50 năm Chiến thắng Khe Sanh

Kỳ I: Xe tăng, hoa tuy-líp và đông trùng hạ thảo

50 năm trước, tháng 2-1968, trận đánh đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có xe tăng tham chiến xảy ra ở một miền rừng phía tây Quảng Trị có tên là Làng Vây của vùng Khe Sanh - Lao Bảo.

Hoa ly được trồng ở vùng đất Sa Mù.
Hoa ly được trồng ở vùng đất Sa Mù.

Từ chiếc xe tăng và trận chiến đầu tiên ở Quảng Trị đến chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, đánh dấu sự kết thúc chiến tranh và mở ra kỷ nguyên hòa bình vào buổi trưa ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975 như một dấu gạch nối thời gian.

Từ chiếc xe tăng ở Làng Vây

Mỗi lần ngược đường số 9 lên Lao Bảo, qua Khe Sanh rồi đến Làng Vây, tôi vẫn dừng lại bên chiếc xe tăng số hiệu 268 từng tham chiến trận đầu được đặt trên bệ đá như một tượng đài chiến thắng với dòng chữ lấp lánh: “Nơi đây ngày 7-2-1968 tiểu đoàn xe tăng 198 của Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực và quân dân địa phương đồng loạt nổ súng tấn công tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Làng Vây của địch. Đây là trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng tham gia của quân đội ta, mở đầu cho truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng - Thiết giáp. Chiến thắng Làng Vây đã phá vỡ vị trí then chốt trên tuyến phòng ngự Đường 9 - Khe Sanh của Mỹ - ngụy, góp phần chiến thắng Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa Quảng Trị vào ngày 9-7-1968”.

Trận đánh mở đầu của binh chủng, được đi vào lịch sử của đất nước chỉ vắn tắt trong mấy dòng khiêm tốn khắc trên bệ đá, nhưng hành trình của những chiếc xe tăng đi từ hậu phương lớn vào được đến đây sẽ khó có bút mực nào kể xiết. Từ trận đánh của binh chủng Tăng - Thiết giáp “Đã ra quân là đánh thắng” ấy, Khe Sanh-Hướng Hóa đã được giải phóng, một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vừa trấn giữ vĩ tuyến 17, vừa sẵn sàng ứng cứu cho khu vực Nam Lào bị đập tan.

Từ giữa tháng 10 năm 1967, tiểu đoàn xe tăng 198 xuất phát từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, hành quân vào Nam theo đường Hồ Chí Minh. Mất gần hai tháng, chủ yếu là di chuyển ban đêm, đoàn xe tăng đã đi vòng vèo qua hơn 1.000 km, vượt cả trăm sông suối. Đến cuối tháng 11, toàn bộ đội hình của tiểu đoàn đã vào đến vị trí tập kết ở Nậm Khang, nằm trên trục đường 128, cách cứ điểm Huội Xan của quân ngụy Lào khoảng 70 km về phía tây. Ngày 23-1-1968, tiểu đoàn xe tăng 198 hiệp đồng với Trung đoàn bộ binh 24 (thuộc Sư đoàn 304) tấn công Huội Xan, đánh cứ điểm Tà Mây rồi vượt sông Sê Pôn, hiệp đồng binh chủng tấn công căn cứ Làng Vây khiến Lầu năm góc bị “sốc” thật sự. “Trên trời có OV - 10 hiện đại (một loại máy bay trinh sát đặc biệt của không lực Mỹ), dưới đất có “cây nhiệt đới” cắm dọc các tuyến đường cùng biệt kích, thám báo… vậy mà xe tăng Việt cộng đã di chuyển vượt vĩ tuyến 17 không ai hay biết!”. Các tướng lĩnh Mỹ và quân đội Sài Gòn đã than thở như thế khi xe tăng bất ngờ xuất hiện tham chiến cùng bộ binh quân giải phóng. Họ than thở cũng phải, bởi lịch sử chiến tranh thế giới chắc chẳng nơi đâu mà đạn pháo, xe tăng được gùi cõng bằng những đôi chân trần của người dân, được đóng bè tre nứa vận chuyển để bảo đảm bí mật, bất ngờ như ở Việt Nam.

Trong một chuyến công tác ở xã Thuận (huyện Hướng Hóa) tôi đã gặp Pả Máng và Pả Mo - hai nhân chứng của chiến dịch “đưa xe tăng sang sông” vượt sông Sê Pôn đánh trận Làng Vây. Pả Máng bảo: Hồi đó mình khỏe lắm, một đêm được cán bộ đến rỉ tai bảo qua sông Sê Pôn để giúp bộ đội chuyển tăng qua, vậy là cùng với Pả Cưm, Pả Cun, Pả Bổ, Pả Mó… mang theo “xà-roong” (một loại đòn khiêng) lên đường. Nước sông Sê Pôn rất sâu, không có cầu phao, nhân dân ở đây đã cùng với bộ đội công binh chặt nứa kết bè cho xe tăng qua. Để giảm bớt trọng lượng, tất cả đạn của xe được bốc xuống, thậm chí xích cũng được tháo ra để vận chuyển bằng thuyền rồi qua bờ kia gùi đến lắp lại. Những chiếc xe tăng đầu tiên đã bí mật vượt sông Sê Pôn như thế. Từ những tuyến đường bí mật, xe tăng áp sát cứ điểm Làng Vây mà địch không hề hay biết. Đêm 6 rạng ngày 7-2-1968 những chiếc xe tăng dội bão lửa xuống căn cứ Làng Vây, hợp đồng binh chủng với bộ binh xông lên, làm chủ căn cứ sau hai giờ đồng hồ chiến đấu. Lịch sử quân sự sau này nhận định, trận Làng Vây đã góp phần thay đổi cục diện chiến trường, và tất nhiên có công lao rất lớn của những người dân Vân Kiều gùi đạn, gùi xích cho xe tăng bất ngờ vào trận.

Người Mỹ, khi bị vây hãm đã tính đến chuyện ném bom nguyên tử xuống Khe Sanh vào năm 1968. Tài liệu của Lầu năm góc được giải mật đã từng nhắc về kế hoạch ném bom nguyên tử xuống Khe Sanh, một trong những mục đích chính là nhằm giải cứu Khe Sanh bị vây hãm từ tháng Giêng 1968, khi khoảng gần hai vạn quân chủ lực của ta bao vây hơn 6.000 lính thủy quân lục chiến của Mỹ tại đây. Kế hoạch sử dụng vũ khí nguyên tử cuối cùng đã không dám thực hiện, việc giải vây cuối cùng được giao cho tướng Westmoreland toàn quyền sử dụng bất kỳ loại vũ khí quy ước nào để bảo vệ Khe Sanh và B52, pháo đài bay hạng nặng đã được tung ra, hơn 100.000 tấn bom dã được dội xuống trong một vùng rộng chưa đến 5 dặm vuông.

Đây được coi là cuộc dội bom có mật độ dày nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Song người Mỹ vẫn không cứu được Khe Sanh. Bây giờ, ngoài chiếc xe tăng tham gia trận Làng Vây được đặt lên bệ làm tượng đài, ký ức về chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh được gom lại trong một không gian có tên “Nhà Bảo tàng chiến thắng” ở sân bay Tà Cơn. Sau mấy chục năm hòa bình, cái căn cứ quân sự lớn nhất của tập đoàn cứ điểm này đã bị cuộc mưu sinh của người dân quanh vùng mang đi từng tấm ghi hợp kim nhôm (duyra) lát làm đường băng đến từng bao tải cát làm công sự. Để có được không gian trưng bày như hôm nay, các cán bộ của Trung tâm bảo tồn di tích danh thắng Quảng Trị đã phải đi xin từng chiếc máy bay cũ trong kho “chiến lợi phẩm” của Bộ Quốc phòng về trưng bày. Tôi bỗng nhớ dòng lưu bút của một du khách đã viết trong cuốn sổ lưu niệm ở Bảo tàng: “Khe Sanh đẹp vô cùng. Tôi đã cố mà vẫn không hình dung nổi cảnh bom đạn chết chóc nhiều năm về trước...”.

Và vì thế, cho dù những hiện vật chứng tích chiến tranh chưa đủ để tái hiện sự khốc liệt thì đất đai cây trái của Khe Sanh - Hướng Hóa hôm nay đủ sức dựng nên một tượng đài chiến thắng của hòa bình bằng những sản vật vô cùng đặc biệt.

Đất và hoa

Tết Mậu Tuất 2018 vừa rồi, trên thị trường hoa ở Quảng Trị xuất hiện những chậu hoa tuy-líp được giới thiệu được trồng ở Hướng Hóa - khu vực đèo Sa Mù, khu vực bắc Hướng Hóa, trên trục đường Hồ Chí Minh nhánh tây, từ di tích sân bay Tà Cơn đi ngược ra phía bắc chỉ hơn chục cây số. Hóa ra cái mảnh đất khốc liệt đạn bom này lại có thể trồng được cái giống hoa “sang chảnh” quý tộc như ở trời Âu. Tò mò, sau Tết, tôi ngược đường 9, ngược đường Hồ Chí Minh lên đèo Sa Mù, con đèo dài gần 20 cây số nối hai xã Hướng Phùng và Hướng Việt để tìm đến trang trại hoa.

Vì đang trồng thử nghiệm nên lứa hoa tuy-líp đầu tiên ấy đã đưa về tiêu thụ dịp Tết hết sạch, không còn một chậu nào. Nhưng nhờ vậy mà tôi phát hiện thêm trên vùng đất của con đèo Sa Mù này, tỉnh Quảng Trị đang manh nha một giấc mơ về một “tiểu Đà Lạt” giữa miền đất chiến trường xưa. Không chỉ trồng được hoa tuy-líp, năm trước, các cán bộ kỹ thuật của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã phối hợp cùng bà con địa phương trồng thực nghiệm hoa ly và thật bất ngờ, hoa ly được trồng ở vùng đất này cho hoa to và đẹp không kém gì hoa được trồng ở Đà Lạt. Tôi tò mò hỏi anh Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về những dự phóng cho vùng đất này, anh Chính hồ hởi: Tiềm năng thì đã rõ rồi, nhưng để phát triển căn cơ và khoa học, tỉnh đã mời Tập đoàn Hokkaido (Nhật Bản) đến khảo sát, tư vấn, đồng thời tỉnh cũng đã giao cho Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Trị thành lập Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa nhằm nghiên cứu, khảo nghiệm các đối tượng cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với đặc điểm của tiểu vùng khí hậu mang tính đặc thù, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.

50 năm Chiến thắng Khe Sanh ảnh 1

Chiếc xe tăng số hiệu 268 từng tham chiến trận Làng Vây được đặt trên bệ đá như một tượng đài chiến thắng.

Hướng tới mở rộng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến để nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực Bắc Hướng Hóa. Bây giờ, trên vùng đất khốc liệt năm nào không chỉ có các loài hoa ly, hoa tuy-líp được trồng mà còn cả măng tây, các giống rau miền ôn đới… Và bất ngờ nhất là mới đây, từ vùng đất Sa Mù này, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Quảng Trị đã sản xuất thành công sản phẩm đông trùng hạ thảo với thương hiệu “Đông trùng hạ thảo Sa Mù” mang tên của con đèo xuyên giữa mảnh đất chiến trường xưa…

(Còn tiếp)