Xử lý triệt để tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Trong thời gian gần đây, nạn tin nhắn rác gây phiền hà cho người dân dùng điện thoại di động đã từng bước được xử lý và hạn chế đáng kể. Tin nhắn rác không còn xuất hiện và "tung hoành" trên các mạng viễn thông như trước đây.

Có được kết quả bước đầu này là nhờ chủ trương xử lý quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc nghiêm túc của các cơ quan, bộ, ngành chức năng. Tính đến hết tháng 6-2020, Việt Nam có gần 127 triệu thuê bao di động, tức là đã giảm 6,9 triệu thuê bao so cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc siết chặt quản lý thuê bao di động trong nước thời gian qua, nhằm ngăn chặn tình trạng sim rác tràn lan.

Nhiều giải pháp đã được thực thi như các nhà mạng triển khai hệ thống chặn, lọc tin rác; xử lý các thuê bao tiến hành cuộc gọi rác; ngăn chặn, phát hiện các cuộc gọi giả mạo…

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định số 91/NÐ-CP chống tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác thay thế Nghị định số 90/2008/NÐ-CP và Nghị định số 77/2012/NÐ-CP làm cơ sở pháp lý vững chắc nhằm đẩy lùi nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn tồn tại và ảnh hưởng trực tiếp tới người dùng di động hằng ngày. Các tin nhắn, cuộc gọi chào mời dịch vụ, quảng cáo từ người lạ vẫn xảy ra. Nhiều người dân rất bất ngờ khi nhận được những cuộc gọi lạ mời chào mua, bán, tham gia các thị trường bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng, bảo hiểm, y tế… và người gọi đến dù không quen nhưng biết rõ tên, địa chỉ của mình. Ðây là vấn đề rất đáng lo ngại bởi thông tin của cá nhân có dấu hiệu bị lộ, lọt. Bên cạnh đó, có trường hợp, người dân nhận được tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo không mong muốn, trong tin có hướng dẫn nếu không muốn nhận tin dạng này thì soạn cú pháp rồi gửi đến tổng đài. Tuy nhiên, chặn được tin nhắn từ tổng đài có đầu số này thì lại xuất hiện tin nhắn từ tổng đài có đầu số khác... Ðáng chú ý, thực trạng dùng điện thoại thực hiện cuộc gọi giả mạo cơ quan chức năng để lừa người dân vào bẫy chuyển tiền vẫn đang diễn ra, gây bất an, lo lắng cho nhân dân.

Để tiếp tục ngăn chặn hiệu quả và tiến tới xử lý triệt để nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao hiệu quả của công việc nêu trên, mỗi người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Khi nhận được các tin nhắn quảng cáo không mong muốn, người dân cần thông báo với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, in-tơ-nét, thư điện tử, người quảng cáo và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Trước mắt, người dân có thể phản ánh qua hệ thống tiếp nhận phản ánh tin rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số 5656 do Cục An toàn thông tin, (Bộ Thông tin và Truyền thông) xây dựng, vận hành. Ðây cũng là cơ quan điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Ngoài ra, các cơ quan liên quan, chuyên ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán sim điện thoại di động trên thị trường, nhằm ngăn chặn tình trạng sim rác, sim kích hoạt sẵn. Cần bám sát thực tế, biến động để có sự nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời về các chế tài, quy định, nhất là về mức xử phạt bảo đảm tính răn đe đối với các vi phạm trong lĩnh vực này.

Cùng với các quy định pháp lý, các cơ quan chức năng trong lĩnh vực quản lý, nhất là công nghệ cao, cần tiếp tục rà soát, tăng cường các biện pháp về mặt kỹ thuật, ứng dụng công nghệ các phần mềm kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn triệt để tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

AN KHÁNH