Giữ gìn và phát triển văn hóa của các dân tộc thiểu số

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã kết thúc thành công, mở ra một giai đoạn phát triển đất nước với tầm nhìn và mục tiêu trong 5 năm, 10 năm và 25 năm tiếp theo. Trong các định hướng lớn của Trung ương, văn hóa tiếp tục được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội.
 

Giữ gìn và phát triển văn hóa của các dân tộc thiểu số

Một xã hội no ấm phải có cuộc sống tinh thần phong phú, mới hướng tới xã hội thịnh vượng đúng nghĩa. Trong đó, yếu tố văn hóa, nhất là vốn văn hóa truyền thống phải được phát huy. Giữ gìn và phát triển vốn văn hóa truyền thống là nhiệm vụ của văn học nghệ thuật. Là một nhà văn người dân tộc thiểu số, tôi luôn tâm niệm, mình phải sáng tác văn học bằng tiếng mẹ đẻ để góp phần gìn giữ tiếng nói của dân tộc mình. Cộng đồng người dân tộc Mường của chúng tôi hiện nay có số dân khoảng 1,1 triệu người, là một trong những cộng đồng tộc người chiếm tỷ lệ khá đông so với các tộc người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Trong đó, Hòa Bình là nơi có người Mường sinh sống nhiều nhất. Muốn sáng tác văn học bằng tiếng Mường thì phải được sống trong không gian hoạt động văn hóa và sinh hoạt kinh tế của dân tộc Mường lâu dài. Tiếc là hiện nay, nhiều người Mường vừa không nghe được, vừa không nói được tiếng mẹ đẻ. Cuộc sống có sự giao thoa và phát triển, họ tự để rơi rụng ngôn ngữ của dân tộc mình. Đây là một thiệt thòi lớn. Tuy nhiên, bảo tồn vốn ngôn ngữ dân tộc Mường đang gặp khó khăn bởi người Mường vốn không có chữ viết, chỉ căn cứ vào ngôn ngữ nói, mà hiện nay phần lớn giao tiếp sử dụng tiếng Việt phổ thông. Ngôn ngữ dân tộc ít người chưa có cơ chế khuyến khích sử dụng…
 
 Bởi thế, sứ mệnh của người làm văn học nghệ thuật, nhất là người dân tộc thiểu số luôn xác định trách nhiệm làm giàu vốn văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ dân tộc mình. Ví như chúng tôi không có phương tiện chữ viết, nhưng chúng tôi có thể dùng các ký tự khác để mô phỏng ngôn ngữ của mình một cách chính xác. Chẳng hạn như dùng các ký tự la-tinh như xưa nay vẫn làm. Người Mường chúng tôi không có chữ viết nhưng việc ghi chép đã được la-tinh hóa, thậm chí Việt hóa nó như một thứ ngôn ngữ tự thân. Qua đó có thể giới thiệu, quảng bá tinh hoa văn hóa dân tộc Mường của Việt Nam ra nước ngoài bằng con đường nghệ thuật, báo chí, mạng thông tin và truyền hình... Bản thân đã sáng tác thơ, văn bằng tiếng mẹ đẻ, tôi nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ cộng đồng người dân tộc mình cũng như những người bạn khắp nơi đã đồng hành cùng tôi những năm qua…
 
 Bằng sự tin tưởng và gửi gắm mong muốn của người dân tộc Mường, những người làm văn học nghệ thuật chúng tôi vô cùng phấn khởi đón nhận luồng tư tưởng tinh thần mà Đại hội XIII của Đảng mang lại, để có động lực tiếp tục sáng tạo những tác phẩm mới.
 
 Nhà văn Bùi Tuyết Mai 
 Ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam