Sửa đổi quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm trong các vụ tai nạn giao thông

Phần lớn chúng ta sẽ cảm thấy hãi hùng và bất bình khi xem đoạn phim vụ lái xe Nguyễn Trung Tuyên, điều khiển xe bán tải BKS 43C-190.85 uống rượu mất kiểm soát đâm thẳng vào nhà dân tại số 311 đường Tiểu La (TP Đà Nẵng) đêm 13-12-2020. Rất may mắn, thời điểm đó trong nhà không có ai, vụ tai nạn không gây thiệt hại về người. Nhưng hãy thử hình dung, nếu có một số người đang ngồi trên vỉa hè, hoặc vài người có mặt trong sân thì hậu quả sẽ thảm khốc như thế nào?

Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra tại TP Đà Nẵng đêm 13-12-2020.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông xảy ra tại TP Đà Nẵng đêm 13-12-2020.

Bất cập về mức đền bù

Thông thường, tai nạn giao thông (TNGT) nếu gây hậu quả nghiêm trọng làm nhiều người chết, lái xe bị truy tố, xử lý hình sự, bị phạt tù,... Còn trong tình huống này, cụ thể là trường hợp vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nếu không được ngăn chặn kịp thời, pháp luật đã có quy định cụ thể truy tố về hình sự và phạt tiền. Tuy nhiên, các quy định pháp luật cụ thể hiện nay còn nhiều bất hợp lý. Theo quy định tại khoản 1, điều 260 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành thì trường hợp tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông (ATGT) đường bộ làm một người chết, thì hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm, hoặc cải tạo không giam giữ tới 3 năm, hoặc phạt tiền từ 30 triệu tới 100 triệu đồng (đóng vào ngân sách nhà nước). Trường hợp vi phạm dẫn đến ba người chết trở lên thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Về mức đền bù cho người bị thiệt hại thì được thực hiện theo quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. 

Trong thực tế, mức đền bù cho gia đình người chết chỉ dao động trong khoảng 100 triệu đồng, cao nhất là 200 triệu đồng. Tất nhiên, sinh mạng con người là vô giá, không có gì có thể đánh đổi, nhưng trong những trường hợp TNGT đáng tiếc gây chết người hoặc thương tật, rõ ràng những mức đền bù hiện nay cho người bị hại không còn phù hợp với những mất mát, thiệt hại mà bị hại phải hứng chịu. Chưa kể một bất cập hiện nay là mức đền bù còn phụ thuộc vào khả năng chi trả của người gây TNGT, trong nhiều trường hợp những người gây TNGT lại là nhóm người có thu nhập thấp, đi ẩu, vi phạm pháp luật dẫn tới TNGT gây chết người và thường không có nhiều tài sản, không có khả năng chi trả, do vậy việc thực thi bản án để đền bù cho bên bị hại gặp nhiều khó khăn...

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định pháp luật hiện nay đang tập trung vào việc truy tố và xử lý trách nhiệm hình sự của người gây TNGT, chưa thật sự chú trọng tới việc đền bù thiệt hại cho bên bị hại. Trong khi với người bị hại, việc bồi thường, khắc phục hậu quả cũng là vấn đề không kém phần quan trọng. Bởi khi họ bị TNGT, thu nhập, đời sống gia đình sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Có nhiều người bị thương tật dẫn đến mất hoàn toàn khả năng lao động, trong khi họ là lao động chính, người duy nhất tạo ra thu nhập trong gia đình, có nghĩa vụ chăm sóc bố mẹ già, con nhỏ,...

Trong vụ TNGT xảy ra tại Đà Nẵng vừa nêu trên, do may mắn không có người chết, nhiều người trong chúng ta có thể bỏ qua với suy nghĩ “rồi chủ xe sẽ phải đóng vài chục triệu đồng”. Đương nhiên là người vi phạm sẽ phải đóng phạt theo mức độ vi phạm, nhưng rõ ràng cách xử lý như vậy chưa thật sự phù hợp và chắc chắn không giải quyết được bản chất vấn đề. Đây không còn là vi phạm hành chính đơn thuần, mà đã trở thành hành vi đe dọa nghiêm trọng tính mạng của người dân. Không có người thiệt mạng là do may mắn không có ai ở trong phạm vi xảy ra tai nạn. Trong khi lái xe là người trưởng thành, biết quy định pháp luật nhưng vẫn cố tình lái xe khi đã uống rượu bia với mức vi phạm nồng độ cồn nghiêm trọng. 

Mức phạt phải tương xứng hành vi vi phạm

Tại khoản 4, điều 260, BLHS quy định trường hợp vi phạm về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả: làm chết ba người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của ba người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này đạt 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. 

Cùng một bản chất sự việc và mức độ nguy hiểm, nhưng cách xử lý lại khác nhau do hậu quả khác nhau, mặc dù hậu quả khác nhau chỉ do yếu tố ngẫu nhiên thì đây là điều bất hợp lý về mặt quy định pháp luật. Xây dựng quy định pháp luật nhằm điều tiết bản chất hành vi, hành vi này dù chưa gây ra hậu quả vẫn phải bị xử lý một cách kịp thời, thích đáng và phù hợp với mức độ nguy hiểm. Khoản 4, điều 260 BLHS mặc dù đã quy định nhưng chưa đủ chi tiết, trong khi đó các văn bản hướng dẫn triển khai điều khoản này lại chưa rõ ràng. Điều này khiến cho các địa phương và cơ quan chức năng triển khai trong thực tế rất lúng túng, gần như không làm được gì trong tình huống tương tự như ở trên ngoài việc phạt tiền.  

Khi bàn về mức phạt tiền, cũng còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện. Rõ ràng điểm a, khoản 10, điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định, mức xử phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng cho hành vi điều khiển ô-tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở. Nghe mức phạt có vẻ rất cao, nhưng thực tế vẫn chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về nồng độ cồn khi lái xe. Ngoài ra, việc quy định đồng nhất mức độ phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất (mức III), tức là hơn 80 mg/100 ml máu (hơn 0,4 mg/lít khí thở) cũng chưa phản ánh được nguyên tắc cơ bản trong xử lý vi phạm hành chính là mức phạt phải phù hợp với mức độ vi phạm. Ngưỡng III thực tế chỉ ngang với ba đơn vị uống (khoảng ba lon bia hoặc ba chén rượu mạnh), đây là điểm bất hợp lý bởi một người uống tới 20 lon bia hoặc một chai rượu mạnh chỉ bị phạt tiền giống hệt người uống ba lon bia hoặc ba chén rượu mạnh, trong khi ai cũng nhận ra người lái xe đã uống 20 lon bia hoặc một chai rượu mạnh có nguy cơ gây TNGT chết người cao hơn rất nhiều lần. Bởi vậy, cần phải có thêm quy định về mức phạt vượt quá ngưỡng nêu trên, ngoài xử lý hành chính còn phải xử lý về hình sự. Trên thế giới, vượt qua ngưỡng 240 mg/100 ml máu (gấp ba lần mức III của Việt Nam hiện nay) sẽ bị xử lý rất nặng về hình sự, đây là ngưỡng mà Việt Nam có thể tham khảo. Đồng thời, cần tiếp tục có những mức phạt cao hơn, tương ứng mức độ vi phạm nồng độ cồn, thí dụ mức phạt 60 triệu đến 80 triệu đồng cho mức vi phạm nồng độ cồn từ 80 đến 180 mg/100 ml máu và mức từ 80 đến 100 triệu đồng cho mức vi phạm nồng độ cồn từ 180 đến 240 mg/100 ml máu.

Có thể một số người lo ngại, như vậy sẽ dẫn tới tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự nhưng theo quan điểm của chúng tôi, điều này hoàn toàn không có lý do phải e ngại. Chúng ta cần ứng xử với những vi phạm đúng với bản chất nguy hiểm của nó trong xã hội. Cái gì nguy hiểm, cần xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự, coi một số vi phạm nghiêm trọng (bản chất là vi phạm phải bị xử lý hình sự) ở mức vi phạm hành chính là điểm chưa thật sự hợp lý hiện nay của một số văn bản pháp luật có liên quan và điều này cần phải được điều chỉnh, sửa đổi trong thời gian tới. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu bổ sung sửa đổi BLHS và Bộ luật Dân sự theo hướng nâng cao mức đền bù cho bên bị hại, sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe cơ giới để có nguồn chi trả phù hợp với mức độ thiệt hại đối với những nạn nhân thiệt mạng do TNGT mà không phụ thuộc vào khả năng tài chính của người gây tai nạn. Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp phối hợp các cơ quan tư pháp nghiên cứu để có hướng dẫn sớm về khoản 4, điều 260 BLHS. Hy vọng các cơ quan quản lý sẽ có giải pháp rõ ràng, đúng với mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về nồng độ cồn khi lái xe và một số hành vi vi phạm về trật tự ATGT ở mức đặc biệt nguy hiểm tương tự khác trong thời gian tới.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG 

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)