Giới hạn lương cầu thủ: Liệu có sự công bằng trong bóng đá?

NDO -

NDĐT - Một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tái khởi động lại Bundesliga là sự phụ thuộc vào doanh thu truyền hình của giải đấu này, khi một số câu lạc bộ ở trong tình trạng tài chính bấp bênh, và phải nhận sự giúp đỡ từ những đội bóng lớn như Bayern Munich hay Borussia Dortmund.

Leo Messi là ngôi sao nhận lương cao nhất thế giới và là cơn đau đầu của Barcelona.
Leo Messi là ngôi sao nhận lương cao nhất thế giới và là cơn đau đầu của Barcelona.

Và giới hạn lương cầu thủ tiếp tục trở thành đề tài được nhắc đến lúc này, nhưng vấn đề là nó có thể hoặc có hiệu quả trong thời gian tiếp theo hay không, đặc biệt ở những giải đấu lớn như Ngoại hạng Anh, La Liga, Serie A hay Bundesliga?

Doanh thu trận đấu bị mất và đe dọa mất thu nhập bản quyền truyền hình vì bóng đá không thể diễn ra tại cựu lục địa đã gây áp lực tài chính lớn cho nhiều câu lạc bộ ở châu Âu. Những đội bóng như Arsenal hay Manchester United, Barcelona và Real Madrid đều hiểu rõ khó khăn của vấn đề này, khi doanh thu từ bán vé và truyền hình của họ luôn là những khoản lợi nhuận lớn cho ngân sách của họ.

Và chắc chắn, việc tái khởi động các giải đấu, ngay cả khi phải đá ở các sân trung lập, sân tập (như ở La Liga) và không có khán giả là vấn đề sống còn với không chỉ các câu lạc bộ, mà còn với ban tổ chức của các giải này.

Theo ông Christian Seifert, Giám đốc điều hành DFL (German Football League), khi doanh thu bị teo tóp, các nhà quản lý tìm cách cắt giảm chi phí là điều tự nhiên và dễ hiểu, nhiều câu lạc bộ lớn đã giảm lương của các cầu thủ, nhiều đội khác thậm chí còn cắt hợp đồng một cách quyết liệt (FC Sion của Thụy Sĩ cắt hợp đồng tới chín cầu thủ, trong đó có cựu ngôi sao của Arsenal Alex Song), trong khi nhiều ông chủ khác tính tới giảm lương của các cầu thủ trong cả mùa tiếp theo.

Ngoại trừ những câu lạc bộ của Đức luôn chú trọng tới việc giới hạn mức lương của những ngôi sao, đặc biệt là Bayern Munich có chính sách lương bổng đến khắc nghiệt, thậm chí, họ chấp nhận đánh mất những ngôi sao để giữ được sự ổn định trong cơ cấu lương thưởng của mình, thì hầu hết các đội bóng khác ở cựu lục địa luôn gặp rắc rối vì vấn đề này. Barcelona là một ví dụ tiêu biểu, khi họ là đội bóng trả lương cao nhất thế giới, và quĩ lương luôn ở trong tình trạng đáng báo động.

Giới hạn mức lương trần lẽ ra không nên trở thành một ý tưởng mới vào lúc này, mà nó cần được thực hiện từ rất lâu, nhưng phải đến khi dịch Covid-19 bùng phát, nó mới được nhận thức một cách nghiêm túc hơn. Làm thế nào để giới hạn lương của các ngôi sao bóng đá tại châu Âu và liệu cách này có thật sự được áp dụng và mang tới hiệu quả?

Giới hạn lương cầu thủ: Liệu có sự công bằng trong bóng đá? ảnh 1

Lewandowski là cầu thủ hưởng lương cao nhất ở Bayern Munich với mức 20 triệu euro/năm.

Bài học từ Mỹ

Tại Mỹ, nơi tài chính được kiểm soát một cách chặt chẽ, dù những ngôi sao bóng đá qua thời đỉnh cao thường tới giải bóng đá nhà nghề Mỹ như một cách để tăng thu nhập thì nó vẫn có những yếu tố đảm bảo cơ cấu lương không bị mất cân đối. Khi các nhà quản lý luôn hướng tới việc áp dụng những qui tắc để đảm bảo tiền lương cho các ngôi sao xứng đáng, đồng thời tổng số tiền để chi trả cho cả đội cũng không chênh lệch quá lớn: Mức lương cứng và mức lương mềm.

Giới hạn mức lương cứng có nghĩa là các đội không được vượt quá tổng chi cho phép - hoặc phải chịu các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt. Mức lương mềm cho phép các đội vượt trần trong giới hạn cho phép (để trả lương cho những ngôi sao). Giới hạn lương cũng có thể được phân bổ theo tầng, nghĩa là các đội bóng ở Mỹ có thể trả khoản lương tối thiểu cho các cầu thủ theo mùa.

Đây không phải là yếu tố mang tính hình thức mà nó giúp kiểm soát các đội bóng lớn cố tình tạo ra sự khác biệt trong việc trả lương thưởng.

Châu Âu thì sao?

Giới hạn lương sẽ có sự khác biệt ở mỗi giải đấu và theo các qui tắc phức tạp khác nhau. Nhưng ý tưởng chung là giúp các câu lạc bộ và giải đấu có được lợi nhuận lớn hơn bằng cách giới hạn những gì mà các cầu thủ có thể kiếm được. Chúng cũng có nghĩa là để giúp tạo ra sự tương đương giữa các đội bóng, vì theo lý thuyết, không nên để một câu lạc bộ mua thành công bằng cách chi tiền nhiều hơn đối thủ của mình (Luật công bằng tài chính FFF hướng tới điều này).

"Tôi đã nói về ý tưởng giới hạn lương tại các câu lạc bộ với Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin. Chắc chắn những cuộc thảo luận sẽ được tổ chức trong thời gian tới", ông Christian Seifert nói trên Sky Sport.

Việc giới hạn lương đã từng được cựu chủ tịch UEFA Michel Platini thúc đẩy thực hiện nhiều năm trước nhưng không thành công. Trong ngắn hạn, khi dịch Covid-19 vẫn có xu hướng gây tác động xấu tới bóng đá, những cuộc thảo luận sâu hơn về vấn đề này sẽ được thực hiện, nhưng nó là câu chuyện rất phức tạp. Vì nó có quá nhiều khác biệt giữa các thành viên của UEFA, sự khác biệt giữa những đội bóng lớn hiện tại, những người có nguồn tiền khổng lồ đủ để tạo ra hố sâu ngăn cách với các đối thủ khác.