VEPR: Tăng trưởng năm 2019 có thể đạt 6,9%

NDO -

NDĐT - Sáng 10-1, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách dự báo năm 2019 tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt tới 6,9%, tuy nhiên, rủi ro lạm phát vẫn cần phải được theo dõi chặt chẽ khi giá cả trên thị trường biến động thất thường, để có những phản ứng kịp thời trong thời gian tới.

PGS. TS Nguyễn Đức Thành phát biểu tại toạ đàm báo cáo đánh giá Kinh tế vĩ mô quý 4 năm 2018 do VEPR tổ chức, sáng 10-1, tại Hà Nội.
PGS. TS Nguyễn Đức Thành phát biểu tại toạ đàm báo cáo đánh giá Kinh tế vĩ mô quý 4 năm 2018 do VEPR tổ chức, sáng 10-1, tại Hà Nội.

Dư báo trên đưa ra tại buổi Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý 4 và cả năm 2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng nay tại Hà Nội

Cần tăng cường khả năng đối mặt với những bất ổn của thế giới

Dự đoán về tình hình kinh tế năm 2019, nhóm nghiên cứu của VEPR cho biết, trước tiến trình “bình thường hóa” chính sách tiền tệ từ các nước phát triển và nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang trong năm 2019, Việt Nam một mặt nên tiếp tục tiến trình cải thiện điều kiện thể chế - kinh tế trong nước, cải cách tài khóa và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mặt khác nên tập trung chuẩn bị các điều kiện về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để sẵn sàng đối mặt với những bất ổn từ kinh tế thế giới.

Theo đó cần điều hành tỷ giá một cách linh hoạt theo hướng thích ứng hay hấp thụ bớt các cú sốc từ bên ngoài. Thí dụ như chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của CNY so với USD qua đó giúp Việt Nam cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại bằng việc tận dụng hai thị trường lớn đã nêu.

Hơn nữa cần giảm tỷ lệ đòn bẩy (deleveraging), điều tiết và giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao sức khỏe của hệ thống tài chính. Tuy các ngân hàng đã có những nỗ lực xử lý nợ xấu trong thời gian qua, rủi ro về chu kỳ nợ xấu mới vẫn là tiềm tàng với hệ thống tổ chức tài chính của Việt Nam khi tín dụng đổ vào các lĩnh vực rủi ro như BOT, BT và bất động sản (BĐS), và gần đây là tín dụng tiêu dùng trên thực tế vẫn cao.

Ngoài ra cần thận trọng hơn với tăng trưởng cung tiền (khống chế trong khoảng 12%/năm). Tuy tổng phương tiện thanh toán có xu hướng tăng chậm lại trong những năm gần đây, tỷ lệ M2/GDP của Việt Nam hiện vẫn đạt khoảng 170%. Trong bối cảnh Ngân hàng nhà nước (NHNN) vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức thấp, việc giảm tỷ lệ cung tiền sẽ giúp cho Việt Nam có thêm dư địa chính sách tiền tệ để ứng phó với những cú sốc từ bên ngoài.

Bên cạnh đó cần từng bước xây dựng đệm tài khóa. Khi nguồn vay ODA ngày càng càng hạn chế, Việt Nam phải dựa nhiều vào nguồn nội lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển. Điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua việc thu gọn, tinh giản và sắp xếp lại bộ máy chính quyền để giảm chi thường xuyên. Qua đó, thâm hụt ngân sách sẽ dần được cắt giảm và tạo được “đệm tài khóa” nhằm tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới.

Tăng trưởng cao nhất trong thập kỷ vừa qua

Nhìn lại năm 2018, nhóm nghiên cứu VEPR cho biết, số liệu công bố của Tổng cục thống kê cho thấy kinh tế quý 4-2018 tăng trưởng ở mức 7,31%. Tính chung cả năm 2018, GDP ước tăng 7,0,8%, tốt nhất trong thập kỷ vừa qua sau khủng khoảng tài chính 2008-2009.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 7,03%, trong đó ngành bán buôn và bán lẻ tiếp tục là ngành tăng trưởng nhanh nhất khu vực (8,51%), đóng góp 0,92 điểm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Du lịch là điểm sáng với lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 vượt con số 15 triệu.

Ngành nông – lâm – ngư nghiệp tăng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018 (3,76%). Xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Mỹ tăng 15% (từ 2,38 lên 2,74 tỷ USD). Xuất khẩu sang Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, giảm 13% (từ 3,12 xuống còn 2,72 tỷ USD).

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng khá (8,85%). Ngành công nghiệp chế tác tiếp tục tăng trưởng cao (12,98%). Tuy nhiên ngành khai khoáng bị thu hẹp với mức tăng trưởng 3,11% (thấp hơn mức 7,1% của năm 2017).

Các chỉ số sản xuất công nghiệp cũng cho thấy sự khả quan trong quý 4 và cả năm 2018 nói chung. Tính riêng trong quý 4, chỉ số công nghiệp (IPI) tăng 9,4%, cả năm 2018 tăng 10,2%. Ngành công nghiệp chế tác tiếp tục dẫn đầu với mức tăng 12,3%. Chỉ số tiêu thụ tăng 12,4%, tuy nhiên chỉ số tồn kho tăng cao lên mức 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh, số việc làm giảm nhẹ. Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) cho thấy dấu hiệu phục hồi, tháng 11 đạt 56,5 (cao thứ hai trong lịch sử thống kê).