Đầu tư cho các vận động viên có thể giành huy chương Ô-lim-pích

Năm 2019, thể thao Việt Nam gặt hái thành công lịch sử ở đấu trường Đông-Nam Á khi giành cả Huy chương vàng (HCV) của bóng đá nam và nữ tại SEA Games 30, đồng thời đứng thứ hai nhưng dẫn đầu ở nhiều nội dung thi đấu Ô-lim-pích ở đại hội. Tuy tự hào giành 55 HCV, vượt qua cả đoàn Thái-lan ở các nội dung Ô-lim-pích, song lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao vẫn nhìn nhận Việt Nam sẽ rất khó khăn để có thể giành huy chương tại Ô-lim-pích 2020. Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có bốn vận động viên (VĐV) giành suất dự Ô-lim-pích 2020 là Nguyễn Hoàng Phi Vũ, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ). Trong năm 2020, Tổng cục Thể dục - Thể thao sẽ tập trung mọi nguồn lực để cố gắng đưa khoảng 20 VĐV vượt qua vòng loại tới Tô-ki-ô dự Thế vận hội. Tuy nhiên, cho dù Việt Nam có hoàn thành mục tiêu có 20 VĐV dự Ô-lim-pích 2020 thì việc đầu tư cho VĐV nào để giành huy chương vẫn là dấu hỏi lớn. Ở đấu trường Ô-lim-pích, ngay cả một số quốc gia phát triển thể thao ở châu Âu như Áo chẳng hạn, mỗi kỳ có đến 70 VĐV giành quyền tham dự, nhưng họ

Để tuyển chọn được các VĐV đạt yêu cầu thi đấu đỉnh cao đã khó, càng khó hơn để duy trì cường độ vận động cao. Thêm nữa, chúng ta cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng cũng như điều kiện cơ sở vật chất để phát triển thể thao đỉnh cao đẳng cấp thế giới. Thể thao là bộ môn khoa học tổng hợp kết hợp nhiều yếu tố như y sinh, sinh cơ, dược phẩm, dinh dưỡng, vận động… Trong phần lớn các chỉ số này, thể thao Việt Nam đều chưa thể gọi là phát triển. Công tác chuẩn bị cho SEA Games 30 vừa qua là một thí dụ, VĐV bơi số một Việt Nam là Nguyễn Thị Ánh Viên tuy được tập huấn tại Mỹ, song chế độ dinh dưỡng, dược phẩm lại không thể so sánh với các VĐV cùng tập huấn ở các nước khác. Kết quả rõ ràng là Ánh Viên đã không thể hoàn thành mục tiêu giành tám HCV tại đại hội. Trong khi đó, bên cạnh nguyên nhân chính để xạ thủ từng giành HCV Ô-lim-pích là Hoàng Xuân Vinh không có HCV tại SEA Games 30 là yếu tố thể lực và tâm lý do xạ thủ hàng đầu này thường xuyên phải “tập chay”, không có đạn thật để bắn vì thiếu kinh phí. Về y học, từ lâu nay ngành thể thao đã không thể tuyển thêm bác sĩ phục vụ tại các trung tâm huấn luyện thể thao vì một lý do đơn giản là lương thấp.

Chính vì vậy, Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao Vương Bích Thắng đã khẳng định: “Sẽ tập trung cao độ mọi nguồn lực để đầu tư cho các VĐV có khả năng tranh chấp huy chương”. Thay vì tập trung cho hàng nghìn lượt VĐV như năm 2019, ngành thể thao sẽ tuyển chọn và đầu tư chiều sâu cho vài chục VĐV có thể giành suất dự Thế vận hội, trong đó ưu tiên hơn với những VĐV có khả năng giành huy chương. Nguồn kinh phí đầu tư sẽ từ ngân sách trung ương và các địa phương có VĐV được đầu tư cùng nguồn xã hội hóa của các liên đoàn thể thao… Những VĐV xuất sắc như Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh sẽ được tạo mọi điều kiện tập luyện. Thay vì đi tập huấn dài hạn tại Mỹ đắt đỏ mà hiệu quả chưa được như ý, Ánh Viên sẽ tập trung tại Việt Nam nhưng chế độ dinh dưỡng, dược phẩm sẽ được cung cấp đầy đủ theo tiêu chuẩn VĐV đỉnh cao như các nước. Hoàng Xuân Vinh cũng sẽ không còn phải “tập chay” trên trường bắn. Mặc dù số VĐV được đầu tư để giành suất dự Ô-lim-pích không nhiều, song thể thao Việt Nam vẫn chú trọng tiết kiệm, tham dự các giải đấu vòng loại gần về địa lý, rẻ về kinh phí…

Ngành thể thao Việt Nam đang huy động toàn bộ các nguồn lực, tập trung đầu tư cho VĐV ở những môn thể thao phù hợp thể chất của người Việt Nam như bắn súng, võ thuật, cử tạ (hạng nhẹ) vốn đã giành huy chương hoặc tiệm cận huy chương Ô-lim-pích. Hy vọng, sự quan tâm đầu tư này sẽ tạo nên bước chuyển mạnh mẽ, giúp thể thao nước ta giành huy chương tại Thế vận hội vào mùa hè này.