Xây dựng và phát triển bóng đá Việt Nam thật sự chuyên nghiệp

Vài năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam có những tiến bộ vượt bậc, nhất là ở cấp độ các đội tuyển trẻ với thành tích cao tại các giải thi đấu của khu vực và châu lục, xuất phát từ sự đầu tư tập trung, đúng hướng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và các câu lạc bộ. Chính điều này đã tiếp thêm sức sống, góp phần nâng cao chất lượng các giải bóng đá quốc gia đang nguy cơ rơi vào khủng hoảng, buộc các đội bóng, các cầu thủ phải thi đấu hết mình, cạnh tranh thật sự để thu hút khán giả và các nhà tài trợ, giúp các giải bóng đá quốc gia thêm phần sôi nổi, hấp dẫn.

Với các thay đổi nêu trên, những tưởng bóng đá Việt Nam sẽ ngày càng trở nên chuyên nghiệp, nhưng sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, khi các giải bóng đá quốc gia quay trở lại thi đấu, thì không ít vấn đề bất cập cùng những hành vi tiêu cực diễn ra, để lại hình ảnh xấu xí, gây chán nản và làm giảm sút tình cảm của người hâm mộ bóng đá nước nhà. Ðiều này bộc lộ sự thiếu chuyên nghiệp, không “fair-play”, từ lãnh đạo, ban huấn luyện, cho đến các cầu thủ, nhân viên phục vụ của các câu lạc bộ.

Mới đây nhất, trong trận đấu vòng sáu Giải bóng đá vô địch quốc gia LS V.League 1-2020 giữa Becamex Bình Dương - Hà Nội FC đã xảy ra không ít tình tiết và hình ảnh phản cảm. Ðó là những va chạm gây chấn thương cho cầu thủ hai đội, xô đẩy phản ứng trọng tài của ban huấn luyện đội bóng Bình Dương. Không chỉ dừng ở đó, khi khiêng cáng đưa các cầu thủ đội khách bị chấn thương ra sân, các nhân viên phục vụ sân Gò Ðậu còn có hành vi thiếu chuẩn mực và là ngòi nổ cho cuộc cãi vã sau đó. Ngay cả hai cầu thủ đang là đồng đội tại đội tuyển quốc gia cũng sửng cồ với nhau để lại những hình ảnh không đẹp mắt. Trong khuôn khổ vòng năm của V.League 1-2020, khán giả trên sân Plây-cu đã phản đối gay gắt trước lối chơi thiếu tích cực, chỉ nhăm nhăm nằm sân câu giờ sau khi ghi được bàn thắng gỡ hòa 1-1 của các cầu thủ đội khách Sài Gòn FC. Ở các vòng đấu trước đó, lối đá bạo lực cũng nhen nhóm tái phát, song không được trọng tài xử lý đúng mức, công bằng. Ðã có một số cầu thủ trụ cột của các đội gặp chấn thương, nặng nhất là cầu thủ Hải Huy của đội Than Quảng Ninh bị gãy chân và không biết đến khi nào mới có thể trở lại thi đấu. Có trường hợp, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Quảng Nam còn xông vào phòng thay đồ của tổ trọng tài để phản ứng và cố tình không thực hiện những biện pháp an ninh cần thiết để bảo đảm an toàn cho tổ trọng tài rời sân, vi phạm nghiêm trọng quy định giải và quy chế bóng đá chuyên nghiệp...

Dù các vụ việc nêu trên chỉ là một vài trường hợp, nhưng nếu không sớm có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời sẽ thật sự đáng lo ngại và nguy cơ trở thành xu hướng lan tràn, tác động tiêu cực đến hình ảnh và sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Thực tế, bấy lâu nay, những vấn đề này vẫn tồn tại dai dẳng, như sóng ngầm bên dưới thỉnh thoảng lại trồi lên, gây xáo trộn. Không ít khán giả và cầu thủ nghiêm túc đã phải lắc đầu, chịu thua trước lối chơi nặng về tiểu xảo, nhuốm màu sắc bạo lực của một bộ phận các cầu thủ Việt Nam. Ðáng lo hơn, một số lãnh đạo câu lạc bộ còn công khai bày tỏ thái độ ủng hộ cho lối chơi rắn, va chạm và tiểu xảo, lập luận cho rằng bóng đá là bộ môn mang tính đối kháng, nên cần lối chơi rắn để có thể đối đầu được với các đối thủ trên đấu trường khu vực, châu lục và thế giới vốn ưu thế hơn cầu thủ Việt Nam về thể lực, thể hình. Nói thì như thế, nhưng ranh giới mong manh giữa lối chơi rắn, không ngại va chạm đến lối chơi bạo lực là một khoảng cách rất gần.

Một huấn luyện viên người nước ngoài đã có nhiều năm làm việc tại Việt Nam và am hiểu về bóng đá nước ta từng lên tiếng trên báo chí cảnh báo về lối chơi thiếu “fair-play”, nặng về tiểu xảo, dùng các thủ đoạn để giành chiến thắng bằng mọi giá của một số đội bóng. Ông khẳng định, lối chơi xấu xí ấy sẽ chỉ làm bóng đá Việt Nam chậm phát triển và làm triệt tiêu những tài năng không chỉ từ các chấn thương mà còn trong cả tâm hồn. Một cầu thủ, dù có tài năng đến cỡ nào thì trước hết phải thi đấu đúng với tinh thần thể thao chân chính, hết mình vì màu cờ, sắc áo, nhưng phải biết tôn trọng đối thủ, có khả năng kiềm chế cảm xúc. Nói không với bạo lực bóng đá, tức là họ đang giữ gìn sự nghiệp của chính mình và cũng là cho các đồng nghiệp.

Ngay từ đầu mùa các giải bóng đá chuyên nghiệp năm nay, lãnh đạo VFF đã nhiều lần “tuyên chiến” với các tiêu cực và bạo lực trên sân cỏ, đồng thời liên tục xử phạt các câu lạc bộ, các cầu thủ vi phạm. Tuy nhiên dư luận cho rằng, mức độ chế tài chưa đủ sức răn đe, dễ gây “nhờn thuốc”. Bên cạnh đó, công tác điều hành trận đấu của các trọng tài vẫn có nhiều sai sót, chưa đúng mức, gây nên không ít bức xúc. Có lẽ đã đến lúc, VFF cần thật sự vào cuộc cùng lãnh đạo và ban huấn luyện các câu lạc bộ tăng cường công tác giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức nghề nghiệp của các cầu thủ, nhất là với các cầu thủ trẻ, đồng thời cần có những điều chỉnh, tăng kiểm tra, giám sát công tác trọng tài, bảo đảm sự điều hành công tâm, khách quan. Ðó cũng là giải pháp để xây dựng và phát triển một nền bóng đá Việt Nam thật sự chuyên nghiệp.