Kết thúc giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2009:

Trật tự mới

Những nhà vô địch mới

Ðêm 26-7 đã qua đi được vài ngày, nhưng thời khắc huy hoàng đó vẫn còn nguyên dư âm tới ngày hôm nay với những thành viên của hai "tân vương" Sao vàng Biên Phòng và Bình Ðiền Long An.

Không vui sao được khi tròn 30 năm sau ngày đội Công an Vũ trang (tiền thân của Sao vàng Biên Phòng) vô địch Việt Nam khi vượt qua đàn anh Thể Công ở trận chung kết năm 1979, tới giờ các chiến sĩ Sao vàng Biên Phòng mới thực hiện thành công ước mơ "lên đỉnh vinh quang". Niềm vui đó lại càng được nhân lên khi trước trận chung kết đội Sao vàng Biên Phòng vẫn chỉ được đánh giá là "ngựa ô", vậy mà cuối cùng họ đã hiên ngang bước lên bục cao nhất của giải sau khi hạ gục đội bóng Cố đô, ứng viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch mùa giải năm nay một cách thuyết phục, và bỏ lại sau lưng những tên tuổi lừng lẫy như Tràng An Ninh Bình, Hoàng Long Long An, Thể Công,... Việc thâu tóm tới bốn danh hiệu cá nhân xuất sắc nhất giải gồm Lưu Ðình Toàn (chuyền hai hay nhất), Nguyễn Anh Tuấn (phòng thủ hay nhất), Bin Wang (phát bóng hay nhất) và Phùng Thanh Hải (tiến công hay nhất) lại càng minh chứng thêm cho sự nỗ lực không mệt mỏi của đội bóng này.

Trong quá khứ, đội nữ VTV Bình Ðiền Long An từng bị mang tiếng là có phần "vô duyên" với ngôi vô địch sau nhiều năm tiến rất gần đến danh hiệu này nhưng luôn bị chặn lại bởi những đội bóng giàu sức chiến đấu khác như Bộ Tư lệnh Thông tin, Thái Bình, Ngân hàng Công thương. Mãi đến Vòng chung kết mùa giải 2009 này, họ mới lại được nếm hương vị chiến thắng. Danh hiệu vô địch này là một mốc son lớn. Sau khoảng thời gian chờ đợi ngót nghét 16 năm, kể từ ngày lên ngôi vô địch quốc gia lần đầu tiên, thế hệ của những gương mặt trụ cột như Diệu Châu, Ngọc Hoa, Thu Phương, Kim Ðính... mới mang về cho bóng chuyền Long An chiếc cúp vô địch thêm lần nữa.

Chiến thắng của VTV Bình Ðiền Long An cũng như Sao vàng Biên Phòng chỉ ra rằng, không có đội bóng nào là bất khả chiến bại. Ðó sẽ là một bài học cho những đội không gặp may mắn mà ở mùa giải này điển hình là hàng loạt cái tên như: Sanest Khánh Hòa (VÐQG 2008 nhưng sớm dừng bước sau vòng đấu bảng vòng 2- 2009), Thể Công (VÐQG 2007-chỉ đứng hạng 4 mùa giải 2009), hay Tràng An Ninh Bình (đội bóng được coi là ổn định nhất và lại có HLV mưu lược Nguyễn Mạnh Hùng-HLV đội tuyển QG dẫn dắt)... Thậm chí, mùa giải này cũng khiến một số đội bóng phải chóng mặt trong cuộc chiến trụ hạng. Rõ nét nhất là chủ nhà Quân đoàn 4. Tương tự, ở giải nữ, đội Bộ Tư lệnh Thông tin vuột mất HCV như mong đợi. Chỉ có Thái Bình là ổn định ở tốp 3. Còn lại, mùa này cũng đánh dấu buồn cho hai đội bóng tên tuổi một thời như Quảng Ninh và Sông Mã Thanh Hóa khi họ chính thức rớt hạng và phải thi đấu hạng A1 ở mùa giải sang năm.

Âu cũng là quy luật vì khó có đội bóng nào cũng có thể ngự trị mãi ở trên cao, nhất là trong khi bóng chuyền Việt Nam đang hướng đến chuyên nghiệp. Dưới sự hỗ trợ của các doanh nghiệp cũng như sự đầu tư của các cấp vào bóng chuyền, rất nhiều vận động viên nước ngoài đã xuất hiện (tính ra có gần 40 "ngoại binh" dự vòng 2 của giải năm nay).

Đội nữ vô địch - VTV Bình Điền Long An.

Chuyện giải thưởng: Những tín hiệu đáng mừng

Lần đầu tiên sau nhiều năm phát triển, giải thưởng do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam treo cho các đội bóng đoạt hạng cao tại giải cũng như cho các danh hiệu cá nhân lại đạt mức kỷ lục bởi tổng giải thưởng lên tới hơn 500 triệu đồng, trong đó hai đội vô địch nam nữ mỗi đội được nhận 100 triệu đồng, giải nhì 70 triệu đồng và giải ba 30 triệu đồng... Ngoài ra, BTC còn có thêm giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc. Bản thân đơn vị chủ quản các đội bóng cũng như các "Mạnh thường quân" của các CLB cũng treo các mức thưởng riêng. "Rủng rỉnh" nhất có lẽ là đội tân vô địch nữ VTV Bình Ðiền Long An. Ngay trước trận chung kết, đơn vị chủ quản của đội bóng đến từ Long An là Công ty phân bón Bình Ðiền đã treo mức thưởng cực kỳ hấp dẫn mà bất cứ đội bóng nào cũng thèm muốn: 2 tỷ đồng - khoản thưởng cao nhất từ trước đến nay cho các đội bóng chuyền. Ðó là còn chưa kể đến các khoản thưởng khoảng 500 triệu đồng sau khi đoạt ngôi vô địch tại cúp các vị trí cao mà đội vừa giành trước đó không lâu như Siêu cúp, Cúp Vietso Petro.

Trong khi đó, đội nữ Bộ Tư lệnh Thông tin tuy chỉ đoạt mức thưởng 70 triệu đồng dành cho đội hạng nhì (HCB), nhưng trước khi bước vào vòng 2, họ cũng đã được nhận một món quà đặc biệt: Chiếc ô-tô đặc chủng, hiện đại, trị giá 820 triệu đồng, thiết thực phục vụ các chuyến thi đấu, tập huấn của đội. Ðây là sản phẩm đầu tiên nằm trong bản hợp đồng tài trợ giữa đội Bộ Tư lệnh Thông tin và Ngân hàng Liên Việt.

Mùa giải 2009 đã khép lại và được cho là thành công hơn các mùa trước. Từ nay đến cuối năm, Bóng chuyền Việt Nam sẽ hướng đến hai sân chơi lớn, đó là giải bóng chuyền nữ châu Á, tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9, sau đó là SEA Games 25 tại Lào vào tháng 12.