MBS: Ước tính từ 4.000 đến 13.000 tỷ đồng sẽ chảy vào TTCK Việt Nam vào năm 2020

NDO -

NDĐT - Với kịch bản thuận lợi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp vào 2020, ước tính giá trị dòng vốn thụ động chảy vào thị trường Việt Nam đạt trong khoảng từ 4.000 đến 13.000 tỷ đồng.

(Ảnh minh họa: HSX).
(Ảnh minh họa: HSX).

Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết trong báo cáo chuyên đề về FTSE Russell - nhà cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu có trụ sở ở London, Anh - đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng.

Theo MBS, căn cứ vào bảng đánh giá chất lượng thị trường Việt Nam của FTSE được công bố vào tháng 3-2018, có thể thấy Việt Nam đã đạt toàn bộ những tiêu chí chất lượng của một thị trường mới nổi thứ cấp với 10/21 tiêu chí đạt chuẩn (yêu cầu của FTSE là 9/21 tiêu chí đạt chuẩn).

Điểm hạn chế của Việt Nam là vị thế kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chỉ ở mức Trung bình thấp (2.170 USD/người năm 2017) và xếp hạng tín nhiệm vẫn ở hạng Đầu cơ. Vì vậy, để có thể được nâng hạng, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thị trường, báo cáo MBS cho biết.

Lưu ký, thanh toán và môi trường giao dịch đạt chuẩn

Theo báo cáo của MBS, Việt Nam đã đạt chuẩn 10 tiêu chí trong đó phần lớn là các tiêu chí về lưu ký, thanh toán và môi trường giao dịch. Đối với bảy tiêu chí về môi trường quy định và pháp lý, Việt Nam mới chỉ đạt chuẩn hai tiêu chí là có cơ quan quản lý thị trường; áp dụng hình phạt đối với các hoạt động đầu tư.

MBS: Ước tính từ 4.000 đến 13.000 tỷ đồng sẽ chảy vào TTCK Việt Nam vào năm 2020 ảnh 1

(Nguồn: MBS)

Đặc biệt, chu kỳ thanh toán T+2 là một tiêu chí đạt chuẩn theo đánh giá của FTSE do đảm bảo tính an toàn trong hoạt động mua bán và thanh toán cổ phiếu.

Trong tám tiêu chí còn hạn chế, có năm tiêu chí thuộc về mảng môi trường quy định pháp lý bao gồm: Đối xử công bằng với cổ đông thiểu số; Quyền sở hữu nước ngoài; Thị trường vốn tự do và phát triển tốt; Thị trường ngoại hối tự do và phát triển tốt; Đơn giản hóa quy trình đăng ký cho nhà đầu tư nước ngoài. Các tiêu chí bị hạn chế còn lại nằm trong mảng môi trường giao dịch, trong đó Việt Nam còn hạn chế trong hoạt động cho vay chứng khoán, giao dịch hoạt động giao dịch phi tập trung (OTC) và cơ chế giao dịch hiệu quả.

Theo MBS, các tiêu chí Việt Nam có thể cải thiện: đối xử công bằng với cổ đông thiểu số; cải thiện quyền sở hữu nước ngoài; thị trường vốn tự do và phát triển tốt (nâng cao giá trị vốn hóa, thanh khoản thị trường); đơn giản hóa quy trình đăng ký cho nhà đầu tư nước ngoài; cải thiện hoạt động giao dịch phi tập trung; nâng cao cơ chế giao dịch hiệu quả.

Đối với các tiêu chí “Cho vay chứng khoán”, “Bán khống” và “Tự do thị trường ngoại hối” chưa phải là bắt buộc để phục vụ mục đích nâng hạng thị trường, MBS cho biết.

Nếu thuận lợi, tháng 3-2020 sẽ nâng hạng

Theo MBS, với kịch bản thuận lợi, tháng 3-2020 FTSE sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp và tháng 9-2020 Việt Nam mới chính thức vào rổ chỉ số các thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE.

Với giả thiết tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số FTSE các thị trường mới nổi phụ thuộc vào giá trị vốn hóa rổ chỉ số FTSE Vietnam Index, ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE Emerging markets Index sẽ vào khoảng 0,3%.

Dựa trên giá trị tổng tài sản một số quỹ ETF sử dụng chỉ số FTSE Emerging Markets làm tham chiếu và giá trị dòng vốn thụ động ước tính chảy vào các quốc gia đã được nâng hạng như Arab Saudi, MBS ước tính, “giá trị dòng vốn thụ động chảy vào thị trường Việt Nam đạt trong khoảng từ 184 triệu USD đến 555 triệu USD” (tương đương với khoảng 4.000 tỷ đến 13.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên theo MBS, còn quá sớm để ước tính một con số chính xác hay một khoảng cụ thể về dòng vốn được thu hút vào thị trường Việt Nam sau khi được nâng hạng, bởi tỷ trọng của của quốc gia và số cổ phiếu được đưa vào danh mục sẽ phụ thuộc lớn vào giá trị vốn hóa thị trường và thanh khoản tại thời điểm Việt Nam được đưa vào rổ chỉ số. Bên cạnh đó, quy mô dòng vốn chủ động chảy vào thị trường sẽ phụ thuộc lớn vào độ hấp dẫn của Việt Nam và các thị trường mới nổi tại thời điểm vào rổ.

“Việc được đưa vào danh sách theo dõi không đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi, tuy nhiên điều này sẽ cho thấy việc nâng cao chất lượng thị trường đang được ghi nhận, đồng thời có những định hướng để cải thiện thị trường trong tương lai”, MBS chú thích.

MSCI và FTSE Russell là hai công ty lớn nhất cung cấp các chỉ số thị trường toàn cầu được các quỹ ETFs sử dụng rộng rãi trên thế giới. MSCI cung cấp các chỉ số được sử dụng làm chỉ số tham chiếu của 250 quỹ ETFs, còn FTSE Russell cung cấp chỉ số cho 156 quỹ ETFs. Đối với các thị trường mới nổi chỉ số FTSE Emerging Markets chỉ được sử dụng làm chỉ số tham chiếu của 6 quỹ với tổng tài sản 5,16 tỷ USD.

Cũng tương tự MSCI, việc thay đổi xếp hạng, bổ sung hoặc loại bỏ một cổ phiếu/thị trường/quốc gia trong một danh mục sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số chứng khoán của FTSE, dẫn đến sự điều hướng dòng tiền của các quỹ ETFs và các quỹ đầu tư khác sử dụng chỉ số chứng khoán đó làm chỉ số tham chiếu. Vì vậy, các quyết định xếp hạng thị trường, quốc gia của cả hai công ty này đều được các nhà đầu tư quốc tế đặc biệt chú ý.

* TTCK Việt Nam được vào danh sách theo dõi nâng hạng