Nghiên cứu đề xuất Nhà nước nắm 100% vốn Sở GDCK Việt Nam

NDO -

NDĐT - Về ý kiến Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam nên là Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sẽ nghiên cứu ý kiến này và cũng có thể tiếp thu báo cáo Quốc hội trong lộ trình sắp xếp hai Sở GDCK hiện tại thành Sở GDCK Việt Nam.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên thảo luận hội trường ngày 22-10. (Ảnh: CHƯƠNG LINH)
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên thảo luận hội trường ngày 22-10. (Ảnh: CHƯƠNG LINH)

Điều hành phiên thảo luận tại hội trường ngày 22-10, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, “có ý kiến đề nghị ghi Sở GDCK Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đồng thời ghi rõ luôn là công ty mẹ và công ty con. Vấn đề đó có cần thiết không, các vị đại biểu thảo luận”.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Lê Thanh Vân đoàn Cà Mau cho biết, tại Điều 42 và Điều 45 có đề cập quyền và nghĩa vụ của Sở GDCK, nhưng mới chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của Sở GDCK Việt Nam. Trong khi đó mô hình này theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ ở Quyết định số 32 là mô hình công ty mẹ - con, chúng ta chỉ quy định mẹ mà không quy định con, trong khi công ty còn lại là công ty trực tiếp thực hiện các giao dịch chứng khoán, thực hiện khớp lệnh mua bán chứng khoán, điều này trực tiếp tác động đến quyền và lợi ích của những người tham gia chứng khoán là người dân chúng ta lại không chế định nó vào luật.

“Chúng ta đã trao cho Thủ tướng quyền thành lập về tổ chức thì cũng nên trao cho Thủ tướng quyền quy định cho nó nhiệm vụ, thẩm quyền cụ thể để bảo đảm tính nhất quán trong tổ chức về thị trường, đây là thị trường đặc biệt. Ở đây chúng ta chỉ quy định có tính nguyên tắc còn văn bản của Thủ tướng sẽ quy định cụ thể”, vị đại biểu đoàn Cà Mau đề nghị.

Về đề nghị của đại biểu đoàn Cà Mau, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong Điều 43 khoản 1 quy định rõ là Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ cấu tổ chức, quản lý của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp. Như vậy cũng là giao quyền cho Thủ tướng.

Cũng đóng góp ý kiến về mô hình SGDCK Việt Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị “Sở SGDCK Việt Nam trong lần điều chỉnh Luật này nên xem xét có thể quy định các nội dung đã được quy định trong Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 1-2019. Theo đó, SGDCK Việt Nam phải hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV với 100% vốn ngân sách nhà nước và tổ chức theo hình thức công ty mẹ - con. Không nên quy định 50 hay trên 40%, vì đây là điều rất nguy hiểm”.

Nghiên cứu đề xuất Nhà nước nắm 100% vốn Sở GDCK Việt Nam ảnh 1

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: CHƯƠNG LINH)

Còn đại biểu Hoàng Văn Cường đoàn TP Hà Nội cho biết, dự thảo luật quy định thành lập Sở GDCK Việt Nam là công ty, ở dưới thành lập công ty con như thế nào thì do công ty mẹ quyết định chức năng, mức độ độc lập.

“Trong dự thảo luật chỉ quy định thành lập Sở GDCK Việt Nam và không quy định công ty con, công ty mẹ như thế nào là phù hợp, và nên giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết hơn”, vị đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc thành lập mô hình Sở GDCK Việt Nam là phù hợp với thông lệ và Luật Doanh nghiệp, song Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết việc thành lập Sở GDCK Việt Nam là tổ chức lại hai Sở Giao dịch hiện tại, không phải là thành lập Sở Giao dịch mới, nên việc nói “mẹ - con” dễ gây hiểu lầm là quyền, trách nhiệm của Sở GDCK Việt Nam với hai Sở GDCK hiện nay.

Về ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân về Sở GDCK Việt Nam nên là Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn, Bộ trưởng Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu ý kiến này và cũng có thể tiếp thu báo cáo Quốc hội trong lộ trình sắp xếp hai Sở GDCK hiện tại thành Sở GDCK Việt Nam từ nay đến năm 2023.

Chắc là trong 5 năm tới chưa cổ phần hóa được Sở này, theo thông lệ quốc tế thì các Sở GDCK là cổ phần, thậm chí là tư nhân nhưng trong điều kiện của chúng ta thị trường đang phát triển và đang sắp xếp, củng cố tổ chức thì chúng tôi cho rằng nên kế thừa, ổn định để bảo đảm ổn định thị trường trong điều kiện chúng ta đang yêu cầu phát triển cao và hội nhập. Vì vậy đây là ý kiến rất cần phải nghiên cứu, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.