Nhà nước - Pháp luật

Nỗ lực tuyên truyền phổ biến pháp luật

Với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp từng đối tượng, điều kiện cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thời gian qua được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác PBGDPL, nhận thức hiểu biết và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân Sóc Trăng ngày càng được nâng cao.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân vùng biên giới.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tới người dân vùng biên giới.

Tỉnh Sóc Trăng có hơn 35% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc hiểu biết và chấp hành pháp luật của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng biên giới còn hạn chế. Trước thực trạng đó, công tác PBGDPL luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện cho biết: Xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền triển khai phổ biến Chỉ thị số 32-CT/TW; Thông báo số 74-TB/TW; Kết luận số 04-KL/TW và Luật PBGDPL bằng nhiều hình thức như: hội nghị, sinh hoạt Ngày pháp luật, mở các cuộc thi, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong các cuộc họp... Qua đó, nhận thức của mỗi cán bộ, công chức, viên chức về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL được nâng lên và góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng Phạm Tuân, kết quả nổi bật của việc thực hiện Luật PBGDPL trong thời gian qua là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền miệng; trên cơ sở thành lập lực lượng tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc Khmer trong các điểm chùa gồm: các vị sư, a-cha, ban quản trị chùa, công chức cấp xã là người dân tộc Khmer... Lực lượng này thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật, thông qua đó tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng các tủ sách pháp luật trong các điểm chùa Khmer, xây dựng các chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn và phát hành các loại sổ tay pháp luật dưới hình thức hỏi đáp, đặt tình huống cụ thể để người dân dễ hiểu và dễ áp dụng...

Ðến nay, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức hơn 237.705 cuộc, với hơn 10 triệu lượt người tham dự các hình thức tuyên truyền như: hội nghị, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, hòa giải… cho các đối tượng là cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân về các nội dung văn bản pháp luật của T.Ư và địa phương ban hành, trong đó chú trọng các văn bản thiết thực có liên quan. Tỉnh đã cấp phát miễn phí hơn 46 triệu quyển sách pháp luật, tờ gấp tuyên truyền pháp luật. Dịch, in và phát hành 1.500 tài liệu pháp luật bằng tiếng Khmer cho đồng bào dân tộc Khmer với các nội dung pháp luật về giao thông, dịch bệnh, hôn nhân và gia đình, tín ngưỡng tôn giáo, khiếu nại, tố cáo, đất đai, các tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự. Ðồng thời, tổ chức 420 cuộc tuyên truyền pháp luật thông qua các tiểu phẩm, kịch, có lồng ghép tuyên truyền các quy định của pháp luật về đất đai, khiếu nại, tố cáo, hôn nhân và gia đình… Ðặc biệt là, lồng ghép tuyên truyền pháp luật vào những cuộc hòa giải, nhằm giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế được những vụ tranh chấp, vi phạm pháp luật và khiếu nại, khiếu kiện. Qua 550 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thông qua hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, với 69.600 lượt người tham dự, đã giúp cho các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với pháp luật và được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 14 Hội đồng phối hợp PBGDPL, mỗi Hội đồng có từ 17 đến 22 thành viên, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chủ tịch Hội đồng; lực lượng Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh là 112 người, cấp huyện là 281 người và tuyên truyền viên pháp luật là 1.935 người; đã thành lập 784 tổ hòa giải với 4.317 hòa giải viên. Ðã có 8 trong số 14 sở, ngành thành lập phòng pháp chế, các đơn vị còn lại bố trí cán bộ pháp chế phụ trách công tác PBGDPL…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Sóc Trăng vẫn còn một số hạn chế trong thực hiện công tác PBGDPL, như: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai; vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tích cực tham gia; chất lượng, hiệu quả của công tác PBGDPL chưa đồng đều; thời lượng và chất lượng phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Một số xã, phường và các cơ quan chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch và các giải pháp triển khai công tác PBGDPL phù hợp tình hình cụ thể của từng ban, ngành và đoàn thể địa phương. Ðội ngũ báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên ở các xã, phường thường xuyên thay đổi do bố trí công tác mới.

"Trên cơ sở đánh giá lại các hoạt động PBGDPL thời gian qua, UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Mục tiêu đề ra là, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng" - Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện khẳng định.

15 năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng gần 100 triệu chuyên mục và hơn 6.863 bản tin chính sách pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các ngành, địa phương đã tổ chức hơn 1.000 cuộc thi, với 74.304 lượt người tham dự các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Hiện nay, 109 xã, phường, thị trấn và tại 92 điểm chùa Khmer; các trường phổ thông và Ðồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh đều có Tủ sách pháp luật, có từ 100 đến 250 đầu sách với nhiều thể loại phong phú...