Nâng cao hiệu quả hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội thể thao

NDO -

Thể thao Việt Nam hiện đang có gần 40 liên đoàn, hiệp hội. Số lượng nhiều, nhưng chỉ khá ít tổ chức làm việc hiệu quả, thực hiện tốt việc xã hội hóa góp phần tích cực giảm bớt gánh nặng cho Tổng cục Thể dục -Thể thao. Ðây cũng là nhận định của Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Ðức Phấn tại buổi làm việc cùng đại diện các liên đoàn, hiệp hội thể thao về tổng kết những hoạt động đã triển khai trong năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 trong tuần qua.

Theo đó, lãnh đạo ngành thể thao nhấn mạnh, các tổ chức xã hội về thể thao cần  làm việc hiệu quả và đi vào thực chất công việc, giúp các bộ môn thể thao mà họ quản lý phát triển bền vững và ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Hiện tại, hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội thể thao chủ yếu là thông qua văn phòng hội và bộ phận thường trực của các ban chấp hành. Tuy nhiên, nhiều ban chức năng của các tổ chức này hoạt động khá mờ nhạt và mang nặng tính hình thức, chưa thường xuyên, trong khi vai trò của các ban kiểm tra liên đoàn, hiệp hội không rõ ràng và yếu kém... Qua kiểm tra trong năm 2020, phần lớn liên đoàn, hiệp hội chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, lập sổ sách kế toán và báo cáo tài chính theo quy định; nhiều liên đoàn, hiệp hội hoạt động chưa thường xuyên và đã bị lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao đưa ra kiểm điểm tại buổi làm việc. Thực tế là sự phối hợp giữa lãnh đạo các bộ môn của Tổng cục Thể dục - Thể thao với không ít liên đoàn, hiệp hội các môn thể thao quốc gia cũng chưa được chặt chẽ. Ðiều này có thể chứng minh qua cung cách làm việc “bằng mặt mà không bằng lòng”, thậm chí là mâu thuẫn gay gắt giữa một số liên đoàn, hiệp hội với lãnh đạo ở các bộ môn của Tổng cục Thể dục - Thể thao từng diễn ra trong một thời gian dài. Ðã từng có các chuyên viên phụ trách bộ môn của Tổng cục phải xin rút khỏi vai trò thành viên ban chấp hành liên đoàn và hiệp hội dù đã được bầu.

 Các liên đoàn, hiệp hội thể thao là tổ chức xã hội nghề nghiệp về một môn hoặc một số môn thể thao và được gia nhập các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc tế tương ứng. Phần lớn các tổ chức xã hội nghề nghiệp nêu trên sau khi được thành lập đều đặt ra những mục tiêu phấn đấu rất cao, nhưng sau đó thường gặp rất nhiều khó khăn, không được như yêu cầu khi bắt tay vào thực hiện, nhất là trong công tác xã hội hóa, tìm nguồn tài trợ cho các hoạt động. Ngoài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), một số liên đoàn các môn thể thao như: bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông... được cho là tương đối ổn định do sự năng động, tìm kiếm được những nguồn tài trợ lớn và lâu dài của các doanh nghiệp. Tuy vậy, trong năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19, kinh tế giảm sút, nhiều doanh nghiệp làm ăn khó khăn hơn thì khả năng cũng như nhu cầu tài trợ của họ cho thể thao để quảng bá thương hiệu sản phẩm đã giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp đã phải buông tay, không thể đồng hành cùng các liên đoàn, hiệp hội. Có thể nói, đây là bài toán khó tìm được lời giải đối với các liên đoàn, hiệp hội nếu nền kinh tế và hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp không hồi phục nhanh chóng, trở lại như thời kỳ trước đây. Năm vừa qua, thể thao nước ta đã có thêm hai liên đoàn thể thao mới thành lập là Liên đoàn Võ tổng hợp Việt Nam (VMMA) và Liên đoàn Võ jujitsu Việt Nam, song từ khi ban chấp hành ra mắt đến nay, hoạt động của hai liên đoàn này gần như là “số 0” bởi không có một giải đấu hay sự kiện, chương trình thể thao nào được tổ chức. Hiện nay, một số bộ môn như đấu kiếm và bắn cung Việt Nam cũng đang lên kế hoạch   thành lập liên đoàn trong năm nay, song giới chuyên môn không kỳ vọng nhiều về hiệu quả hoạt động và nguồn lực tài chính của các liên đoàn này. Ðã nhiều lần, lãnh đạo ngành thể dục - thể thao nước ta  phải nhắc nhở việc thành lập các liên đoàn hay hiệp hội thể thao phải hội tụ các yếu tố cần và đủ về nhân sự có năng lực, nhất là nguồn lực tài chính, chứ không thể cứ cho ra mắt rồi phải đi “vá” những lỗ hổng chưa tính đến.

Việc ra đời của các liên đoàn, hiệp hội thể thao là xu hướng tất yếu để phát triển thể thao và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thể dục - thể thao. Chính vì vậy, công việc quan trọng và cấp bách hiện tại là các tổ chức này phải thật sự phát huy được vai trò của mình, huy động được nguồn lực xã hội để phát triển, hỗ trợ và tổ chức tốt các giải thi đấu, giúp huấn luyện viên và vận động viên có điều kiện tập luyện, thi đấu, nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển phong trào thể thao ở từng bộ môn. Muốn làm được điều này, bản thân ngành thể thao mà ở đây là các liên đoàn, hiệp hội từ trung ương đến địa phương cần chủ động và năng động hơn, không để bị chi phối bởi tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện xã hội hóa thể thao cần hướng đến lâu dài, bền vững, đề cao tính chuyên nghiệp, loại bỏ tính tự phát, nhỏ lẻ, làm ảnh hưởng đến công tác vận động tài trợ. Không chỉ chú trọng đến thể thao đỉnh cao, các liên đoàn, hiệp hội cũng cần quan tâm hướng hoạt động đến cộng đồng, đào tạo các lớp trẻ, tạo nền tảng cơ bản để phát triển, thu hút nguồn thu từ quảng cáo, tài trợ, có giải pháp thành lập các chi hội trực thuộc của nhóm đối tượng cụ thể. Các liên đoàn, hiệp hội nên nghiên cứu, từng bước tìm hướng kinh doanh và khai thác thương quyền ở các bộ môn thể thao theo hướng chuyên nghiệp, có thực quyền trong việc tuyển chọn lực lượng thể thao thành tích cao để tập huấn, thi đấu.