Ngàn năm điệu múa trống bồng

Là một điệu múa mềm mại, uyển chuyển, động tác lả lơi, nhưng múa trống bồng (hay con đĩ đánh bồng) là điệu múa chỉ dành riêng cho nam giới. Bởi thế, có quãng thời gian, điệu múa này suýt thất truyền. Nhưng nhờ nỗ lực của nghệ nhân Triệu Đình Hồng (trong ảnh), điệu múa bồng nay đã trở thành một trong những điệu múa nổi tiếng nhất của Hà Nội.

Ngàn năm điệu múa trống bồng

Khi chương trình “Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội” do Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội tổ chức, đưa các bạn trẻ về làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì), ai cũng ngạc nhiên khi người đứng lên thuyết minh, múa minh họa, giúp đỡ các thanh niên trang điểm là một... ông lão hơn 70 tuổi. Ông lão ấy cũng trang điểm “mặt hoa, da phấn” và đắm mình trong điệu múa mềm mại, uyển chuyển và có phần lả lơi. Trong một chương trình khác, khi điệu múa trống bồng được giới thiệu tại hồ Hoàn Kiếm, lại cũng ông lão ấy chạy đôn chạy đáo để vừa giúp đỡ, vừa chỉ đạo các chàng trai múa cho thật dẻo. Người luôn xuất hiện cùng đội múa trống bồng Triều Khúc trong các hoạt động lớn nhỏ chính là nghệ nhân Triệu Đình Hồng. Nói về điệu múa trống bồng, ông Hồng cho biết: “Tương truyền khi Bố Cái Đại Vương thắng trận, ngài dừng chân tại đất Triều Khúc để khao quân. Trong buổi lễ đó, ngài cho nam giới cải trang thành nữ múa để khích lệ tinh thần quân sĩ. Người múa đeo một chiếc trống nhỏ trước bụng, vừa múa vừa đánh trống nên có tên gọi là múa trống bồng. Múa trống bồng đã trở thành một phần trong các nghi lễ thờ Bố Cái Đại Vương tại Triều Khúc. Nhiều người hỏi tôi, tại sao điệu múa trống bồng còn có tên “con đĩ đánh bồng”. “Đĩ” ở đây là từ cổ, có nghĩa là “gái” chứ không phải mang ý nghĩa xấu như nhiều người lầm tưởng”.

Nghệ nhân Triệu Đình Hồng sinh tại làng Triều Khúc. Được xem điệu múa từ bé, nên khi tám, chín tuổi cậu bé Hồng đã say mê. Khi tham gia đoàn rước trong lễ hội, cậu ghi nhớ từng động tác nhún nhảy, từng nhịp di chuyển chân, những động tác lắc người... của trai làng Triều Khúc. Nhưng phải sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, múa trống bồng mới được khôi phục. Lúc đó, cậu bé Hồng đã là một chàng trai mặt mũi sáng sủa, gia đình lại nền nếp, mọi người quý mến nên được vào đội múa trống bồng. Chàng trai ấy được cụ Bùi Văn Tốt, người nắm giữ những kỹ thuật múa đích thân truyền dạy. Sẵn đam mê, chàng thanh niên nhanh chóng nắm bắt được những kỹ thuật của múa trống bồng. Chỉ một thời gian sau, anh Hồng trở thành đội trưởng của đội múa.

Cái hay, cái lạ của múa trống bồng là trai giả gái để múa. Một phần vì lưu giữ tục lệ xưa, một phần vì các cụ không muốn con gái lấy chồng nơi xa làm “thất thoát” điệu múa cổ. Khi hóa trang, các chàng trai phải mặc váy đụp, chít khăn mỏ quạ, tô son, điểm phấn như phụ nữ. Các động tác mềm mại, cánh tay vừa đánh trống, vừa phải múa rất dẻo. Mỗi động tác phải nhịp nhàng với từng bước di chuyển, lắc thân. Trong lúc múa, còn phải “liếc ngang, liếc dọc”. Bởi thế, dân gian còn có câu “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng”. Những động tác “lẳng lơ” ấy đem lại tiếng cười sảng khoái vui vẻ cho người xem. Song, cũng vì lý do này mà từng có thời gian nhiều người “ngại” tham gia múa trống bồng. Nhiều thanh niên lớn lên, thấy xấu hổ khi thấy phải hóa trang thành nữ, sợ bạn bè trêu đùa.

Chưa hết, tiêu chuẩn để được tham gia đội múa trống bồng lại khá khắt khe. Đó phải là những chàng trai trẻ, chưa vợ, gia đình gia giáo, mặt mũi tuấn tú và dáng người dong dỏng. Những tiêu chuẩn này khiến việc chọn người càng trở nên khó khăn. Cùng với đó, nhận thức về di sản còn chưa đầy đủ, nên ông Hồng phải trải qua những năm tháng thăng trầm với điệu múa trống bồng. Do không có người quan tâm, ông Hồng phải đi “tìm” học viên. Kinh phí duy trì lớp học do ông tự bỏ ra. Ông Hồng tự tích cóp tiền để mua váy, áo phục vụ cho biểu diễn. Bây giờ nhìn lại, người Triều Khúc đều bảo rằng, nếu không có ông Hồng, không biết điệu múa tồn tại hơn nghìn năm này đã đi về đâu?

Trên con đường gìn giữ di sản quê hương, người ta không chỉ nể phục nghệ nhân Triệu Đình Hồng về sự tâm huyết, mà cả về tầm nhìn trong bảo tồn. Năm 2010, nghệ nhân đề nghị UBND xã Tân Triều, đề nghị Trường THCS Tân Triều đưa điệu múa bồng vào giảng dạy trong nhà trường. Nghệ nhân tình nguyện truyền dạy mà không lấy tiền công. Khi lên lớp, các cháu học sinh đều ngại không muốn tham gia. Ông Hồng phải giải thích, động viên mãi, các em học sinh nam mới mạnh dạn múa thử theo ông. Nhiều em bắt đầu thấy yêu thích. Thật bất ngờ, chỉ vài năm sau, Trường THCS Tân Triều đã có một đội múa trống bồng. Tiết mục của các em đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi văn nghệ của ngành giáo dục. Với cách làm ấy, nghệ nhân Triệu Đình Hồng đã thành công trong “ươm mầm” những thế hệ múa trống bồng kế cận.

Ông còn tích cực đến các gia đình vận động người dân cho con em tham gia đội múa. Khi mọi người hiểu ra những giá trị di sản, hiểu ra việc cần tiếp nối truyền thống của quê hương, cũng là khi đội múa trống bồng lớn mạnh hơn. Múa trống bồng là điệu múa nghi lễ, nhưng để quảng bá, ông Hồng cùng các cụ cao niên thống nhất xin thánh cho phép được đi biểu diễn ở các nơi.

Bây giờ, múa trống bồng đã được ghi danh là một trong những điệu múa cổ hay nhất, nổi tiếng nhất của đất Thăng Long văn hiến. Lễ hội làng Triều Khúc thu hút đông đảo khách gần xa. Ai cũng say trong điệu múa trống bồng. Dù thời gian trải qua nhiều biến cố, thăng trầm nhưng nghệ nhân Triệu Đình Hồng vẫn vẹn nguyên đam mê thuở nào. Ông luôn nhiệt tình giảng dạy cho giới trẻ, vẫn say mê với điệu múa, mặc cho tuổi tác đã cao, đôi mắt ông vẫn bừng lên niềm tự hào mỗi khi ai đó hỏi về điệu múa cổ.