Cú đảo chiều ấn tượng của dòng vốn ngoại

NDO -

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay chứng kiến một đợt rút vốn khổng lồ gợi nhớ lại thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên giữa giông bão, các quyết sách đúng đắn trong chống dịch Covid-19 đã đảo chiều hiệu ứng rút vốn ồ ạt của dòng vốn ngoại ngay trước đó.

(Ảnh minh họa: Reuters)
(Ảnh minh họa: Reuters)

Hiệu ứng từ những dự báo sai

Dịch Covid-19 được ghi nhận tại Trung Quốc từ tháng 12-2019 và đến tháng 1-2020 vẫn chưa có dấu hiệu lan sang các quốc gia khác.

Tuy nhiên tình hình dịch bệnh gia tăng tại Trung Quốc cùng với sự phong tỏa nguyên một thành phố đã khiến các tổ chức quốc tế lo ngại về sự ảnh hưởng dây chuyền. Việt Nam là một trong những nước có chung đường biên giới với Trung Quốc, quan hệ xuất nhập khẩu cũng như giao thương du lịch rất lớn với quốc gia tỷ dân này.

Không có gì bất ngờ khi nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã phát đi những cảnh báo về rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam.

Ngân hàng ANZ ngay từ đầu tháng 2-2020 đã cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 1-2020 sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bùng phát của dịch Covid-19, chủ yếu thông qua hoạt động thương mại và du lịch với Trung Quốc trượt dốc. GDP quý 1-2020 có thể mất 0,8%.

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cũng cho rằng trong kịch bản xấu nhất GDP Việt Nam có thể mất hơn 3,7 tỷ USD và khoảng 750.000 việc làm. Trong đó, khu vực kinh doanh - thương mại và dịch vụ công thiệt hại nặng nhất với hơn 1 tỷ USD, tiếp đó là vận tải (922 triệu USD) và khu vực sản xuất - xây dựng (836 triệu USD)...

Các phân tích mặc dù còn chưa hợp lý, mà chỉ mang tính dự đoán và tính thời điểm là chính. Tuy nhiên đối với các tổ chức đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, các đánh giá này rất có trọng lượng. Khi đó tuy dịch Covid-19 mới bó hẹp ở Trung Quốc, Việt Nam đã bị đánh giá về rủi ro quốc gia.

Ngay lập tức xuất hiện làng sóng bán ròng cổ phiếu cực mạnh trên thị trường chứng khoán vì các tổ chức đầu tư toàn cầu phân bổ vốn theo thị trường, sẵn sàng cơ cấu lại tỷ trọng trên cơ sở đánh giá rủi ro chung.

Hiện tượng dòng vốn ngoại có thể thấy rất rõ trong hai tháng đầu năm 2020. Tháng 1-2020, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trên sàn HSX tới hơn 1.700 tỷ đồng giá trị cổ phiếu.

Ngay sau khi thị trường mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán, dòng vốn ngoại đã rút đi ồ ạt và tháng 2-2020 ghi nhận mức bán ròng cổ phiếu tới gần 1.900 tỷ đồng, tức là mất toàn bộ lượng vốn vào ròng trong tháng 1 và còn âm thêm.

Sau khi khống chế thành công các ca nhiễm đầu tiên và nhiều ngày không có thêm ca nhiễm mới, đến đầu tháng 3 thị trường chứng khoán Việt Nam lại chịu cú sốc kế tiếp khi xuất hiện ca nhiễm mới.

Dịch bệnh cũng bắt đầu lan rộng ra rất nhiều quốc gia khác trên thế giới và dòng vốn đầu tư các tài sản rủi ro tháo chạy trên toàn cầu. Rủi ro khi đó không còn riêng ở Việt Nam nữa và trong 2 tháng kế tiếp, thị trường chứng khoán bị rút đi lượng vốn khổng lồ tới gần 13.800 tỷ đồng chỉ riêng với cổ phiếu sàn HSX.

Dòng vốn đang trở lại

Hiện tượng bán ròng trên thị trường chứng khoán với đánh giá rủi ro tác động của dịch Covid-19 chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư chủ động đa quốc gia cũng như quỹ ETF vốn có khả năng rút vốn linh hoạt. Ngược lại, các quỹ đầu tư chuyên biệt vào thị trường Việt Nam hầu như chỉ cơ cấu lại danh mục.

Cú đảo chiều ấn tượng của dòng vốn ngoại -0
 (Ảnh minh họa: Reuters)

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI, dòng vốn nước ngoài của các quỹ đầu tư chủ động (active fund) đóng góp khá nhỏ bé trong đợt hồi phục hiện tại và có sự cải thiện trong những tuần gần đây. Dòng vốn các quỹ đầu tư có trở lại thị trường Việt Nam trong tháng 5.

Trong khi đó tỷ trọng tiền mặt của các quỹ đầu tư chủ động ở Việt Nam lại tăng. Tỷ trọng tiền mặt của quỹ VEIL (của Dragon Capital) – quỹ chủ động lớn nhất tại thị trường Việt Nam đã liên tục tăng từ đầu tháng 3 (1.31% AUM) đến giữa tháng 5 (6.38% AUM) nhưng giảm mạnh sau đó, hiện ở mức 1.84% AUM cho thấy quỹ này đã tái cơ cấu mạnh danh mục đầu tư.

Một quỹ lớn khác là VOF (của Vinacapital) duy trì tỷ trọng tiền mặt tại cuối tháng 5 là 5.6%, cao hơn mức 4.4%-5.0% của giai đoạn tháng 3 và tháng 4, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức đầu năm là 6.4% AUM. Một số quỹ khác cũng gia tăng tỷ trọng tiền mặt mạnh vào tháng 3 nhưng đã giải ngân trở lại trong tháng 4.

Hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam hầu như không bị ảnh hưởng đối với các thương vụ góp vốn cổ phần. Đây là hoạt động đầu tư lâu dài và dịch bệnh chỉ là rắc rối ngắn hạn.

Điển hình là trong tháng 5 và tháng 6, xuất hiện hai thương vụ mua cổ phần lớn. Thương vụ đầu tiên là quỹ Ardolis Investment Pte Ltd của Singapore mua gần 39 triệu cổ phiếu Masan (MSN) ngày 14-5 trị giá hơn 2.355 tỷ đồng.

Thương vụ thứ hai là quỹ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) mua 201 triệu cổ phiếu Vinhome (VHM) trị giá 15.099 tỷ đồng ngày 15-6. Chỉ riêng hai thương vụ này đã lớn hơn tất cả quy mô rút vốn cộng dồn của các hoạt động giao dịch còn lại trên thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, dòng vốn nước ngoài cũng đang quay trở lại với các quỹ ETF. Quỹ ETF ngoại lớn nhất đang đầu tư vào Việt Nam là V.N.M trong 5 tháng đầu năm 2020 đã bị rút đi khoảng 42,84 triệu USD. Tuy nhiên từ đầu tháng 6 đến nay lại hút ròng trở lại 8,3 triệu USD.

Hai quỹ ETF nội mới xuất hiện cũng đang hút vốn rất mạnh: Quỹ SSIAM VNFIN Lead ETF đã gia tăng giá trị tài sản gấp 2,6 lần chỉ trong 3 tháng hoạt động và trong tháng 6 thu hút 208 tỷ đồng. Quỹ VFMVN Diamond ETF cũng gia tăng quy mô danh mục lên 1.400 tỷ đồng với riêng tháng 6 hút được hơn 720 tỷ đồng.

Việc khống chế thành công dịch Covid-19 đang tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh hơn các quốc gia khác. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất ngày 24-6 vừa qua vẽ nên bức tranh còn u ám hơn hồi đầu năm khi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức -4,9% trong năm nay.

Nhiều quốc gia cũng bị hạ dự báo tăng trưởng nhưng riêng Việt Nam vẫn được giữ nguyên dự báo tăng 2,7% và tăng 7% trong năm 2021 và là mức tăng trưởng cao nhất châu Á. Nền kinh tế giữ được ổn định và có triển vọng tăng trưởng mạnh hậu Covid-19 là sức hấp dẫn lớn nhất và là bệ đỡ đối với thị trường chứng khoán.

Thực tế dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng 2020 vẫn đạt tới 16 tỷ USD. Nếu như đầu tư gián tiếp (FII) trên thị trường chứng khoán là dòng vốn vào nhanh ra nhanh thì FDI chính là sự cam kết lâu dài dựa trên sự tin tưởng vào ổn định vĩ mô của Việt Nam.