một thế giới thiêng liêng về đêm. Nghĩa trang Hàng Dương, bước chân của biết bao đoàn người đi trong yên lặng giữa những hàng nến lung linh trước từng ngôi mộ, gió đưa lời rưng rưng của người nữ phát thanh kể câu chuyện lịch sử riêng có của Côn Ðảo, của Nghĩa trang Hàng Dương… Giờ phút ấy, như thể con người đang được sống ở miền giao thoa quá khứ và hiện tại. Dường như có một thế giới của người âm bao bọc và hiền hòa với người dương.

Hành trình đến với Côn Ðảo, thật tự nhiên đã trở thành hành trình của sự ngưỡng vọng về lòng yêu nước, ý chí đấu tranh quật cường của những con người đã ngã xuống cho một cuộc sống tự chủ, bình yên hôm nay. Hành trình tâm linh ấy ngày một thu hút nhiều hơn lượng khách từ khắp nơi trên dải đất hình chữ S tìm về. Sự nhắc nhớ của quá khứ giúp hiểu và trân trọng hơn ngày hôm nay.

Ngày mai

Ðêm đầu tiên ở Côn Ðảo, sau khi chúng tôi trở về từ Nghĩa trang Hàng Dương, trời nổi cơn mưa lớn. Ông Ðoàn Văn Tranh, Giám đốc Ðiện lực Côn Ðảo, vẫn được dân ở đây gọi vui là “ông chúa nhà đèn”, nói bằng cái giọng khà khà của sóng: “Mùa nắng khô thế này có được cơn mưa to vầy là hiếm lắm!”.

Người Côn Ðảo ngóng những cơn mưa trái mùa đó, như một món quà hào phóng tưới tắm từ thiên nhiên… Còn những người làm điện thì nửa mừng nửa lo. Mừng vì áp lực cung ứng điện giảm xuống được chút ít, nhưng lo vì e ngại sự cố điện. Hệ thống điện nơi này vốn đã thiếu thốn, lại đang phải căng mình đáp ứng mức tăng phụ tải chóng mặt, chỉ ba tháng đầu năm thôi đã tăng 25% so cùng kỳ năm trước. Bởi đặc thù nguồn điện ở Côn Ðảo chủ yếu chạy bằng dầu, nên càng chạy áp lực bù lỗ càng lớn. Trong năm 2018, Nhà máy Ðiện diesel Côn Ðảo đã phát 20,95 triệu kWh (tăng 18,5% so với năm 2017), đưa con số lỗ lên tới gần 80 tỷ đồng. Chỉ hai tháng đầu năm 2019 đã phát ra 3,3 triệu kWh (tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước), nên có thể nhẩm tính được con số lỗ của năm nay lại sẽ tăng kỷ lục.

Muốn bảo đảm được nhiệm vụ “điện phải đi trước một bước”, và nhìn thấy trước được sự tăng trưởng đột biến không theo chu kỳ, ngành điện phải cùng lúc tiến hành nhiều giải pháp như tăng đầu tư nguồn, giảm cơ cấu chạy bằng dầu DO, xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời, vận động tiết kiệm điện... Hộ gia đình đầu tiên ở đảo sử dụng năng lượng mặt trời áp mái chính là gia đình ông Ðoàn Văn Tranh. Muốn thuyết phục được người dân, không gì bằng người thật việc thật, tôi hiểu cái lý của “ông chúa nhà đèn”.

Nhìn về dài hạn, ông Lâm Xuân Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðiện lực miền Nam cho biết thêm: Trong năm 2019, Công ty Ðiện lực Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai lắp đặt thêm hệ thống máy diesel công suất 1.500 kW và sửa chữa các máy phát đến hạn, cùng với đó là đầu tư nâng cấp các tuyến đường dây. Hiện nay, UBND huyện đã giao đất cho công ty để đầu tư nguồn điện năng lượng mặt trời với công suất 3 MW và trong năm nay triển khai giai đoạn 1 của dự án với công suất là 1,5 MW.

Côn Ðảo tự thân đã dung chứa những tiềm năng đa dạng để phát triển các loại hình du lịch, đúng như định hướng “lấy du lịch làm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội” mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề ra. Nhưng cũng chính việc tăng trưởng quá nóng đã khiến cho Côn Ðảo đứng trước bài toán không dễ giải: Lựa chọn bảo tồn hay mở cửa đầu tư? Từ chuyện điện, chuyện xử lý rác thải đến cả bài toán đang gây tranh cãi về việc “bán vé điểm tham quan thế nào để tạo được nguồn thu cho đầu tư trở lại cho Côn Ðảo” đều đòi hỏi những cân nhắc kỹ càng… Làm sao để du khách đến đây không chỉ trong 24 giờ mà sẽ lưu trú lâu hơn, và còn trở lại?

Chiều muộn bên chân cầu 914. Lũ trẻ vui vầy bên sóng, những du khách cuối cùng tham quan trại giam cũng đã ra với biển. Hẳn là, sau khi đã trải nghiệm về “địa ngục trần gian” ai cũng muốn được hít cho tràn trề lồng ngực mùi của tự do.

Mai sẽ rời đảo, tôi chỉ mong một ngày được trở lại, vẫn sẽ gặp một Côn Ðảo trong tâm tưởng. Một Côn Ðảo mà đến những hàng cây bàng cổ thụ cũng mang trong mình thân phận chứng nhân lịch sử. Ðến tiếng sóng cũng dung chứa biết bao bi thương lẫn kiêu hùng.

Như chính chiếc cầu tàu đã trở thành di tích, nơi ước chừng có đến 914 người đã chết để xây nên được một mạch đá, thành cánh tay vươn dài ra biển, hướng về đất liền…