U22 Việt Nam xuất sắc vào chung kết

* Nguyễn Thị Ánh Viên có HCV thứ năm

* Bóng bàn Việt Nam vô địch đôi nam

Tối 7-12, bước vào trận bán kết gặp đội U22 Cam-pu-chia, HLV Pắc Hang-xo lần đầu sử dụng cả hai tiền đạo Ðức Chinh và Tiến Linh ngay từ đầu.

Tiến Linh (áo đỏ) đánh đầu ghi bàn thắng mở tỷ số trận đấu. Ảnh: PHƯƠNG DŨNG
Tiến Linh (áo đỏ) đánh đầu ghi bàn thắng mở tỷ số trận đấu. Ảnh: PHƯƠNG DŨNG

Ðiều này cho thấy đội tuyển U22 Việt Nam sẽ chơi thiên về tiến công, lấy việc dồn ép đối phương để giảm tải cho hàng phòng ngự. Thế nhưng, khá bất ngờ khi U22 Cam-pu-chia mới là đội chiếm thế chủ động nhiều hơn ở đầu hiệp một. Tuy nhiên, đẳng cấp của các tuyển thủ U22 Việt Nam sớm được thể hiện khi phút thứ 20, Tiến Linh có bàn thắng mở tỷ số. Trong pha ghi bàn này, Ðức Chinh dốc bóng bên cánh phải và chuyền lật cánh chính xác để Tiến Linh bật cao đánh đầu thành bàn. Kể từ đây, U22 Việt Nam hoàn toàn chiếm thế chủ động trên sân. Phút thứ 26, sau pha phản công nhanh, Ðức Chinh đột phá loại bỏ hậu vệ đối phương để ghi bàn trong tư thế đối mặt thủ môn U22 Cam-pu-chia nâng tỷ số lên 2-0.

Thế trận từ đó gần như ngã ngũ nghiêng hẳn về đội U22 Việt Nam. Ngay sau khi Tiến Linh rời sân do chấn thương, Ðức Chinh đã có bàn thắng thứ hai của mình trong trận đấu bằng cú đánh đầu nới rộng tỷ số lên 3-0.

Trở lại đội hình chỉ với một tiền đạo hiệp hai, U22 Việt Nam vẫn chơi rất chắc chắn khiến các cầu thủ Cam-pu-chia không thể tìm kiếm được bàn thắng rút ngắn tỷ số. Hơn thế nữa phút thứ 68, Ðức Chinh kịp thời hoàn thiện cú ăn ba, gia tăng cách biệt lên bốn bàn. Dù thua đậm, các cầu thủ Cam-pu-chia vẫn thể hiện quyết tâm cao trong việc tìm kiếm bàn thắng vào lưới thủ môn Văn Toản. Cơ hội rõ nét cũng đến ở phút đá bù giờ cuối cùng khi U22 Cam-pu-chia được hưởng phạt đền do Thanh Thịnh để bóng chạm tay trong vòng cấm. Dù vậy thủ môn Văn Toản đã xuất sắc cản phá thành công cú sút phạt do cầu thủ Keo Sóc-pheng thực hiện. Tỷ số 4-0 là kết quả cuối cùng của trận đấu.

★ Ở trận bán kết thứ nhất môn bóng đá nam chiều qua, hiệp một đã diễn ra trong thế trận cân bằng giữa hai đội U22 In-đô-nê-xi-a và U22 Mi-an-ma. Hai đội đều tạo ra được nhiều cơ hội và liên tục "ăn miếng, trả miếng" lẫn nhau, nhưng khả năng dứt điểm thiếu sắc bén của các chân sút khiến, không có bàn thắng nào được tạo ra. Bước sang hiệp hai, các cầu thủ In-đô-nê-xi-a dồn lên tiến công nhằm tìm kiếm bàn thắng sớm và đến phút 58, nỗ lực của họ được đền đáp bằng bàn thắng tung nóc lưới mở tỷ số. Thi đấu hưng phấn, U22 In-đô-nê-xi-a có thêm bàn thắng thứ hai ở phút 71 sau pha dàn xếp đá phạt đẹp mắt. Dẫn trước hai bàn thắng, hàng phòng ngự của U22 In-đô-nê-xi-a chơi chủ quan và để đối thủ của họ tận dụng được cơ hội ghi liên tiếp hai bàn gỡ hòa vào phút thứ 79 và 80. Buộc phải bước vào thi đấu hai hiệp phụ, U22 In-đô-nê-xi-a một lần nữa đẩy cao đội hình tiến công và có thêm bàn thắng ở hiệp phụ thứ nhất cùng một bàn thắng ở hiệp phụ thứ hai, ấn định chiến thắng 4-2 để vào chung kết gặp U22 Việt Nam vào tối 10-12.

★ Trong ngày thi đấu thứ bảy của SEA Games 30, Ðoàn thể thao Việt Nam tiếp tục giành thêm tám HCV, nâng tổng số HCV lên con số 45. Trương Thị Phương tiếp tục cho thấy không có đối thủ ở môn đua thuyền ca-nô-inh khi giành thêm tấm HCV thứ hai ở cự ly 200 m khi cán đích chỉ mất 54 giây 48. Bằng mắt thường rất khó để phân định người về đích đầu tiên vì Phương chỉ hơn 3% giây so với đối thủ Rít-ca (In-đô-nê-xi-a) giành HCB.

★ Ðội tuyển bóng bàn Việt Nam đã giành tấm HCV đầu tiên ở nội dung đôi nam. Cặp đôi Nguyễn Anh Tú, Ðoàn Bá Tuấn Anh đánh bại hai tay vợt của Xin-ga-po với tỷ số 3-1 (11-6, 12-10, 10-12 và 11-4) ở trận chung kết. Như vậy, sau đúng 10 năm, từ HCV tại kỳ SEA Games 2009 (Lào) của Kiến Quốc, Quang Linh, Việt Nam mới lại giành HCV đôi nam.

★ Trên thảm đấu giu-đô, ở nội dung đối kháng đồng đội nữ, các võ sĩ: Thanh Thủy, Diễm Phương, Như Vân, Diệu Tiên, Hà Thị Nga đã giành HCV sau khi vượt qua đội tuyển In-đô-nê-xi-a ở vòng đấu chung kết với tỷ số chung cuộc 3-2. Ở ba trận đầu tiên, Thanh Thủy, Diễm Phương và Như Vân đều giành chiến thắng và chỉ thua ở hai trận thủ tục còn lại để đoạt HCV.

★ Các võ sĩ: Minh Hy, Tuyết Vân, Văn Huy, Lệ Kim, Hồ Duy đã giành HCV tê-cuôn-đô đầu tiên ở nội dung quyền sáng tạo đồng đội. Bài quyền của đội Việt Nam được các trọng tài chấm điểm rất cao, đạt 7,799 điểm, bỏ xa đội chủ nhà giành HCB với 6,866 điểm và đội In-đô-nê-xi-a giành HCÐ có 6,799 điểm.

★ Nguyễn Thị Mộng Quỳnh giành thêm HCV thứ hai cho đội tuyển tê-cuôn-đô Việt Nam, nội dung biểu diễn quyền sáng tạo cá nhân nữ. Mộng Quỳnh là võ sĩ duy nhất được các trọng tài chấm hơn bảy điểm (7,433 điểm). Trong khi các võ sĩ đối thủ khác đều chỉ được dưới bảy điểm.

★ Tay bơi Nguyễn Thị Ánh Viên có thêm một ngày thi đấu ấn tượng để giành thêm hai HCV. Ở cự ly 400 m tự do nữ, sau 200 m bị đối thủ người Xin-ga-po bám sát, Ánh Viên bắt đầu bứt tốc và luôn tạo ra khoảng cách an toàn hơn một thân người ở nửa quãng đường còn lại. Về đích sau 4 phút 12 giây 30, Ánh Viên bỏ xa đối thủ hơn một giây để giành HCV cá nhân thứ tư cho thể thao Việt Nam.

Ánh Viên tiếp tục thi đấu nội dung cuối cùng trong ngày ở nội dung 100 m bơi ngửa nữ và sau 1 phút 02 giây 97, tuyển thủ Việt Nam đã giành chiến thắng. Như vậy, "Kình ngư" Việt Nam đã giành được chiếc HCV thứ năm tại SEA Games 30. VÐV của nước chủ nhà giành HCB nội dung này nhưng kém Ánh Viên gần một giây.

★ Bước sang ngày thi đấu thứ hai của điền kinh, tại chung kết tiếp sức 4x400 m hỗn hợp nam nữ, Việt Nam là đội duy nhất xuất phát với VÐV nữ là Nguyễn Thị Hằng. Nhận gậy trong lần tiếp đầu tiên, VÐV Trần Nhật Hoàng áp đảo các VÐV nữ đối thủ và giúp Việt Nam dẫn trước. Ðến lượt chạy thứ ba, Quách Thị Lan gia tăng khoảng cách trước khi Trần Ðình Sơn kết thúc nội dung với tổng thành tích 3 phút 19 giây 50, giành HCV đầu tiên cho môn điền kinh, xác lập kỷ lục đại hội khi lần đầu nội dung này được đưa vào thi đấu tại đại hội.

★ Ðoàn Thể thao Việt Nam hôm qua cũng giành thêm bảy HCB của các VÐV: Ðinh Thị Hảo, Tạ Thanh Huyền (thuyền râu-inh đôi nữ hạng nhẹ); Hoàng Xuân Vinh (súng ngắn hơi nam 10 m); Nguyễn Thị Phương (quyền ka-ra-tê-đô đơn nữ); Ðinh Thị Hương (ka-ra-tê-đô đối kháng hạng 50 kg nữ); Phan Vũ Nam, Nguyễn Tấn Công, Bùi Thiện Hoàng, Lê Khắc Nhân, Nguyễn Châu Hoàng Lân (giu-đô đối kháng đồng đội nam); Lê Tú Chinh (điền kinh, 200 m nữ); Nguyễn Ngọc Minh Hy (quyền sáng tạo cá nhân nam tê-cuôn-đô).

★ Các VÐV Việt Nam còn giành 10 HCÐ của: Mậu Trường - Mạnh Linh (thuyền râu-inh đôi nam); Dương Anh Ðức (thuyền ca-nô-inh đơn nam 200 m); Nguyễn Quốc Toản, Phan Ngọc Sang (thuyền ca-nô-inh đôi nam); Trần Quốc Cường (súng ngắn hơi nam 10 m); Như Hoa, Thúy Vinh, Thị Hồng, Thị Trang (kiếm ba cạnh đồng đội nữ); Lê Trần Kim Uyên (quyền tiêu chuẩn cá nhân nữ tê-cuôn-đô); Kim Uyên, Kim Hà, Thùy Dung (quyền tiêu chuẩn đồng đội nữ tê-cuôn-đô); Hoàng Quý Phước (200 m bơi tự do nam); Lê Nguyễn Pôn (50 m bơi ngửa nam); Vũ Thị Mến (điền kinh, nhảy 3 bước nữ).

U22 Việt Nam xuất sắc vào chung kết ảnh 1