Nối nghiệp rối Chàng Sơn

Chưa đầy 40 tuổi, nhưng anh Nguyễn Văn Viên đã khá nổi tiếng ở lĩnh vực múa rối nước. Anh là thế hệ thứ sáu trong dòng họ có nhiều đời làm Trùm Phường rối nước Chàng Sơn. Tình yêu, trách nhiệm với quê hương đã khiến anh gắn bó với những con rối; từ đó cải tiến, sáng tạo để các tiết mục rối trở nên sinh động hơn.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Viên bên con rối nước.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Viên bên con rối nước.

Nhiều người nghĩ có lẽ vị Phó trưởng Phường rối nước Chàng Sơn (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) Nguyễn Văn Viên ở độ tuổi xấp xỉ ngũ tuần. Bởi cái tên Nguyễn Văn Viên đã xuất hiện từ lâu lắm trong "làng" rối nước. Và anh cũng được tín nhiệm bầu làm Phó trưởng Phường rối từ hơn chục năm nay. Nhưng khi gặp mới biết, Viên sinh năm 1982, khá trẻ so với cái nghề mà chỉ những bậc cao niên mới rành rẽ bí quyết.

Chàng Sơn nổi tiếng với hai nghề, là nghề mộc và nghề rối, đã tồn tại hàng trăm năm. Tốt nghiệp THPT, bạn bè cùng trang lứa thi cao đẳng, đại học, rời quê lên phố lập nghiệp, Viên cũng định "khăn gói" lên đường. Ðúng thời điểm đó, vào năm 2001, Quỹ Ford tài trợ cho Phường rối Chàng Sơn tạo tác con rối mới và phục hồi một số tích trò cổ. Viên quyết định đăng ký theo học và gắn bó với rối từ đó đến giờ.

Một điều thuận lợi là Viên sinh ra trong một gia đình có sáu đời làm trưởng phường rối (thường gọi là Trùm). Thời Pháp thuộc, cụ Quản Tân (Nguyễn Văn Tân) phụ trách phường. Chức trưởng phường sau này được ông Nguyễn Văn Dậu kế thừa. Cụ Quản Tân là ông nội, còn ông Dậu là bác ruột Viên. Thăng trầm của phường rối khiến Viên không được gắn bó với rối từ ngày bé, song, khi tiếp xúc với những con rối, Viên nhận ra tình yêu vốn sẵn có trong mình.

Một lý do khác khiến Viên muốn nối nghề là bởi anh rất phục bàn tay khéo léo của lớp người đi trước. Chàng Sơn nổi tiếng với nghề mộc, khi chế tác con rối, những người thợ mộc khéo tay thổi hồn cho những con rối, khiến chúng sinh động, nét mặt biểu cảm hơn ở các phường rối khác. Kỹ thuật của rối nước Chàng Sơn cũng rất đặc biệt. Rối Chàng Sơn sử dụng dây để điều khiển chứ không dùng sào. Con rối nhờ thế có thể đi rất xa buồng trò, có thể gần khán giả. Ðây là lý do mà khán giả rất thích thú khi xem rối nước làng Chàng. Thí dụ như tích trò "Mời trầu", con rối đi từ thủy đình ra tận khán giả để mời trầu. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi kỹ thuật điều khiển cao. Nghệ nhân vừa phải chuẩn bị kỹ dụng cụ, vừa phải học hỏi rất nhiều để tránh sai sót, nhất là khi những con rối "nửa đường đứt gánh".

Hà Nội nói riêng, vùng Bắc Bộ nói chung có nhiều phường rối. Với niềm đam mê và khát vọng khôi phục phường rối, Nguyễn Văn Viên dày công nghiên cứu để làm cho các tích trò của rối nước Chàng Sơn phải độc đáo hơn, đặc sắc hơn. Do trẻ tuổi, cho nên khi muốn cải tiến, Viên phải xin phép mọi người trong phường. Lẽ thường ai cũng quen làm theo nếp cũ. Những cải tiến của Viên có phần mạo hiểm. Những động tác khó trong biểu diễn có thể dẫn đến sai sót. Mặc dù vậy, Viên kiên trì thuyết phục các chú, các bác đồng ý cho thử nghiệm. Ðến khi tiết mục cải tiến "chào sân", ai cũng ngạc nhiên.

Tích "Rối nước mời trầu", việc một cậu bé thoăn thoắt trèo lên cây cau rồi hái cau trèo xuống đã khó. Nhưng khi Viên cải tiến, có thêm cảnh bà cụ già móm mém đỡ lấy buồng cau. Ðây là động tác khó, khiến khán giả vỗ tay rào rào hưởng ứng. Tiết mục "Câu cá" trước đây, anh nông dân cầm chiếc cần câu có gắn sẵn con cá, chỉ làm động tác câu cá mang tính ước lệ thì bây giờ Viên cải tiến thành anh nông dân cầm cần câu, con cá bơi lội tung tăng dưới nước. Con cá cắn câu, kéo cong cả chiếc cần, anh nông dân ra sức giật mới kéo được cá lên. Những hình ảnh sinh động kết hợp với nhạc nền là những giai điệu đồng quê đã chinh phục được những khán giả khó tính nhất.

Nguyễn Văn Viên bây giờ thành thục cả hai nghề truyền thống của quê hương: Nghề mộc và múa rối nước. Nghề mộc là sinh kế. Còn múa rối là đam mê cá nhân và trách nhiệm với làng quê, với dòng họ. Viên dành tâm huyết cho cả hai. Anh là thành viên Hội Nghệ nhân thợ giỏi thành phố Hà Nội từ năm 2011. Ðối với nghề múa rối, Nguyễn Văn Viên được tín nhiệm bầu làm Phó trưởng Phường rối nước Chàng Sơn khi chưa đầy 30 tuổi. Mặc dù Phường rối Chàng Sơn đã có những khởi sắc nhất định, nhưng Viên vẫn luôn trăn trở: "Hoạt động của phường rối còn nhiều khó khăn. Ðầu tư cho con rối mới tốn kém, trong khi những con rối trước đây đều xuống cấp. Chúng tôi cũng lo là làm sao truyền được nhiệt huyết cho giới trẻ. Mong rằng các cấp, các ngành quan tâm để hỗ trợ cho loại hình nghệ thuật đặc sắc này có thể được bảo tồn, phát triển bền vững".