Tiếp nối một thú chơi tao nhã

Gọt thủy tiên là thú chơi tinh tế, cầu kỳ. Phải chăm nom, tỉ mỉ tách tỉa thì củ thủy tiên mới "trổ mã" và cho vẻ đẹp "ngũ tuyệt" (vẻ đẹp của rễ, lá, hoa, dáng và hương thơm). Nếu khéo, cũng phải mất năm đến bảy năm người ta mới có thể thành công. Ấy thế mà, ở Hà Nội có một người hái được trái ngọt từ lần gọt đầu tiên. Nếu nghệ nhân Nguyễn Phú Cường được coi là bậc "kỳ nhân" trong lớp người cao tuổi, thì Nguyễn Việt Bắc là "kỳ nhân" của thế hệ mới, đang nối tiếp thú chơi tao nhã của người Hà Nội.

Anh Nguyễn Việt Bắc chăm sóc chậu hoa thủy tiên.
Anh Nguyễn Việt Bắc chăm sóc chậu hoa thủy tiên.

Gọt thủy tiên là thú chơi của người Hà Nội xưa. Các nhà văn Vũ Bằng, Nguyễn Tuân đều dành những trang văn đẹp nhất khi viết về hoa thủy tiên. Khi viết về cuộc thi hoa thủy tiên nở đúng giao thừa, Nguyễn Tuân còn kể lại chuyện có người rút đồng hồ quả quýt ra chỉnh lại theo đúng giờ hoa nở. Vẻ đẹp của hoa thủy tiên được ví là vẻ đẹp vẹn toàn, đẹp từ rễ, lá, hương, hoa và dáng cây. Từ lúc bắt tay vào gọt thủy tiên, đến lúc nở hoa, ngày nào cũng phải "thăm" hoa đến vài lần. Thủy tiên là thú chơi đặc biệt, cũng hiếm người không đặc biệt lại gắn bó với thú chơi này. Nguyễn Việt Bắc là người như thế. Không ai nghĩ anh ở độ tuổi 8x. Một phong cách chậm rãi, ăn nói thủng thẳng. Anh là chủ quán Thưởng trà, một quán trà nhỏ trên phố Tông Ðản, nhưng rất nổi tiếng trong giới mê trà. Nếu nghe người có nghề nói về thú chơi hoa thủy tiên, hầu như ai cũng "ngại" về sự cầu kỳ. Nghệ nhân Nguyễn Phú Cường là người khôi phục thú chơi hoa thủy tiên sau mấy thập kỷ bị mai một ở Hà Nội thường nói đùa: Còn hơn cả chăm con mọn. Ấy thế mà Nguyễn Việt Bắc lại thành công ngay ở lần gọt đầu tiên. Cộng đồng chơi hoa thủy tiên ở Hà Nội bây giờ đã mở rộng, nhiều người khéo nghề, nhưng không mấy ai không nể Việt Bắc.

Bạn bè tôi có mấy người gọt thủy tiên. Lần đầu biết đến việc gọt thủy tiên là vào cuối năm 2016, khi mọi người chuẩn bị cho Tết Ðinh Dậu. Tôi được anh em dẫn đến nhà nghệ nhân Nguyễn Phú Cường chơi, quan sát cách mọi người làm và năm sau gọt thử, rất may là đã thành công", Việt Bắc nhớ lại. Câu chuyện nghe có vẻ đơn giản. Nhưng đằng sau đấy là cả một câu chuyện khác. Hoa thủy tiên khó tính. Từng chiếc lá, cọng rễ thay đổi từng giờ trong ngày theo sự thay đổi của ánh sáng. Chưa kể kỹ thuật gọt. Thủy tiên thuộc họ hành, ban đầu là củ, cũng có nhiều lớp như củ hành tây. Người gọt phải tác động thế nào, vào thời điểm nào vào mầm lá khi gọt thì sau này, khi lá cây trưởng thành, mới tạo những dáng, những thế như mong muốn. Muốn rễ đẹp, còn phải thay nước, chải rễ hằng ngày. Việt Bắc bảo, muốn làm được điều đó, thì phải hiểu, phải làm bạn, phải tương tác với thủy tiên từ khi còn là củ đến khi nảy mầm rồi trưởng thành. Tất nhiên, phải có một bàn tay khéo léo. Việt Bắc vốn học về kỹ thuật, sau đó anh bỏ nghề, chuyển sang nghiên cứu môi trường sinh thái của thực vật. Anh đến với trà, vì trà là một đối tượng cụ thể. Những kiến thức dày dặn về thực vật khiến anh giải mã nhiều vấn đề mà người gọt thủy tiên bằng kinh nghiệm phải vất vả mới tìm ra, mới giải thích được vì sao. Thủy tiên "chuẩn xưa" là lá phải cong chứ không vươn thẳng như cây hành. Nhát gọt thủy tiên, chính là làm chiếc mầm lá bị tổn thương, không thẳng lên được nữa. Kiến thức thực vật khiến anh chủ động về mức độ tác động, chủ động với hướng cong vẹo của từng chiếc lá. Việt Bắc chia sẻ thêm: "Gọt thủy tiên là quá trình dưỡng củ thủy tiên trong điều kiện nó bị tổn thương. Tôi tiếp cận thú chơi từ góc độ khoa học, cho nên khi cây bị bệnh cũng dễ dàng lý giải được vấn đề nằm ở đâu, môi trường nước, ánh sáng, gió hay lượng dưỡng chất có phù hợp hay không".

Mặc dù đến với thủy tiên từ góc độ khoa học, nhưng chính sự "đỏng đảnh" và vẻ đẹp vẹn toàn của thủy tiên làm Việt Bắc say mê. Công việc thường ngày hết sức bận bịu, nhưng năm nào Việt Bắc cũng cùng một số anh em đi khắp Hà Nội tìm chọn cho được củ thủy tiên bảo đảm chất lượng rồi mới gọt. Có điều đáng tiếc là củ thủy tiên phải nhập từ nước ngoài về, cho nên không phải khi nào cũng tìm được củ ưng ý. Khi đã tổn thương, củ thủy tiên dễ bị thối. Dáng hay lá cây thay đổi theo điều kiện ánh sáng. Nếu không chăm, dễ bị phá thế. Thủy tiên có mầu trắng nhưng độ sáng không đồng đều. Ðẹp nhất là cánh hoa phải trắng tinh khôi, phải nhìn thấy độ trong của cánh hoa và phải có màu lấp lánh như kim tuyến. Ðấy là câu chuyện của sự cầu kỳ, tỉ mỉ.

Nhiều người đặt hàng Việt Bắc để có hoa thủy tiên chơi Tết, nhưng anh không nhận lời ai. Giá nào cho phù hợp một bát thủy tiên như thế là rất khó. Anh muốn giữ đó là một thú chơi. Những ai mê vẻ đẹp thì hãy tìm đến. Từ lúc gọt đến lúc thủy tiên nở hoa là khoảng hơn 20 ngày. Và năm nay, Tết Nguyên đán đến sớm, khi chuẩn bị đón Tết Dương lịch cũng là khi mùa thủy tiên mới bắt đầu với Việt Bắc cùng những người đam mê vẻ đẹp thanh khiết, vẹn toàn.