Cho Hà Nội thêm sắc hương

Mùa giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội khép lại trong bồi hồi cảm xúc. Trên bục danh dự, cùng với những nhà nghiên cứu nổi tiếng, là những con người bình dị, như ông Nguyễn Bá Đạm - nhà giáo say mê văn hóa, nhà sưu tầm "nghiệp dư" Quách Văn Địch nhưng hiến tặng cho thành phố nhiều cổ vật có giá trị; hay những tác giả của không gian phố bích họa trên phố Phùng Hưng... Tất cả đều có chung một đích đến là làm giàu đẹp thêm cho văn hóa Hà Nội.

Lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.
Lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Đã lâu ông giáo Nguyễn Bá Ðạm không xuất hiện trước công chúng. Năm nay gần 100 tuổi, ai cũng nghĩ từ lâu ông đã lui về "ở ẩn". Nhưng đến khi ông được xướng danh trong hạng mục Giải thưởng Lớn, giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, ông Ðạm vẫn miệt mài chuẩn bị cho một cuốn sách về Hà Nội dự định xuất bản dịp cuối năm nay.

Nhà giáo Nguyễn Bá Ðạm được người đời biết đến với biệt hiệu "kỳ nhân bên sông Tô", hay "kỳ nhân tiền cổ", bởi ông là người sưu tầm tiền cổ có tiếng xuất thân từ làng Mọc (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Song, đấy mới là một phần rất nhỏ trong cuộc đời cống hiến lặng thầm của ông. Ngay trong thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù mưa bom, bão đạn trút xuống Thủ đô, ông vẫn dành công sức cho công tác giáo dục, truyền bá văn hóa. Ông từng hiến cho Trường tiểu học Nhân Chính hàng trăm mét vuông đất để xây dựng trường. Vốn là nhà giáo dạy môn Lịch sử, ông truyền lửa tình yêu văn hóa Thăng Long - Hà Nội cho nhiều thế hệ học sinh, với mong muốn những học sinh của mình, dù trong học tập hay công việc, ứng xử hằng ngày đều phải giữ nét văn hóa của người Hà Nội. Ðối với niềm đam mê cổ vật, nhất là tiền cổ, ông sưu tầm để hiểu thêm về những thăng trầm của lịch sử, về nghệ thuật của người xưa. Bước chân vào thế giới sưu tầm, ông dày công nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, khảo cổ cho nên trở thành người có kiến thức uyên thâm. Từng là cộng tác viên của nhiều tờ báo trong quá trình truyền bá vốn văn hóa của Hà Nội, ông đã in hai cuốn sách "Thuở ấy Hà Nội" và "Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối thế kỷ 19 - 20". Lối viết đơn giản, ngắn gọn, nhưng giàu thông tin, những câu chuyện cô đọng thể hiện một tầm vóc to lớn về văn hóa, ông đang gấp rút hoàn thiện cuốn sách "Hà Nội xưa kia". Nhà giáo Nguyễn Bá Ðạm có nhiều bạn bè là văn nghệ sĩ. Việc được danh họa Bùi Xuân Phái vẽ tặng tới hơn 200 bức chân dung phần nào nói lên con người ông. Sau cuốn "Hà Nội xưa kia", ông dự định xuất bản cuốn "Những chuyện chưa kể về các danh họa Hà Nội", về những danh họa xuất thân từ Trường Mỹ thuật Ðông Dương nổi tiếng một thời.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm nay vinh danh sáu tập thể, cá nhân. Cùng với Giải thưởng Lớn, hạng mục Việc làm được trao cho UBND quận Hoàn Kiếm, Quỹ Hàn Quốc (Korea Foundation) và Tổ chức Ðịnh cư con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat) với việc xây dựng "Phố bích họa Phùng Hưng". Ðến thời điểm này, qua gần một năm hoạt động, Phố bích họa Phùng Hưng vẫn giữ nguyên sức hút, nhất là vào những dịp cuối tuần. Nhiều nét văn hóa xưa cũ, nhiều kiến trúc truyền thống của Hà Nội đã phôi pha theo năm tháng, song phố bích họa Phùng Hưng đã trả lại cho người Hà Nội một "không gian ký ức". Ðó là những con phố nghề trầm mặc, là gánh hàng hoa chở nặng chất thơ, là ông đồ bên mực tàu giấy đỏ gợi nhớ những cái Tết thuở nào... Trong bối cảnh không gian công cộng ngày càng thu hẹp, việc giành lại một không gian đã là đáng quý, kiến tạo để nó đậm chất văn hóa Hà thành lại càng đáng trân trọng hơn.

Cũng ở hạng mục Việc làm, câu chuyện của ông Quách Văn Ðịch khiến nhiều người phải nhìn lại chính mình. Ông Ðịch là một... chủ nhà hàng, một nhà sưu tầm nghiệp dư. Hai chiếc mỏ neo khổng lồ (một chiếc dài hơn 6 m) ông mua có giá hàng chục cây vàng. Sau này, nhiều nhà sưu tầm cổ vật trả ông với giá hàng tỷ đồng cho mỗi chiếc. Nhưng rồi ông nghĩ, chiếc mỏ neo này tìm được tại Hà Nội chứng tỏ thời xa xưa từng có những con thuyền rất lớn cập bến Thăng Long. Chiếc mỏ neo có thể làm sáng tỏ thêm về lịch sử Thăng Long - Hà Nội, nhất là trong hoạt động giao thương. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá những chiếc mỏ neo này có niên đại khoảng thế kỷ 17, thời mà Thăng Long tấp nập
trên bến dưới thuyền. Ông đã tặng lại cho Bảo tàng Hà Nội, để những chiếc mỏ neo ấy tiếp tục được nghiên cứu. Ðiều kiện người đàn ông ấy đặt ra cho Bảo tàng Hà Nội hết sức đơn giản: Phải bảo quản hai chiếc mỏ neo ấy thật tốt và đem giới thiệu đến công chúng.

Chứng kiến nhà giáo Nguyễn Bá Ðạm ngồi xe lăn lên nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, mọi người đều xúc động. Trong lễ trao giải, có những gương mặt thuộc những thế hệ khác nhau, những hành động, ý tưởng khác nhau, nhưng đều hướng đến cái đích chung để thành phố đẹp hơn. Và điều đó khiến ta thêm tin tưởng vào sự giàu đẹp của văn hóa Thủ đô.