Trong nắng mới Nam Ðàn

Tháng 5 về thăm quê Bác, xe thênh thang chạy rợp trong mầu xanh mát mắt của đồng ruộng, vườn tược, trong ngan ngát hương chanh, hương sen. Ðây, đất nghèo xưa "Nam Ðàn sinh thánh". Ðây, miền nắng mới rạng rỡ thêm từng ngày… 

Công trình hồ sen "Hợp tác xã với Bác Hồ" đưa vào hoạt động chào mừng 130 năm Ngày sinh Bác Hồ.
Công trình hồ sen "Hợp tác xã với Bác Hồ" đưa vào hoạt động chào mừng 130 năm Ngày sinh Bác Hồ.

Ðầu tư bài bản

Vẫn là đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Ðàn Vương Hồng Thái dẫn đi thăm các xã Năm Nam. Trước đây, do cơ sở hạ tầng kỹ thuật của huyện Nam Ðàn chưa được đầu tư bài bản, lại thường xuyên bị mưa lũ tàn phá nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là vào những năm cuối của thế kỷ trước, Nghệ An thường xuyên bị bão lũ hoành hành và vùng Chín Nam (nay là Năm Nam) ngoài đê của huyện Nam Ðàn - được mệnh danh là "rốn" lũ - thường bị trôi nhà cửa; thậm chí còn cuốn trôi cả người. "Việc đi lại, làm ăn của người dân vô cùng khó khăn. Cho nên, không ít gia đình đã rời bỏ quê hương để tìm miền đất hứa khác", ông Thái nhớ lại.

Xe ô-tô qua cầu Nam Ðàn, bắc qua sông Lam đi trên quốc lộ 15 (do Nhật Bản tài trợ), đường tránh lũ (do Quỹ Phát triển Ả-rập Xê-út đầu tư) dọc ngang các xã Khánh Sơn, Nam Kim, Trung Phúc Cường... hiện đã được trải nhựa êm ru. Ði đến đâu cũng đường lớn rộng mở, hệ thống mương bê-tông và hàng cây xanh chạy hai bên dài tít tắp. Ðây là những tuyến đường chống ngập, lụt nên nền đường được đắp cao hàng mét so với mặt ruộng. Dọc hai bên đường tránh lũ, những bãi ngô sinh khối cao xanh ngút ngàn; những chiếc máy gặt liên hợp đỏ chót đang chạy đi chạy lại thu hoạch trên những cánh đồng lúa vàng rộn… thật vui mắt.

Chúng tôi dừng chân tại một góc ruộng, tại xã Trung Phúc Cường. Ông Nguyễn Văn Cường (70 tuổi) cho biết: "Năm nay lúa được mùa, năng suất đạt khoảng bảy tấn/ha". Chỉ vào những chiếc máy gặt đang làm việc, ông Cường khoe: "Nhờ hắn mà tui thu hoạch lúa nhanh gọn, triển khai làm đất, cấy lúa cho kịp thời vụ chạy lụt".

Ðây là những dự án giao thông lớn, có tác động trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh cho năm xã khó khăn, chiếm một phần ba dân số của huyện Nam Ðàn. Bí thư Ðảng ủy xã Trung Phúc Cường Lê Trọng Lương kể: "Nhờ có những tuyến đường như thế này mà bà con vùng lụt chúng tôi đi lại thuận tiện, hàng hóa được thông thương ngay cả trong mùa mưa lũ - điều mà trước đây có mơ cũng không có. Khi các dự án triển khai, người dân vô cùng phấn khởi. Họ tự nguyện hiến đất, hiến tài sản để thực hiện dự án. Có thể nói, khi cầu Yên Xuân (hạ lưu sông Lam đoạn chảy qua huyện Nam Ðàn) cắt băng khánh thành, vùng Năm Nam nói riêng, Nam Ðàn nói chung với Hương Sơn (Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo), Ðức Thọ (Hà Tĩnh) và TP Vinh đã kết nối, giao thương đi lại thuận tiện hơn nhiều so với trước đây". Cầu Yên Xuân, đường ngập lũ Năm Nam là những điểm nhấn thành tựu cho hàng nghìn tỷ đồng được huy động trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới - NTM (với 640 km đường nông thôn).

Trong nắng mới Nam Ðàn ảnh 1

Ðoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm mô hình kinh doanh cây cảnh ở xã Kim Liên - huyện Nam Ðàn. Ảnh: HỒNG SƠN

Người dân là chủ thể

Nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự cố gắng vượt bậc của người dân Nam Ðàn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Nghệ An. Bởi vậy, tiến độ xây dựng huyện NTM được đẩy nhanh và về đích trước ba năm.

Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện Nam Ðàn tiếp tục triển khai quyết liệt Quyết định số 17-QÐ/TTg ngày 4-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án thí điểm "Xây dựng huyện Nam Ðàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025". Theo đề án, Chính phủ giao 12 bộ, ngành liên quan cùng tỉnh Nghệ An từng bước đưa huyện Nam Ðàn đến năm 2025 hoàn thành huyện NTM kiểu mẫu. Sau hơn một năm chỉ đạo quyết liệt các xã xây dựng NTM nâng cao và bảy xã làm điểm xây dựng NTM kiểu mẫu: Nam Thanh, Vân Diên, Nam Nghĩa, Nam Cát, Nam Giang, Kim Liên, Nam Anh bước đầu đạt kết quả đáng phấn khởi. Ðến nay, kết cấu hạ tầng các lĩnh vực trên cơ bản đạt chuẩn, phục vụ tốt sản xuất và đời sống dân sinh. Phong trào xây dựng xóm: sáng - xanh - sạch - đẹp; xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn chuẩn, vườn mẫu tiếp tục được lan tỏa nhanh hơn, bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp đáng sống; tính tự quản của cộng đồng nâng lên... Nam Ðàn phấn đấu đến hết năm 2020 có hai xã đạt NTM kiểu mẫu và ba xã NTM nâng cao...

Ðiều đáng mừng, trong quá trình xây dựng NTM, người dân đã hiểu rõ: Mình là chủ thể, xây dựng NTM để mình được hưởng; không còn mơ hồ hay trông chờ, ỷ lại. Ðặc biệt, người dân đã ý thức được việc tận dụng các thế mạnh địa phương để phát triển kinh tế, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập; từ đó có điều kiện đóng góp nguồn lực cho xây dựng NTM.

Trong không khí rộn ràng kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác, chúng tôi có dịp về thăm lại quê nội, quê ngoại Bác Hồ. Ðến Làng Sen quê nội Bác, chúng tôi tới thăm gia đình ông Vương Hồng Minh (73 tuổi). Sau gần 10 năm cầm súng ở các chiến trường B, C, K, ông Minh trở về quê với cuộc sống thanh bình. Ông Minh thích làm vườn, mà theo ông, trước là làm cho đẹp vườn, đẹp nhà, sau là có thêm thu nhập. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của địa phương, mảnh vườn rộng hơn 500 mét vuông được quy hoạch bài bản, nơi trồng rau, trồng hoa, cây cảnh, nơi treo hơn 200 giò phong lan… cùng hệ thống tưới tự động. Vườn của ông Minh cùng sáu cái vườn khác ở xóm Sen 3 vừa được công nhận vườn mẫu. Ông Minh cũng đang bàn với những nhà hàng xóm việc chỉnh sửa lại khuôn viên nhà, bố trí thêm không gian ngủ, nghỉ, vui chơi theo đúng phong cách nông thôn để làm homestay đón khách du lịch. Một lãnh đạo xã Kim Liên còn chia sẻ: Không chỉ gia đình ông Minh mà còn khoảng 40 gia đình trong xã đang tập trung xây dựng vườn mẫu, chỉnh trang khuôn viên nhà ở để có điều kiện kinh doanh homestay. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới đối với người dân ở đây nên rất cần sự vào cuộc, hướng dẫn cụ thể của địa phương, ngành du lịch…

Nhiều nông dân ở Nam Ðàn cũng đã trở thành ông chủ khi say mê với nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư các mô hình nhà lưới, trồng rau củ quả sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình trang trại, nông trại… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ. Thạc sĩ nông nghiệp Phạm Kim Tiến (34 tuổi) - người con Kim Liên với người vợ Nguyễn Thị Hồng (quê Hưng Yên) đã đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Sen quê Bác với tám thành viên cùng lao động thời vụ. Họ liên kết với hàng chục nông dân ở Kim Liên và các vùng chung quanh, trồng và thu mua hàng trăm ha sen; rồi mày mò, "tầm sư học đạo" chế biến thành công nhiều sản phẩm từ cây sen như trà ướp hương sen, trà lá sen, hạt sen sấy, tâm sen… Trong số này đã có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP ba sao. Chị Nguyễn Thị Hồng, người con dâu quê Bác đã cùng chồng còn ấp ủ tạo ra các sản phẩm mang tầm quốc tế xứng danh là sản phẩm quê hương Bác Hồ. HTX còn cung cấp cho bà con trồng những loại sen cho năng suất cao, thu nhập gấp ba lần lúa.

Anh Ðặng Văn Hóa (32 tuổi), đang công tác trong ngành dầu khí, thu nhập cao, ổn định nhưng do đau đáu với cây chanh Nam Ðàn, đã về quê thành lập HTX chanh Nam Ðàn ở ngay tại "thủ đô" chanh - xã Nam Kim. Từ đây, HTX sản xuất dược phẩm, đồ uống, thực phẩm, hàng tiêu dùng (tinh dầu chanh, bột chanh, nước cốt chanh, chanh muối, nước chanh muối, dầu gội đầu, nước rửa chén bát)… Anh Hóa còn lên phương án phục chế lại giống chanh quý Thiên Nhẫn, phát triển vùng chanh nguyên liệu lên hàng nghìn ha để tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động trong vùng; tiến tới dự án "Xây dựng chuỗi sản xuất, bảo quản, chế biến sâu và phát triển thương hiệu Chanh Thiên Nhẫn - Nam Ðàn gắn với du lịch cộng đồng"…

Những ngày này, dọc hai bên đường đang dần phủ kín cây xanh và hoa tươi khoe sắc; những hồ sen xanh ngát hương thơm. Những cụm cột cờ, cụm pa-nô, biểu ngữ rực rỡ. Ðường các khu dân cư được trải nhựa, mở rộng 4-5 mét, sạch sẽ và phấp phới cờ đỏ sao vàng. Nhiều công trình chào mừng 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa vào hoạt động như: đền Chung Sơn (ở núi Chung); công trình hồ sen "Hợp tác xã với Bác Hồ" do Liên minh HTX Việt Nam đầu tư gần 10 tỷ đồng ở xóm Sen 1 và Sen 2; Khu di tích Kim Liên nhận bàn giao và đưa vào sử dụng hai nhà trưng bày, nhà bái đường do TP Hồ Chí Minh tài trợ…

Quê Bác đợi những bước chân về thăm…