Những tiếng nói tâm huyết gửi về Đại hội

Tạo chuyển biến căn bản, toàn diện chương trình giáo dục phổ thông

Con người luôn là nhân tố quan trọng trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Chúng tôi mong Đại hội XIII sẽ đưa ra những giải pháp đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Tạo chuyển biến căn bản, toàn diện chương trình giáo dục phổ thông

Để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục toàn diện trong các nhà trường, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều yếu tố. Từ chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; chất lượng đào tạo; công tác tuyển dụng, cơ chế quản lý, chế độ chính sách, chương trình sách giáo khoa, cơ sở vật chất thiết bị trường học, công tác kiểm tra, đánh giá xếp loại, tổ chức thi cử... Trước hết, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhà giáo về đổi mới giáo dục; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, triển khai tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết về giáo dục. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cần thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng phẩm chất chính trị; kết hợp giữa bồi dưỡng tập trung và tự bồi dưỡng, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Cán bộ quản lý giáo dục phải được trang bị những kiến thức về lý luận quản lý hiện đại, có tầm nhìn chiến lược; kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề; có năng lực hoạt động thực tiễn... Đội ngũ giáo viên cần được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng chuẩn đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Có chính sách động viên, khuyến khích những giáo viên giỏi luân chuyển công tác để bảo đảm sự  cân bằng về chất lượng đội ngũ giữa các nhà trường. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục; đổi mới công tác tự đánh giá, đánh giá chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đây là giải pháp nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và hiệu quả công tác của cán bộ, là một trong những căn cứ để tuyển chọn, xây dựng quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý.

Để tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cần  thực hiện tốt hơn nữa chế độ chính sách đối với giáo viên,  nhằm thúc đẩy nỗ lực sáng tạo; phát huy sức mạnh tổng hợp của đội ngũ nhà giáo. Đây là giải pháp quan trọng, thiết thực, cùng với đầu tư kinh phí, trang bị các phương tiện, điều kiện làm việc cho giáo viên các nhà trường theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. 

LÊ THỊ MỸ PHƯƠNG

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương