Cần giữ vững tâm lý khi giá vàng tăng đột biến

NDO -

NDĐT - Giá vàng trong nước chiều 24-2 đã lập đỉnh mới ở mốc tiệm cận 50 triệu đồng/lượng, vượt xa cả mức kỷ lục cũ từng thiết lập năm 2011 là 49 triệu đồng/lượng. Trước bối cảnh giá vàng tăng cao bất thường, đã xuất hiện tình trạng người dân đi mua vàng nhiều hơn so với thời điểm trước đó.

(Ảnh minh họa: Reuters)
(Ảnh minh họa: Reuters)

Tăng nhanh thì giảm mạnh

Trên thị trường vàng thế giới, chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 23,8 USD/ozt lên 1.643 USD/ozt. Sang phiên châu Á, sáng 24-2, vàng tiếp tục vọt lên và tiến sát mốc 1.670 USD/ozt, tương ứng tăng thêm 27 USD/ozt.

Vàng tăng mạnh thể hiện sự lo ngại đối với việc dịch Covid-19 đang lây lan sang nhiều nước khác ngoài Trung Quốc. Giá vàng miếng và cả vàng trang sức, vàng ép vỉ đều tăng theo nhịp của giá vàng thế giới.

Riêng trong ngày 24-2, toàn hệ thống của DOJI ghi nhận đã bán ra hơn 3.500 lượng vàng bao gồm cả vàng miếng SJC và nữ trang trong khi đó lượng mua vào hầu như không có.

Giá vàng trong nước tính tới chiều ngày 24-2 đã tăng vọt lên mức trên 49 triệu đồng/lượng, tăng hơn 3 triệu đồng một lượng so với đầu giờ sáng.

Đây cũng là mức tăng trong một ngày lớn nhất từ trước tới nay, vượt xa cả các biến động của năm 2011 khi giá vàng cũng có những biến động tương tự như ngày 24-2 vừa qua.

Phiên sáng 25-2, giá vàng thế giới giao dịch ở ngưỡng 1.654 USD/ozt, tương đương khoảng 46,5 triệu đồng/lượng.

Trong nước, giá vàng Rồng Thăng Long giao dịch ở mức 46,35-47,65 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 790.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 890.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên chiều 24-2.

Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 46,40-47,40 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 750.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên chiều 24-2.

Tại thị trường miền Bắc, thời điểm 9 giờ ngày 25-2, giá vàng SJC tại Hà Nội được Công ty cổ phần SJC Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 46,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,82 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 1.300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 1.180.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên chiều ngày 24-2.

Các chuyên gia nhận định, nhu cầu thực tế về vàng hiện nay không cao, nhưng trước những biến động từ thị trường vàng thế giới, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước có quyền đẩy giá lên để dự phòng rủi ro khi mua lại. Nếu người dân không tỉnh táo sẽ bị thiệt hại khi đầu cơ vào vàng trong thời điểm này.

Theo các chuyên gia, giá vàng trong nước tăng theo đà tăng của giá vàng thế giới nhưng không cùng biên độ vì nguồn cung vàng trong nước bị hạn chế do không được nhập khẩu vàng. Ngoài ra, doanh nghiệp nếu bán vàng ra thì phải tự thu mua lại trên thị trường tự do để cân đối nên giá vàng trong nước không liên thông với giá vàng quốc tế nữa.

Khi có một biến động bất thường trên thế giới, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thường được kéo ra rất xa nhằm bảo đảm an toàn của các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Do vậy, không ngạc nhiên khi có lúc giá vàng trong nước chênh lệch 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng nhận định: “Hiện giá vàng trong nước chịu tác động bởi dịch Covid-19 thông qua giá vàng thế giới. Nhà đầu tư quốc tế thường tìm đến vàng làm nơi trú ẩn an toàn cho tài sản trước các sự kiện đột ngột.”

“Khác với thời điểm năm 2011, giá vàng tăng có một phần do người dân đổ xô đi mua bán tạo bong bóng, vừa rồi giá vàng chủ yếu là khách quan do biến động của giá vàng thế giới chứ không phải là do người dân đi mua bán nhiều” – TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

“Cần lưu ý khi giá vàng tăng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nếu đã mua vàng thì người dân phải theo dõi thị trường vàng thường xuyên và những biến động từ giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, tuyệt đối không bao giờ đầu tư vàng từ các nguồn tiền lương hay thu nhập từ kinh doanh để tránh ảnh hưởng đến đời sống” – TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, khoản tiền đầu tư vào vàng phải là nguồn tiền nhàn rỗi và danh mục đầu tư vàng chỉ nên chiếm 1/3 khoản tiền đó, phần còn lại thì nên gửi tiết kiệm hoặc đầu tư các kênh tài chính khác.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý thị trường vàng là một thị trường có nhiều biến động và là một kênh đầu tư phức tạp, ngay cả đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng có thể gặp phải các rủi ro.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đánh giá: “Giao dịch mua, bán vàng miếng thị trường trong nước vẫn diễn ra bình thường. Giá vàng trong nước thời kỳ đầu bám sát và nhiều thời điểm thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi”.

“Với việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thị trường vàng đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng ”vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát” – ông Minh chia sẻ.

“NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp vào thị trường vàng khi cần thiết” – Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết.