Chuyện pháp luật

Giúp người dân tiếp cận thông tin hiệu quả

Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) được thông qua ngày 6-4-2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Việc quán triệt, triển khai thi hành Luật TCTT nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; các cấp, các ngành tại nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Ðiện Biên đã chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

Ðiện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới nằm phía tây bắc của Tổ quốc. Tổng dân số của tỉnh khoảng 582 nghìn người; toàn tỉnh có 19 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm 38%, dân tộc Mông chiếm 34,8%, dân tộc Kinh chiếm 18,4%, dân tộc Khơ Mú chiếm 3,9% còn lại là các dân tộc khác, người dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% số dân trong tỉnh, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh năm 2018 chiếm 37,08%... Ngay từ năm 2018, Sở Tư pháp tỉnh đã phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang, thiết bị, bố trí nguồn lực để bảo đảm triển khai thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin kể từ khi luật có hiệu lực thi hành. Trong đó, đã lồng ghép phổ biến nội dung cơ bản của Luật TCTT thông qua các hội nghị phổ biến, tập huấn pháp luật. Sở Tư pháp đã biên soạn đề cương giới thiệu luật gửi đến các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh và đăng tải rộng rãi trên Trang thông tin điện tử của Sở để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân truy cập, tìm hiểu.

Sở Tư pháp cũng đã phối hợp Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh triển khai mô hình Ban thông tin cấp xã để thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin cơ sở tại hai xã Mường Phăng (huyện Ðiện Biên) và Ngối Cáy (huyện Mường Ảng), nhằm xây dựng mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, qua thực hiện Luật TCTT, hệ thống chính trị tại cấp xã trên địa bàn ngày càng hoàn thiện và từng bước nâng cao hiệu quả trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, một số lãnh đạo cơ sở các xã, huyện vùng đặc biệt khó khăn qua triển khai đã phản ánh những hạn chế hiện nay. Ðó là, nguồn kinh phí đầu tư cho các điều kiện bảo đảm TCTT của người dân còn thiếu, chưa đáp ứng được so yêu cầu thực tế. Cơ sở vật chất phục vụ việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức và việc tiếp cận pháp luật của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như trụ sở làm việc, máy vi tính, mạng in-tơ-nét...

Một trong những vấn đề đáng quan tâm khác trong quá trình triển khai là, việc xác định trách nhiệm thực hiện cung cấp thông tin thuộc về cơ quan nhà nước các cấp, trong đó có cán bộ đầu mối giúp thủ trưởng cơ quan thực hiện. Tuy nhiên, ở nhiều nơi chưa xác định rõ mô hình về cán bộ đầu mối; tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, dẫn đến tình trạng áp dụng không thống nhất, có những nơi giao cho cán bộ văn phòng, cán bộ tiếp công dân, công chức tư pháp cấp xã, cán bộ pháp chế ngành, hoặc cán bộ thanh tra thực hiện... Thời gian tới, nhiều ý kiến của cơ sở đề nghị, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện, ban hành bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về mô hình tổ chức của cán bộ đầu mối cung cấp thông tin tại các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, quy định rõ các tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ này nhằm bảo đảm áp dụng thống nhất, giúp các cơ quan, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, bố trí người có đủ năng lực, điều kiện làm nhiệm vụ. Ðồng thời, cần quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm nhằm bảo đảm thực hiện tốt các quy định (Ðiều 15) của luật, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc thực hiện Luật TCTT. Cụ thể hơn, cần quy định cụ thể về chế tài đánh giá, bình xét, xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không thực hiện đúng nhiệm vụ cung cấp thông tin theo quy định của luật, nhằm nâng cao và phát huy hết trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong hoạt động cung cấp thông tin.

Kể từ khi Luật TCTT có hiệu lực thi hành đã và đang đặt ra yêu cầu về sự hoàn chỉnh của các văn bản pháp luật chuyên ngành trong quá trình triển khai luật. Tại nhiều hội thảo khoa học chuyên ngành gần đây, các chuyên gia pháp luật nhận định: Trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, bảo đảm quyền TCTT vượt xa những nội dung, hình thức, đối tượng, phạm vi trong khuôn khổ truyền thống. Vì vậy, bên cạnh bảo đảm quyền TCTT phải được ghi nhận và thực thi một cách thực chất trong các lĩnh vực rộng lớn của đời sống xã hội, mặt khác đặt ra trách nhiệm rất lớn cho cơ quan, cán bộ nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền TCTT của cá nhân, quyền bảo mật thông tin cần thiết của cộng đồng và quản lý việc công khai thông tin một cách dân chủ, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.