Ám ảnh “tín dụng đen online”

Vay tiền qua các ứng dụng trực tuyến (app online) bản chất là hình thức cho vay tín chấp giữa các cá nhân, không chịu sự điều chỉnh của luật pháp, các tổ chức tín dụng và Bộ luật Dân sự. Chính việc không phải chịu bất cứ sự điều chỉnh nào khiến hình thức cho vay này ngày càng biến tướng, trở thành một dạng của tín dụng đen, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường đối với người vay, thậm chí kinh khủng hơn tín dụng đen…

Chị Phạm Thị Tuyết Mai đã phải trả một cái giá quá đắt cho bài học về sự cả tin,
Chị Phạm Thị Tuyết Mai đã phải trả một cái giá quá đắt cho bài học về sự cả tin,

Những cái bẫy chực chờ!

Ngày 17-9, Cơ quan CSĐT Công an quận 2 (TP Hồ Chí Minh) đã bàn giao chín nghi phạm (sáu người Trung Quốc, ba người Việt Nam) hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi qua app online cùng hồ sơ, tang vật vụ việc này cho Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra, làm rõ.

Theo Công an quận 2, Nguyễn Vương Bảo là nhân viên thu hồi nợ của Star City, chuyên tạo các app như BDong, VDong, UDong… cho vay tiền tín chấp trên mạng, phát sinh mâu thuẫn gay gắt với một số người nước ngoài tại một căn nhà thuộc khu phố 2, phường An Phú, quận 2. Do những người nước ngoài nghi Bảo chiếm đoạt tiền của công ty, đe dọa tính mạng nên Bảo đã nhắn cho một người bạn nhờ báo tin với cơ quan công an.

Sau khi nhận tin báo, Công an quận 2 cử lực lượng nhanh chóng đến hiện trường và phát hiện chín nghi phạm có dấu hiệu hoạt động “cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”, nên phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hồ Chí Minh làm rõ.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận tại địa chỉ trên có hai công ty (Công ty TNHH Kyushu và Star City) đang hoạt động cho vay tín chấp do ông Nguyễn Khắc Hạnh làm giám đốc và một người tên là Yan Xin (quốc tịch Trung Quốc) làm phó giám đốc. Hai công ty này đăng ký kinh doanh tại Gò Vấp trong tháng 4 và tháng 5-2019; đồng thời tiến hành hoạt động kinh doanh từ ngày 9-5 tại một căn hộ ở phường Bình Khánh, quận 2. Đến ngày 30-7, Yan Xin thuê một căn nhà ở khu phố 2, phường An Phú, quận 2 để đổi địa điểm và tiếp tục hoạt động cho vay. Hiện hai công ty này có khoảng 30 nhân viên là người Trung Quốc và Việt Nam.

Sau khi tạo các app, hai công ty này thông qua mạng xã hội Facebook để quảng cáo cho người vay tiền biết hình thức vay tiền nhanh gọn trên điện thoại di động. Quy định của công ty, chỉ cho khách vay tiền khi người đó cung cấp đầy đủ các thông tin đã nêu trong app ứng dụng như: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, chứng minh thư, số tài khoản ngân hàng, số điện thoại của người thân…

Khi khách vay cung cấp đầy đủ thông tin và số tiền cần vay, nhân viên của công ty sẽ tiến hành thẩm định; nếu đủ điều kiện thì công ty sẽ xác nhận và chuyển số tiền vay vào tài khoản của người vay. Khách vay tiền của công ty phải chịu phí dịch vụ là 24% trên tổng số tiền vay, thời hạn vay là sáu ngày với lãi suất 4%. Hết thời hạn vay, khách vay phải trả đủ số tiền vay và tiền lãi, nếu không sẽ bị phạt thêm 4%/ngày.

Số tiền công ty cho khách vay từ 1,2 triệu đồng trở lên, việc vay và trả thông qua hình thức chuyển khoản giữa tài khoản của công ty với tài khoản của người vay. Nếu chậm hoặc không trả tiền vay, tiền lãi, tiền phạt, phía công ty sẽ cho “lực lượng đòi nợ” làm đủ trò như đe dọa, khủng bố, nói xấu trên mạng xã hội...

Hoạt động của công ty này cho thấy rõ phương thức thủ đoạn của các công ty hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi thông qua app, gây ra những hệ lụy xấu cho không ít người lỡ vay tiền của họ.

Hiện nay, dịch vụ vay tiền qua app online chủ yếu được triển khai qua các app di động hoặc website trực tuyến với rất nhiều hình thức quảng cáo hấp dẫn như: Chỉ cần điện thoại là có tiền, cho vay lãi suất thấp, giải ngân nhanh chóng... Tuy nhiên, đó chỉ là những “miếng mồi” nhằm dụ dỗ người vay tiền rơi vào cái bẫy đã đặt sẵn!

Câu chuyện chị Phạm Thị Tuyết Mai (24 tuổi, quê Tiền Giang) bị dẫn dụ vay tiền qua app giống như hình thức trên rồi phải tự tử vì không chịu nổi khoản tiền nợ gấp hàng trăm lần và những hình thức đòi nợ “khủng bố” của phía cho vay, cho thấy hậu quả kinh hoàng của loại hình cho vay tiền “quá nhanh, quá nguy hiểm” này.

Theo chị Mai, vào tháng 7-2019, chị lướt Facebook và đọc được các dòng quảng cáo về dịch vụ vay tiền online. Lời mời gọi hấp dẫn từ các app này với lãi suất 0% và thông tin cá nhân được bảo mật khiến chị quyết định vay tám triệu đồng từ bốn app khác nhau mang tên “Vayvay”, “Samsetvay”, “I Dong” và “VDong”. Nhưng điều chị không để ý và cũng không ngờ tới chính là các điều khoản về “phí dịch vụ”, “phí quản lý”... (đây thực chất là lãi suất “cắt cổ” của các app).

Hậu quả là sau bốn tháng, từ số tiền vay tám triệu đồng ban đầu, chị phải trả nợ lên đến gần 200 triệu đồng (do liên tục vay các app sau để trả nợ app trước) nhưng vẫn còn nợ đến 100 triệu đồng. Khi chậm trả nợ là chị bị gọi điện đe dọa (có ngày chị nhận được cả trăm cuộc điện thoại), bị sử dụng hình ảnh cá nhân và người thân để bêu trên mạng. Chưa dừng lại ở đó, hình ảnh của chị, thậm chí là người thân của chị, cũng bị sử dụng để cắt ghép rồi đăng lên mạng xã hội với những lời lẽ thô tục, bôi nhọ.

Quá sợ hãi, người phụ nữ mới 24 tuổi đã tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân. Rất may chị được đưa vào bệnh viện kịp thời, chồng chị Mai đã trình báo công an về vụ việc…

Hãy tỉnh táo khi vay tiền!

Vụ việc ấy đang làm dấy lên nỗi lo ngại về hậu quả mà loại hình “tín dụng đen online” đang gây ra. Hiện chỉ cần gõ từ khóa vay tiền trên CH Play hoặc qua App Store trên điện thoại, người dùng sẽ thấy xuất hiện rất nhiều ứng dụng vay tiền với các cam kết hấp dẫn như: vay nhanh, vay nhiều, lãi suất thấp, chỉ cần xác minh thông tin online… Chỉ khi bước vào giao dịch nhiều người mới vỡ lẽ rằng nó tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Hầu hết ứng dụng này báo lãi suất vừa phải, có khi rẻ hơn lãi suất của các cơ sở tín dụng và ngân hàng, thậm chí 0%. Tuy nhiên, đến khi duyệt xong, lãi suất sẽ được tính theo cách khác, số tiền thực nhận cũng thấp hơn so với khoản vay ban đầu với đủ lý do như: phí bổ sung, phí bảo hiểm, phí quản lý…

Nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng và cả giới luật sư cho rằng vay online bản chất là hình thức cho vay tín chấp giữa các cá nhân với nhau, không chịu sự điều chỉnh của luật pháp. Vì vậy các hình thức cho vay này ngày càng bị biến tướng.

Đánh giá này đúng với nhận định của một cán bộ Công an TP Hồ Chí Minh khi cho rằng cho vay tiền qua app có dấu hiệu là một dạng của tội phạm hoạt động tín dụng đen. Phương thức chung của hoạt động cho vay qua app là giao dịch ngầm, sự thỏa thuận giữa con nợ và chủ nợ không được chứng thực. Đa số các app có một “ông chủ” đứng đằng sau điều hành. Khi người vay chậm trả nợ hoặc mất khả năng thanh toán, các “ông chủ” này sẽ cho đòi nợ thông qua “lực lượng đòi nợ thuê”.

Vì thế, hoạt động cho vay qua app online cần những quy định rõ ràng của các cấp quản lý, bên cạnh đó cần có các chế tài xử lý với những app hoạt động trái với những quy định của pháp luật về việc vay nợ dân sự. Với mỗi cư dân mạng, cần tỉnh táo lựa chọn các hình thức cho vay tiền online, tránh mắc phải các cạm bẫy do loại hình tín dụng đen mang lại.

Theo Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, thực trạng này cùng với các hình thức tín dụng đen khác đã được Công an thành phố chủ động dự báo, nắm bắt tình hình và triển khai kế hoạch chuyên đề để đấu tranh chuyên sâu với tội phạm “tín dụng đen”. Đồng thời, Công an TP Hồ Chí Minh đã làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm có liên quan hoạt động “tín dụng đen”, như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng... kết hợp các biện pháp công tác hành chính và công tác phối hợp khác với các đơn vị liên quan nhằm phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với hoạt động trái pháp luật này.

Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân khi phát hiện các vụ việc, băng nhóm nghi vấn liên quan hoạt động tín dụng đen cần báo cơ quan công an. Tuyệt đối không vay tiền theo thông tin quảng cáo của các đối tượng, tổ chức không rõ danh tính, địa chỉ…

Ám ảnh “tín dụng đen online” ảnh 1

Sau những lời mời mọc cho vay đầy ngọt ngào là rất nhiều cạm bẫy, hệ lụy.