Bản Lầu, điểm sáng miền biên ải

Có đến xã Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), mới cảm nhận được cuộc sống trù phú và bình yên nơi đây. Là địa phương đi đầu của huyện và của cả tỉnh Lào Cai trong việc đưa cây chuối, dứa trở thành cây trồng chủ lực, Bản Lầu đã tự mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo, góp công lớn trong việc thay đổi diện mạo vùng biên.

Vợ chồng ông Thào Dìn chăm sóc nương dứa nhà mình.
Vợ chồng ông Thào Dìn chăm sóc nương dứa nhà mình.

Vươn lên làm giàu

Đường vào xã, xanh ngút ngàn những nương dứa trải dài trên sườn núi. Bản Lầu dần hiện lên, lấp loáng những ngôi nhà ngói đỏ, tôn xanh của đồng bào người H’Mông. Gặp ông Thào Dìn, một triệu phú nổi tiếng vùng biên này, nghe chuyện khởi nghiệp của ông cứ như cổ tích. Năm 1982, Thào Dìn từ vùng núi cao Dìn Chin xuống thôn biên giới Cốc Phương lập nghiệp. Ðể bỏ thói quen từ bao đời nay là đốt rừng làm nương lấy lương thực, ông quyết tâm đi làm thuê với mong muốn học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm trồng dứa trên đất dốc. Khi dành dụm được một số tiền, khoảng hơn mười năm nay ông tiên phong đưa cây dứa lên đồi núi Cốc Phương trồng. Kết quả sau những nỗ lực, cùng sự hỗ trợ của bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mường Khương, đồi dứa lên xanh tốt, phù hợp với vùng đất Bản Lầu. Tới mùa thu hoạch ông như trút bỏ được bao lo âu bấy lâu khi dứa cho quả to, chín đều, thơm ngon.

Thào Dìn mừng rỡ cho biết, thu nhập từ cây dứa cao hơn hẳn trồng ngô, lúa nương. Vợ chồng Thào Dìn nay đã chuyển toàn bộ số diện tích nương rẫy sang trồng dứa, bên cạnh đưa giống chuối cấy mô đưa lên đồi để tạo sản phẩm xuất khẩu. Nhiều năm trở lại đây, thu nhập của gia đình ông luôn năm sau cao hơn năm trước. Với khoảng hơn 300 nghìn gốc dứa và bảy nghìn gốc chuối, hằng năm gia đình Thào Dìn có thu nhập hơn 500 triệu đồng.

Đưa chúng tôi đi thăm đồi chuối, dứa xanh ngát, sai trĩu quả của ông Thào Minh, một cán bộ Đồn Biên phòng Bản Lầu cho biết, cũng nổi tiếng như ông Thào Dìn, ở Cốc Phương, không ai không biết tiếng cha con ông Thào Minh. Ngoài cây dứa, gia đình ông Thào Minh còn trồng chuối mô, mở thêm hướng làm giàu từ loại cây này. Từ thu nhập chuối dứa đã cho gia đình ông cuộc sống sung túc. Trong nhà ông Thào Minh có đủ ti-vi, tủ lạnh cao cấp, cả xe ô-tô tải, loại 4,5 tấn phục vụ sản xuất, chở sản phẩm thu hoạch đi bán. Theo gương người cha, anh Thào Thắng hiện làm chủ quy trình canh tác chuối, dứa trên đất dốc bạc màu, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật và tiến bộ sinh học trong sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhờ thế từng được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của. Với diện tích khoảng hơn 15 héc-ta chuối, gia đình ông Thào Minh thu về gần 1 tỷ đồng/năm.

Nhiều năm nay người dân nơi đây còn chọn cách trồng chuối, dứa rải vụ để đồng thời vừa có nguồn thu quanh năm, tránh bị ép giá và tránh được mùa mất giá. “Mấy năm gần đây cũng nhờ cây chuối, cây dứa này mà bà con mình vươn lên thoát nghèo đấy, những ngôi nhà mới này đều từ tiền bán chuối, bán dứa của bà con”, anh Thào Thắng hồ hởi nói.

Khởi sắc diện mạo vùng biên

Ngược thời gian hơn mười năm trước, Cốc Phương là vùng đất bỏ hoang, lau lách ngút đầu người. Hồi ấy nơi đây không có đường giao thông, chứ đừng nói đến điện, trường học, trạm y tế khang trang như hôm nay. Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ các xã vùng đặc biệt khó khăn, giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số, định canh, định cư, cấp ủy và chính quyền huyện Mường Khương đã đưa gần 270 hộ dân người dân tộc H’Mông của bảy xã vùng cao “hạ sơn”, chuyển về sinh sống, phát triển vùng kinh tế tại bảy thôn biên giới của xã Bản Lầu. Giúp bà con lập nghiệp trên vùng đất mới, tỉnh Lào Cai và huyện cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Từ các Chương trình 30a, 135, Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy…, địa phương giao đất, giao rừng cho bà con canh tác và chăm sóc bảo vệ rừng, “lấy ngắn nuôi dài”, tạo sinh kế bền vững.

Theo chia sẻ của các cán bộ Đồn Biên phòng Bản Lầu, trước đây tập tục canh tác của bà con rất lạc hậu, việc tiếp cận khoa học kỹ thuật còn nhiều khó khăn, đời sống người dân còn nhiều vất vả. Nắm bắt được thực trạng đó, Đồn Biên phòng Bản Lầu phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện và Phòng NN&PTNT huyện Mường Khương, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con cải tạo, chuyển đổi vùng đất hoang sơ thành đất sản xuất chuyên canh trồng chuối, trồng dứa cao sản. Cũng nhờ có bộ đội Đồn Biên phòng Bản Lầu hướng dẫn kỹ thuật trồng dứa, trồng chuối, cấy lúa nước hai vụ mà đồng bào nơi đây không phải lo cái đói, cái nghèo. Ông Dương Hồng Trung - Chủ tịch UBND xã Bản Lầu vui mừng cho biết: “Nay thôn Cốc Phương đã phát triển nhanh về kinh tế, trở thành một trong những thôn có thu nhập cao ở huyện Mường Khương. Thu nhập bình quân đầu người đạt mức 40 triệu đồng/năm. Nhiều hộ dân đã vươn lên trở thành những triệu phú, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nhiều gia đình đã xây được nhà mới khang trang và mua sắm được nhiều tiện nghi hiện đại phục vụ cuộc sống. Nhờ kinh tế phát triển nên thôn không còn tình trạng bà con bỏ ruộng nương, người dân xuất cảnh lao động trái phép nữa”.

Đường đến Bản Lầu hôm nay cũng không còn khó khăn như trước. Thông qua các Chương trình 134 hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình 135 hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn của Đảng và Nhà nước, con đường nhựa rộng rãi, từ trung tâm xã Bản Lầu đã chạy xuyên suốt bảy thôn biên giới từ Đồi Gianh, Pạc Bo, qua các thôn Na Lốc, Cốc Phương…, nối với xã Nậm Chảy. Lãnh đạo xã Bản Lầu cho biết thêm: Năm năm qua, các cấp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nước hợp vệ sinh... giúp đồng bào dân tộc H’Mông ở vùng biên giới, có điều kiện sản xuất ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần một cách vững chắc. Điện lưới quốc gia đã đến từng nhà - đó là chìa khóa mở cánh cửa thông thương, tiếp cận với thị trường, với cuộc sống mới bên ngoài, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu.

Trung tá Dương Trọng Nghĩa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Lầu (Bộ đội Biên phòng Lào Cai) cho biết: Thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu là nơi ghi dấu điểm kết nghĩa đầu tiên trên tuyến biên giới Việt - Trung và cũng là một điểm sáng trong thực hiện Kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới. Từ khi thực hiện kết nghĩa (tháng 8-2013) giữa thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá (thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bà con nhân dân hai bên biên giới luôn gắn kết hữu hảo. Đặc biệt, nhân dân hai bên thường xuyên động viên nhau tự giác chấp hành các quy định về biên giới, cùng thỏa thuận, giải quyết mọi vấn đề trên tinh thần xây dựng, hữu nghị và hợp tác. “Sau kết nghĩa, việc qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa với phía bạn có nhiều thuận lợi. Điều đó cũng góp phần vào việc quản lý, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới” - Trung tá Dương Trọng Nghĩa khẳng định.

Giờ đây chỉ tính thôn Cốc Phương, số hộ khá, giàu đã chiếm hơn 70%. Kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, bà con nhân dân yên tâm bám đất, bám bản, xây dựng Bản Lầu ngày càng giàu đẹp.

Bản Lầu, điểm sáng miền biên ải ảnh 1

Cây dứa đang tạo sự ấm no cho người dân Bản Lầu.

Bản Lầu được coi là “vựa” chuối, dứa của tỉnh Lào Cai. Toàn xã có 700 héc-ta dứa, gần 800 héc-ta chuối. Hằng năm, việc xuất bán chuối, dứa giúp cho đồng bào các dân tộc nơi đây thu về gần 200 tỷ đồng.