Chuyện Pháp luật

Xử lý nghiêm minh án tham nhũng, kinh tế lớn

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2021 mới đây, ngành Kiểm sát nhân dân nhìn lại những kết quả nổi bật năm qua, qua đó cho thấy nhiệm vụ lớn được Ðảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao là đã xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn.

Trong nhiệm kỳ, ngành quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ðảng, Quốc hội, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng. Theo số liệu báo cáo, ngành đã kiểm sát trong giai đoạn truy tố 1.392 vụ với 3.363 bị can, đã giải quyết 1.306 vụ với 3.093 bị can, đạt tỷ lệ 93,8%; kiểm sát xét xử 1.145 vụ với 2.600 bị cáo; trong đó, án thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo là 77 vụ với 735 bị can, đã giải quyết 73 vụ với 704 bị can; tỷ lệ truy tố đạt 94,8%. Ðặc biệt, trong nhiệm kỳ, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao nỗ lực, khẩn trương xem xét truy tố nhiều vụ án chỉ trong thời gian từ năm đến bảy ngày sau khi kết thúc điều tra, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong đó, có nhiều vụ liên quan đến cán bộ cao cấp của Ðảng, Nhà nước, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm với mức án đã xét xử rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng, khẳng định quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế vừa qua đã chứng minh được yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với số tiền bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng. Ngành KSND thời gian qua chủ động phối hợp chặt chẽ Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp thu, giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng liên quan ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Từ đó kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, không để đối tượng bỏ trốn, chuyển nhượng, tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản.

Trong công tác điều tra tội phạm đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ quyền hạn của Cơ quan điều tra Viện KSND đối với 38 tội danh theo quy định mới của pháp luật (tăng 24 tội danh). Ðã kiện toàn tổ chức, bộ máy, bổ sung lực lượng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra; xây dựng hoàn thiện hệ thống các quy định, quy chế nghiệp vụ. Nhiệm vụ mới nữa là khẩn trương triển khai xây dựng phòng hỏi cung có ghi âm, ghi hình có âm thanh kết nối với Trung tâm chỉ huy điều tra; tập trung phát hiện, khởi tố điều tra các hành vi tham nhũng trong hoạt động tư pháp, hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội phạm, các hành vi bức cung, dùng nhục hình… Số liệu thống kê cho thấy, số vụ án đã khởi tố điều tra tăng 34,3% so với nhiệm kỳ trước; trong đó, đã khởi tố nhiều vụ án dư luận xã hội quan tâm, nhiều vụ án tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp; tiến độ, chất lượng điều tra được nâng lên, đạt yêu cầu của Quốc hội và không để xảy ra oan, sai.

Về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm, trong nhiệm kỳ, toàn ngành đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; ban hành 227.302 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh; trực tiếp kiểm sát 4.847 cuộc tại Cơ quan điều tra… Viện KSND đã trực tiếp lấy lời khai hơn 223 nghìn người bị bắt, tạm giữ; ban hành hơn 301.800 yêu cầu điều tra, tăng 68,9%; trực tiếp hỏi cung 192.810 bị can... Thông qua đó, đã quyết định không phê chuẩn 610 lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; 830 quyết định gia hạn tạm giữ, 1.319 lệnh tạm giam; 1.180 lệnh bắt bị can để tạm giam; Viện KSND hủy bỏ 2.611 quyết định tạm giữ và yêu cầu bắt tạm giam 325 bị can... Kết quả bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế vi phạm và lạm dụng biện pháp tạm giam; chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm tố tụng, oan, sai giảm dần, đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội.

Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm được các đồng chí lãnh đạo ngành rất quan tâm là xác định rõ công tác cán bộ là then chốt, đồng thời, triển khai nhiều giải pháp đột phá và chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện. Cụ thể hơn, đó là đổi mới và mạnh dạn trong việc bố trí người đứng đầu đơn vị, bảo đảm phù hợp sở trường, phát huy năng lực, nhất là những đơn vị quan trọng; lấy sản phẩm công tác để đánh giá chất lượng cán bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Mặt khác, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong từng lĩnh vực công tác và thường xuyên theo dõi kết quả, chủ động đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, đồng thời, có lộ trình nâng cao chất lượng bảo đảm hợp lý, hiệu quả. Vấn đề nữa là ngành KSND tiếp tục nghiên cứu, thực hiện tổng kết các luật, chỉ thị, nghị quyết của Ðảng về phòng, chống tham nhũng; tích cực tham gia góp ý nhiều văn bản liên quan phòng, chống tham nhũng. Qua đó tổng hợp những khó khăn vướng mắc trong cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật và áp dụng pháp luật để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền có giải pháp khắc phục.

THÁI TRUNG