Bên hầm pháo trên đỉnh Pú Hồng Mèo

Ba năm qua, tôi đã đặt chân lên tất cả các ngọn núi quanh lòng chảo lịch sử. Những địa danh như bản Mển, bản Tấu, bản Nghịu, Hồng Lếch, Pú Pha Song, Pú Hồng Mèo, Pú Tà Lèng… vẫn còn đây. Một vài nơi, chúng ta vẫn gặp những vách ta-luy của bộ đội mở đường cho pháo vào vị trí, vẫn gặp những đường hào của 67 năm về trước. Dưới trời Điện Biên mây trắng, chiến công của pháo binh Đại đoàn Công - Pháo 351 hiện lên như chỉ mới hôm qua.

Trận địa ở độ cao 1.000 m so mực nước biển, nơi pháo binh ta giáng sấm sét xuống đầu thù.
Trận địa ở độ cao 1.000 m so mực nước biển, nơi pháo binh ta giáng sấm sét xuống đầu thù.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là một trong những chiến công vĩ đại nhất, tiếp nối và phát huy cao độ truyền thống anh hùng đánh giặc giữ nước của biết bao thế hệ cha anh. Một trận đánh mà Quân đội Nhân dân Việt Nam và nhân dân Việt Nam - dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - đã hạ gục cả khối sức mạnh sắt thép cũng như sự nhà nghề của quân đội thực dân Pháp trên một chiến trường quy ước.
 
 Tôi được sinh ra sau chiến tranh, không phải là một nhà nghiên cứu, chỉ là một người trẻ đam mê “đào bới” những chi tiết về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Xuất phát điểm của tôi chỉ là yêu thích lịch sử, một niềm yêu thích rất chung chung. Nhưng rồi, khi càng tìm hiểu về Điện Biên Phủ, lòng tự hào và niềm đam mê càng lớn dần lên. Tôi coi Điện Biên Phủ “của mình” như một bức tranh. Mỗi lần đọc sách, tìm gặp nhân chứng, đi thực địa, liên kết dữ liệu... đều như một nét vẽ, từ đó bức tranh về lịch sử trận Điện Biên Phủ dần dần hiện ra, từ những điều nhỏ nhất. Chưa hoàn thiện đâu, nhưng cũng đủ để tạm hài lòng với thành quả của mình.
 
 Địa điểm khó khăn nhất trong nhóm mục tiêu mà chúng tôi đặt ra để tìm kiếm trong những năm gần đây là vị trí Đại đội lựu pháo 805 của Tiểu đoàn 954, Trung đoàn 45, Đại đoàn 351. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện nguyên tắc “Hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, Quân đội Nhân dân Việt Nam bố trí sáu đại đội lựu pháo 105 mm (mỗi đại đội bốn khẩu) tại sáu vị trí chung quanh lòng chảo. Khoảng cách tới mục tiêu từ 4 đến 7 km.

Bên hầm pháo trên đỉnh Pú Hồng Mèo -0
Tác giả cùng nhà nghiên cứu lịch sử người Australia Tony Atkinson, trong chuyến thực địa ở Điện Biên Phủ năm 2018. 

 Đại đội 805 có mục tiêu là cụm cứ điểm Hồng Cúm và dàn lựu pháo (tám khẩu) của Pháp tại đây. Do vậy, những khẩu pháo của Đại đội này được bố trí tại một vị trí rất đặc biệt. Khác với các đơn vị khác, những khẩu pháo của Đại đội 805 được kéo lên đặt trên đỉnh dãy núi Pú Hồng Mèo. Trong thời gian diễn ra chiến dịch, đại đội đã một lần thay đổi vị trí. Vị trí thứ hai cách vị trí thứ nhất 500 m về phía nam, vẫn trên đỉnh núi.
 
 Với một sơ đồ các trận địa pháo sơ thảo kết hợp bản đồ Google Maps trong tay, năm 2017, chúng tôi đã từng hăm hở trèo lên dãy núi Pú Hồng Mèo cao sừng sững, dài mấy ki-lô-mét phía đông lòng chảo Điện Biên Phủ. Dù đã chuẩn bị khá kỹ thông tin, cũng như biết trước những khó khăn khi “đi” từ tài liệu ra địa hình thực tế, tôi vẫn không khỏi choáng ngợp vì sức người nhỏ bé trước sự rộng lớn của thực địa.
 
 Một vệt mờ trên bản đồ ư? Thật ra đó là một vách núi cao hơn chục mét. Một vùng sáng có vẻ dễ đi trên ảnh vệ tinh ư? Đó là một con dốc đầy cây bụi cao quá đầu người, khô khốc và cành cây chỉ chực cào rách những ai định chui vào. Khi trời nắng, không tìm đâu ra một khoanh đất ẩm, cổ họng khát khô. Và khi trời mưa thì cả bầu trời tối sầm, cảm tưởng như ông trời đang đổ ụp cả chum nước khổng lồ xuống Pú Hồng Mèo. Gió mang theo mưa giật từng cơn, quật ngang người. Chỉ có cách nằm bệt xuống một chỗ khuất gió chờ mưa tạnh. Vậy mà bộ đội ngày xưa “ngồi” trên này mấy tháng trời, hứng chịu nắng, mưa và biết bao bom đạn để nã pháo xuống đầu thù. Chi tiết nhỏ thôi, nhưng cũng để thấy “các cụ” ngày xưa đúng là “chân trần, chí thép”.
 
 Chuyến đi năm đó và cả hai năm 2018, 2019 tiếp theo đều thất bại. Tôi tìm thấy đường ô-tô đưa pháo lên núi, tìm thấy rất nhiều đường hào, nhưng không tìm thấy dấu vết trận địa lựu pháo. Do uống nước khe đá núi Pú Hồng, tôi còn gặp một trận ốm thập tử nhất sinh, nằm viện một tháng ròng.
 
 Nhận thấy tư liệu còn chỗ trống sẽ dẫn tới hao tổn công sức thực địa, tôi không ngừng lần tìm. Biết tôi yêu Điện Biên, nhiều người bạn trong và ngoài nước giúp tôi tìm được những tư liệu quý báu. Đó là những bản đồ năm 1954 từ Thư viện Bộ Quốc phòng Pháp vẽ ước đoán đường cơ giới bộ đội ta mở trong chiến dịch, những ảnh chụp từ máy bay về hệ thống chiến hào của ta. Đặc biệt, qua gặp gỡ Đại tá Nguyễn Xuân Mai, cựu chiến sĩ Điện Biên trong năm 2021, tôi có được bản phô-tô sơ đồ vẽ tương đối rõ nét vị trí của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây chính là một bản sao từ tấm bản đồ của bộ đội pháo binh dùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mà một phiên bản khổ lớn đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp treo trong Sở Chỉ huy Chiến dịch tại Mường Phăng.
 
 Dù sơ đồ rất mờ, nhưng tự tin về những thông tin mình đã tổng hợp, tôi chắc mẩm lần tới đây leo Pú Hồng Mèo mình sẽ thành công.
 
 Và rồi, vào một ngày tháng 4, đang vùi đầu vào việc cơ quan thì anh em trên Điện Biên gọi xuống: “Người trên này nói thấy “đồi pháo” với nhiều hố trên Pú Hồng Mèo, anh tham gia cùng chứ?”. Nghĩ gì nữa! Xách ba-lô lên, ngược Điện Biên.
 
 Do vẫn thường xuyên theo dõi, cập nhật ảnh vệ tinh khu vực, tôi biết đã có thể đi xe máy lên núi. Vậy là chuyến đi lần này dễ dàng hơn. Theo đường mới mở của một đơn vị xây dựng nhà máy điện mặt trời, chỉ một giờ đồng hồ sau, tôi đã có mặt trên đỉnh Pú Hồng Mèo. Sau khoảng 200 m đi bộ luồn rừng, những dãy hố nối tiếp nhau đã hiện ra trước mắt.
 
 Vẫn dãy núi đó, vẫn khu vực đó, nhưng sai số chỉ 50 m của những lần trước đồng nghĩa với thất bại. Lần này thì khó có thể trật được rồi. Tôi run lên, mặt nóng bừng. Ngoài các đường hào thì còn thấy rõ chín hố sâu khoảng hơn 2 m. Trong đó, có những hố hình thang, chiều dài hố khoảng 9 m, đáy nhỏ của hình thang rộng 3 m và đáy lớn rộng khoảng 6 m. Phía đáy lớn có hai ngách hào rộng khoảng 1 m để đi từ dưới hố lên. Dấu tích còn cho thấy, đáy hào ngách này có thể đã từng được lát đá thành bậc, do tìm thấy rất nhiều đá, kích cỡ đều nhau, trong tất cả các hào dạng này. Phía gần đỉnh vách hố, vẫn thấy rõ khe nằm ngang kéo dài. Đây có thể là nơi đặt các cây gỗ lớn làm dầm hầm pháo. Điều này phù hợp với phim, ảnh, tranh vẽ, tư liệu về hầm pháo Điện Biên Phủ.
 
 Chung quanh hố vẫn còn những vành đất rộng và cao, khẳng định dấu hiệu đào đắp trên một mặt phẳng nghiêng khoảng 25 - 40 độ. Tất cả còn nguyên bản. Ngoài ra, quanh khu vực có những hố hình thang, mật độ loại cây Mạy tảng cao bất thường. Đây là loại cây thân gỗ, cao thẳng, những cây lâu năm đường kính lớn sẽ rất phù hợp để làm vách và dầm. Qua những dấu tích trên, qua tổng thể khu vực và qua so sánh vị trí với các tài liệu bản đồ và sơ đồ, gần như có thể khẳng định, đây chính là hầm pháo của Đại đội 805 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ thể, đây là vị trí của Đại đội 805 trong giai đoạn 2 của chiến dịch, khi pháo được bố trí gần Hồng Cúm hơn để tăng hiệu quả tác xạ.
 
 Quy mô của 805 không như trận địa Đại đội 806 dưới Nà Nhạn, nơi hầm nghỉ của pháo được đào moi sâu vào vách núi. Ở đây tất cả đều được đào xuống nền đất cứng. Tuy nhiên, trận địa vẫn bảo đảm những quy cách chính theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Và xin nhấn mạnh, vị trí này cao hơn 1.000 m so mực nước biển.
 
 Bắt tay thật chặt để cảm ơn và tiễn anh chị em địa phương cùng người dẫn đường xuống núi, tôi ngồi lại dưới nắng mới Tây Bắc, lòng tràn ngập niềm vui. Những hố pháo, theo như cách giờ tôi đã có thể gọi, nhìn thẳng được xuống cánh đồng Mường Thanh. Tôi chạy qua chạy lại không biết chán quanh các hố pháo. Ngắm cái này, nghía cái kia, hình dung các pháo thủ đang cơ động trước mặt tôi, hân hoan ngắm hiệu quả từng phát bắn. Quả là một vị trí đắc địa với pháo binh ta. Một công trình kỳ vĩ của máu, mồ hôi và sức mạnh ý chí con người. Bất chợt nhìn sang phía bên kia đỉnh núi, những con đường của đơn vị làm điện mặt trời đã xé nát đường cơ giới kéo pháo lên Pú Hồng Mèo này năm xưa. Chẳng biết lần sau tôi lên đây, những con đường ấy có chạm tới chút dấu ấn lịch sử về lựu pháo 105 mm bên này?
 
 Đường xuống núi, lòng cứ lâng lâng. Chuyến đi đã thành công. Tôi đã có thêm một nét vẽ thật ưng ý cho bức tranh Điện Biên Phủ của riêng mình. Bức tranh của một “họa sĩ” không chuyên. Phóng mắt nhìn xuống thung lũng, tôi thấy một chiếc máy bay cất cánh bay lên từ sân bay Mường Thanh, lượn vòng giữa những tầng mây trắng...
 
 

 Với người viết, lịch sử luôn thú vị, vì lịch sử cũng chính là dòng chảy cuộc sống đã diễn ra, muôn màu, muôn vẻ. Khuất lấp dưới dòng chảy ấy, luôn còn những chi tiết chìm trong trầm tích thời gian, chờ đợi được khám phá. Chỉ cần đam mê, ai cũng có thể “lặn ngụp”, để tìm kiếm thêm những mảnh thông tin tưởng chừng đã bị lãng quên. Giữa mênh mang bùn nước, đôi khi, ta vẫn có thể tìm thấy những mảnh “vàng”.