50 năm Chiến thắng Khe Sanh

Kỳ 2: Giữ bếp lửa và nhen bếp chữ...

50 năm Chiến thắng Khe Sanh

50 năm kể từ ngày giải phóng, điều kỳ diệu nhất trên vùng đất Hướng Hóa, với chúng tôi, là câu chuyện về sự học. Đã từng rất nhiều năm dọc dài theo các tuyến vùng cao biên giới, nhưng chưa khi nào tôi ấn tượng đến sửng sốt như khi ghé thăm trường Tiểu học Hướng Phùng. Đó không chỉ là một ngôi trường mà là cả một bảo tàng lịch sử thu nhỏ. Nếu đó là một ngôi trường miền xuôi có lẽ sẽ không ấn tượng đến thế. Nhưng đây là một trường của vùng biên giới Hướng Hóa…

50 năm Chiến thắng Khe Sanh ảnh 1

Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hướng Phùng nhận lá cờ từ Trường Sa để trưng bày tại phòng truyền thống.

Lịch sử trong sân trường

Từ gần 10 năm trước, giữa sảnh chính của trường, thầy và trò Trường tiểu học Hướng Phùng đã dựng lên đó một cột mốc chủ quyền của quần đảo Trường Sa với các con số về kinh độ, vĩ độ. Mỗi sáng đầu tuần chào cờ, các thầy và trò lại hướng lên lá cờ Tổ quốc và cũng hướng về cột mốc chủ quyền. Những lối đi trong sân trường được cắm biển tên đường Trường Sa, đường Hoàng Sa… như biển tên đường nơi phố thị. Bước qua cánh cổng, bồn hoa cũng được thầy trò dùng đá suối đắp thành bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Ở một góc sân trường, trên hồ nước nhỏ, được gọi là “Góc Gạc Ma” với hình ảnh những chiến sĩ Hải quân đang ôm lấy lá cờ Tổ quốc quyết tử trên đảo đá. Một không gian giáo dục trực quan vô cùng sinh động về biển đảo quê hương đã được tái hiện như thế trong khuôn viên ngôi trường vùng cao biên giới, bởi thế còn hơn cả sự bất ngờ, niềm xúc động cứ dâng lên khi bắt gặp những hình ảnh ấy.

Nhưng những bài học về chủ quyền biển đảo không chỉ nằm ở không gian của sân trường. Đến thăm phòng truyền thống nhà trường, chúng tôi càng bất ngờ hơn khi có một lá cờ bạc mầu nắng gió biển khơi với chữ ký của những người lính ở Trường Sa. Hóa ra lá cờ Tổ quốc thiêng liêng ấy là của chị Nguyễn Thị Hoài Lê, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị - một thành viên từng ra thăm Trường Sa và được anh em chiến sĩ đảo Sinh Tồn tặng. Biết được câu chuyện giáo dục chủ quyền biển đảo ở ngôi trường biên giới này, chị Hoài Lê sau nhiều lần cân nhắc đã quyết định dành tặng kỷ vật thiêng liêng - lá cờ đẫm nắng gió Trường Sa ấy cho thầy và trò Trường tiểu học Hướng Phùng.

Ở ngôi trường này còn có thể bắt gặp nhiều công trình mô phỏng các di tích, các sự kiện lịch sử của Quảng Trị mà ngay cả những trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn cũng chưa thể làm được. Hai khu vực của trường chênh nhau một mái đồi và lối đi nối thông giữa hai khu vực được các thầy cô làm thành một đường hầm mô phỏng như địa đạo Vịnh Mốc - Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia của Quảng Trị. Thầy Nguyễn Mai Trọng, Hiệu trưởng nhà trường còn sưu tập nhiều hiện vật gốc của những người dân từng sống ở địa đạo để mang về trưng bày ở đây, những hiện vật gốc mà ngay cả chính tại địa đạo cũng chưa dễ có được. Từ khu vực trung tâm, luồn qua “địa đạo” chúng tôi lên khu vực hai của trường và ghé đến một căn nhà sàn được dựng theo đúng nguyên mẫu nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều, trong nhà có đủ các đồ dùng sinh hoạt được làm theo kỹ thuật thủ công truyền thống bản địa.

Từ nhà sàn truyền thống, bước xuống sân, là cả một gian trưng bày mang tên “Những con người thép trên cung đường Trường Sơn”, nhà sàn truyền thống và những hình ảnh tư liệu ấy, giữa không gian xanh mát của mái trường hôm nay là sự tiếp nối một dòng chảy của thời gian, của lịch sử khiến câu chuyện của ngôi trường rẻo cao biên giới này như một bếp lửa được trao truyền những hòn than ấm qua bao thế hệ. Như cách mà ông cha đã giữ lửa tự ngàn xưa. Từ bếp lửa ấy đã hiện lên những ánh lửa hình con chữ, những con chữ đã đưa người Vân Kiều, Pa Cô lớn lên cùng đất nước.

Người nữ đại biểu Quốc hội của núi rừng Hướng Hóa

Hơn mười năm trước, khi đi tiếp xúc với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XII (2007-2011) tôi vô cùng ấn tượng khi gặp Hồ Thị Minh, khi đó mới ngoài ba mươi tuổi và biết cô là thạc sĩ đầu tiên của người Vân Kiều ở Hướng Hóa. Kỳ đó, Minh không trúng cử. Nhưng đến kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021) Hồ Thị Minh đã trúng cử. Là nữ đại biểu người dân tộc Vân Kiều và tại các kỳ họp Quốc hội, cử tri đã biết đến Minh qua những chất vấn sâu sắc và ấn tượng về các vấn đề giáo dục và mối quan tâm với đồng bào các dân tộc thiểu số. Mấy hôm trước, trên trang cá nhân của mình, Hồ Thị Minh đăng hình người bố trong bộ quân phục với dòng status “Ngày giỗ cha, con gái lại không thể về”. Tôi biết Minh vì đang giữa kỳ họp Quốc hội nên không thể về giỗ bố, nhưng tôi nhắc đến status của Minh còn bởi một lý do nữa: Bố của Minh chính là một người lính đã bị thương trong trận Làng Vây. Từ bản làng của xã Pa Nang, chàng trai Vân Kiều ấy trở thành người lính của đường dây 559, làm bộ đội Trường Sơn. Năm 1968, đánh trận Làng Vây thì ông bị thương, được đưa ra miền núi Hà Tĩnh rồi lấy vợ sinh con ở đó. Mười năm sau, hòa bình, về lại quê nhà, cả xã Pa Nang quê ông không một ai biết chữ. Không có trường, không có lớp, đưa vợ và con ra Khe Sanh, dựng túp lều ở tạm, ông chỉ dặn các con một điều: Phải học, học để người dân Pa Nang tự hào là dân bản mình có người biết chữ.

Minh đã học hơn thế rất nhiều! Từ tiểu học, cô vào Trường PTCS Dân tộc nội trú của huyện, rồi về trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Không thể kể hết những gian nan của sự học và tuổi thơ của cô. Tốt nghiệp trung học phổ thông, cô thi vào Đại học Sư phạm ngành Ngữ văn. Ra trường về dạy ở Trường THCS Khe Sanh, với trình độ một cử nhân, chuyện dạy học sinh cấp cơ sở có thể khiến người ta “an phận”. Nhưng Minh thì không! Cô khát khao học lên, học để không bị bé nhỏ giữa biển kiến thức, để giúp cho những cô cậu học trò vùng cao có cách học mới hơn, sáng tạo hơn.

Năm 2002 cô dự thi cao học ngành Ngữ văn ĐHSP Huế. Vừa đậu vào cao học cũng là lúc bố Minh bị tai nạn lao động, chấn thương cột sống, nằm liệt giường ở Bệnh viện Trung ương Huế. Minh đã có ý nghĩ bỏ học để chăm lo cho bố. Hai năm học cao học là hai năm số phận thử thách cô. Chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp cao học là khi bố cô qua đời. Minh gần như kiệt sức trước kỳ thi. Nhưng đề tài luận văn thạc sĩ của cô là ý tưởng cô ấp ủ từ rất lâu dành cho học sinh vùng cao, những em bé đồng tộc với cô. Các thầy cô động viên, bạn bè giúp đỡ và cuối cùng luận văn Rèn luyện kỹ năng viết câu cho học sinh người dân tộc thiểu số ở trường dân tộc nội trú của cô đã được bảo vệ với số điểm xuất sắc trước hội đồng khoa học, với đánh giá có nhiều sáng tạo và khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao.

Thành tích của Minh còn được ghi nhận khi cô giành được học bổng của tổ chức “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” để tham dự một số lớp học tại Hà Nội. Sau khi biết về thành tích của Minh, Quỹ Ford (The Ford foundation) đã gợi ý tài trợ cho Minh đi học tiếp tiến sĩ ở Thái-lan nhưng Minh thấy điều kiện mình chưa thể đi được nên từ chối. Cô ở lại với mảnh đất quê nhà và những học trò của mình. Rồi, dù rất yêu nghề giáo, nhưng theo yêu cầu công tác, Minh chuyển qua Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện và hiện giờ cô là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện. Công việc của người đại biểu nhân dân khiến cô phải gác lại những việc riêng như nỗi buồn không về được trong ngày giỗ bố, nhưng câu chuyện của Minh, từ rất nhiều năm qua như là một biểu tượng “truyền cảm hứng” với người dân Hướng Hóa. “Nữ quyền” là một chuyện khá xa lạ trong quá khứ của người Vân Kiều, vì thế một phụ nữ Vân Kiều học tới thạc sĩ, trở thành một đại biểu Quốc hội được cử tri tín nhiệm và tin cậy như Hồ Thị Minh rõ ràng có ý nghĩa như một biểu tượng.

Nửa thế kỷ đã đi qua cùng nắng mưa. Có lẽ câu chuyện của một bông hoa xứ lạ nở trên chiến trường xưa, một ngôi trường rẻo cao với cách giáo dục truyền thống, một phụ nữ Vân Kiều thành đại biểu Quốc hội chưa đủ sức khái quát hết hành trình 50 năm của Khe Sanh - Hướng Hóa, nhưng những chấm phá ấy sẽ phần nào hình dung về truyền kỳ của miền đất hào hùng năm xưa và trù phú tươi đẹp hôm nay.