Kỳ SEA Games vàng của cử tạ Việt Nam

NDO -

NDĐT – Đội tuyển cử tạ Việt Nam đã có kỳ SEA Games thành công nhất trong những lần tham dự khi giành được tổng cộng bốn HCV, năm HCB và một HCĐ để vượt qua Indonesia, đứng đầu khu vực Đông - Nam Á ở môn thể thao Olympic này.

VĐV Vương Thị Huyền cùng các thành viên ban huấn luyện đội cử tạ Việt Nam.
VĐV Vương Thị Huyền cùng các thành viên ban huấn luyện đội cử tạ Việt Nam.

Tại SEA Games 30, cuộc đua tới HCV ở tất cả các hạng cân diễn ra giữa các VĐV Việt Nam, Indonesia và chủ nhà Philippines mà không có sự tham dự của đô cử Thái Lan. Hồi tháng 3 năm ngoái, chín VĐV cử tạ Thái Lan bị phát hiện dương tính với chất cấm khi tham dự giải vô địch thế giới diễn ra tại Turkmenistan, và tới đầu năm nay, thêm ba trường hợp nữa cũng bị phát hiện sử dụng doping. Bởi vậy, Liên đoàn cử tạ nghiệp dư Thái Lan (TAWA) quyết định tự nguyện rút tất cả các VĐV khỏi các giải quốc tế, kể cả giải vô địch thế giới vừa diễn ra trên chính đất Thái Lan vào tháng 9.

Sự thiếu vắng các VĐV Thái Lan cũng là cơ hội để đô cử các nước còn lại giành thứ hạng cao và cử tạ Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với bốn tấm HCV - gấp đôi so với chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường.

Ông Đỗ Đình Kháng, Vụ phó Thể thao thành tích cao II, đánh giá: “Với số HCB nhiều hơn nên chúng ta xếp trên Indonesia. Nhưng về thực tế, nếu như có cả Thái Lan, ba nước chúng ta luôn luôn ở thế giằng co nhau, có những nội dung chúng ta hơn và có những nội dung họ hơn. Bây giờ, vấn đề được đặt ra là cần phải tập trung đầu tư cho thế hệ tiếp theo như thế nào mới có thể khẳng định cơ hội bứt phá, vượt qua hai nước trên, để giành thành tích tốt hơn ở những kỳ đại hội như Olympic và Asiad”.

Kỳ SEA Games vàng của cử tạ Việt Nam ảnh 1

Hai đô cử Vương Thị Huyền và Lại Gia Thành.

Những dự báo của tuyển cử tạ Việt Nam trước ngày lên đường đều chuẩn xác khi ba VĐV đang chiếm ưu thế ở châu lục là Vương Thị Huyền (45 kg nữ), Lại Gia Thành (55 kg nam) và Hoàng Thị Duyên (59 kg nữ) đều không mắc một sơ sót nào, hoàn thành nhiệm vụ mang HCV về cho đoàn TTVN. Phạm Thị Hồng Thanh cũng bất ngờ bước lên bục cao nhất, ngay ở lần đầu tiên tham dự một kỳ Đại hội.

Tất nhiên mọi chuyện không phải chỉ “màu hồng”, vẫn có những giọt nước mắt tiếc nuối của VĐV cử tạ Việt Nam tại SEA Games lần này. Thí dụ như trường hợp Nguyễn Thị Vân – hạng 71kg nữ ở ngày thi đấu cuối cùng. Dù ban huấn luyện tin chắc cô sẽ giành HCV nhưng ở nội dung cử giật, phải tới lần thứ ba cô mới nâng được mức tạ đăng ký. Những nỗ lực ở nội dung cử đẩy là không đủ để giúp Vân vượt qua thành tích của VĐV chủ nhà Kristel, đứng thứ nhì chung cuộc.

Thạch Kim Tuấn dù cải thiện được thành tích tới tám kg so với Giải vô địch thế giới, nhưng cũng đành chịu thua VĐV Eko (người Indonesia), đô cử kỳ cựu từng ba lần liên tiếp giành huy chương tại các kỳ Thế vận hội và đang là đương kim Á quân Olympic. Chuyển từ hạng cân sở trường 56 kg lên 61 kg do những thay đổi từ Liên đoàn cử tạ thế giới, Thạch Kim Tuấn đối mặt với nhiều đối thủ mạnh hơn tại các giải quốc tế sắp tới. Ngay từ bây giờ, Tuấn chắc chắn cũng phải nỗ lực nhiều hơn để chuẩn bị cho Olympic 2020 tại Tokyo, Nhật Bản. “Sau khi tham dự SEA Games 30 trở về, em sẽ tập trung cho Giải cúp thế giới ở Italia, cũng được coi là vòng loại Olympic. Em sẽ cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt thành tích tốt nhất, giành những số điểm quan trọng để cạnh tranh cho suất dự Olympic 2020. Sau Cúp thế giới vẫn còn Giải vô địch châu Á, em sẽ chuẩn bị thật kỹ cho hai giải đấu đó”.

Trong số các VĐV cử tạ Việt Nam, cùng với Hoàng Thị Duyên (hạng 59 kg nữ), Thạch Kim Tuấn đang là người nhiều khả năng giành suất tới Tokyo 2020 nhất và kết quả anh đạt được ở SEA Games 30 là thành tích tốt thứ 3 thế giới ở thời điểm hiện tại của hạng cân 61 kg nam.

Tuy nhiên, không chỉ mình Thạch Kim Tuấn hướng tới suất tham dự Thế vận hội. Ông Đỗ Đình Kháng khẳng định: “Chúng tôi đã có kế hoạch sau Giải vô địch quốc gia được tổ chức vào cuối năm nay, phải tham dự một Giải cúp tổ chức vào đúng Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, một số VĐV trọng điểm cũng như HLV chắc chắn sẽ phải xa nhà trong dịp Tết. Với kế hoạch đề ra, sau khi có danh sách vượt qua vòng loại Olympic, chúng tôi sẽ chốt kế hoạch cụ thể nhằm đưa VĐV đi tập huấn ở nước ngoài. Một số sẽ đi châu Âu và những người khác sẽ đi Trung Quốc theo đề nghị của ban huấn luyện”.

Tới nay, những thành tích tốt nhất của cử tạ Việt Nam ở đấu trường quốc tế đều thuộc về các VĐV hạng 56 kg nam, trong đó Hoàng Anh Tuấn từng giành Á quân Olympic Bắc Kinh 2008 và trước đó là HCB tại Á vận hội Doha 2006. Những thay đổi của Liên đoàn cử tạ thế giới khiến hạng cân 56 kg nam không còn nằm trong chương trình thi đấu và các đô cử phải lựa chọn giữa việc lên hạng 61 kg hoặc xuống 55 kg.

Ở kỳ Olympic Tokyo 2020, hạng cân 55 kg không được tổ chức. Vì vậy, danh sách những đối thủ của Thạch Kim Tuấn càng nhiều hơn bởi những gương mặt “sừng sỏ” như Yuli Eko Irawan (Indonesia) hay Om Yun-chol (CHDCND Triều Tiên) được dự đoán sẽ chắc chắn góp mặt hạng cân 61 kg nam. Đây mới chính là thử thách thực sự chờ đón anh trong quãng thời gian tới đây.