Rạp cưới gây phiền toái

Hôm nay, gia đình ông Quang tổ chức đám cưới cho cậu Lân, con trai cả. Vì muốn tiết giảm chi phí, đồng thời để hàng xóm đỡ phải đi dự tiệc xa, vợ chồng ông Quang quyết định làm đám cưới tại nhà. Ông bà gọi thợ mang phông, bạt đến quây kín trước cửa tầng một, tận dụng cả khoảng không chật hẹp trong khu tập thể để dựng rạp cưới. Từ lúc khung rạp cưới mầu mè được dựng lên chắn gần hết lối đi, người dân trong khu tập thể phải vất vả rẽ sang hướng khác hoặc luồn lách qua khe hở nhỏ xíu còn lại để di chuyển.

Suốt hai ngày diễn ra đám cưới, khách khứa tấp nập ra vào, chuyện trò rôm rả. Những người làm bếp tập kết nguyên liệu, nồi xoong, bát đĩa ở góc sân chung. Cỗ bàn ngồn ngộn mấy bữa liền, khiến rác thải ngập ngụa dưới cống thoát nước. Từ sáng sớm đến đêm khuya, tiếng loa đài ầm ĩ vang dội tứ phía. Đám thanh niên choai choai thi nhau cầm mi-cờ-rô hò hét “đinh tai nhức óc”. Thỉnh thoảng, chúng còn chành chọe, cãi nhau ỏm tỏi. Vì cả nể, lại nghĩ là ngày vui của đôi trẻ, cho nên chẳng ai dám lên tiếng phàn nàn. Cứ thế, các gia đình sống trong khu tập thể dù bị “tra tấn” bởi âm thanh ồn ào, cũng đành cố chịu đựng, nhất là đối với người già khó ngủ hoặc trẻ nhỏ buổi tối cần không gian yên tĩnh để học bài. Cuối cùng thì đám cưới của cậu Lân cũng kết thúc, trong sự thở phào nhẹ nhõm của hàng xóm.

Vẫn biết việc tổ chức cưới tại nhà, tận dụng khoảng không đường sá hay sân chung trong khu dân cư có thể đem lại tiện ích cho gia chủ, song lại gây không ít phiền toái đối với cộng đồng. Những khung rạp cưới hoành tráng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, sân chơi gây cản trở giao thông, đồng thời việc đun nấu, ăn uống cỗ bàn, hát hò còn làm đảo lộn cuộc sống của các hộ chung quanh. Các gia đình nên cân nhắc cách thức tổ chức tiệc cưới sao cho niềm vui riêng không trở thành nỗi ám ảnh với người khác.