Vẽ lại một con đường

Ðược báo chí săn đón, kiếm bộn tiền từ các bộ phim ăn khách, hợp đồng quảng cáo,… không ít người vẫn thường cho rằng những điều đó sẽ khiến “người của công chúng”chẳng thể từ bỏ ánh hào quang nổi tiếng của mình. Nhưng Swaroop Sampat-Rawal - nữ diễn viên, hoa hậu Ấn Ðộ đã từ bỏ tất cả, để lui về chăm sóc gia đình và kiêm luôn cả vai trò cô giáo cho những cô cậu học trò thiệt thòi.

Vẽ lại một con đường

Vẽ lại một con đường ảnh 1Xóa nhòa những khoảng cách

Ðó là câu hỏi luôn canh cánh trong lòng của Swaroop Sampat-Rawal, để trở thành kim chỉ nam cho sự nghiệp “lái đò” bắt đầu muộn của bà.

Sinh ra tại bang Gujarat, Ấn Ðộ, trong một gia đình có bố là diễn viên kịch, mẹ là bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa ung bướu, ít ai biết rằng bà là người con gái duy nhất trong vòng 120 năm qua được sinh ra trong gia tộc. Bởi vậy, bà được cưng chiều nhất nhà. Song, bà cũng không tránh được thực tế: phải lớn lên trong môi trường giáo dục đầy căng thẳng và áp lực.

Sau này, khi đã là mẹ của hai người con trai, quá trình cùng học và hỗ trợ các con, bà lại càng có đủ lý do để khẳng định: phương pháp giảng dạy cũ gây căng thẳng cho học sinh và cả gia đình chúng rất nhiều. Và từ đó, bà nung nấu ý định trở thành giáo viên, với mục tiêu: Giúp trẻ em thêm tự tin, vững vàng thông qua giáo dục kỹ năng sống và ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới mẻ.

Ý tưởng là một chuyện, kỹ năng để hiện thực hóa nó cũng đáng quan tâm không kém. Hiểu rõ điều đó, Swaroop quyết định theo học tiến sĩ tại Trường đại học Worcester - ngôi trường sư phạm nổi tiếng tại nước Anh. Quay trở lại giảng đường ở độ tuổi 37, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: Sử dụng kịch để tăng cường giáo dục kỹ năng sống ở trẻ em khuyết tật.

Tại buổi lễ nhận bằng, Tiến sĩ Swaroop Sampat - Rawal chia sẻ: Ðể có được sự thừa nhận này, ngoài nỗ lực của bản thân, bà còn may mắn có được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương. Trước đó, bà đã dành rất nhiều thời gian đi gặp các giáo viên ở khắp Ấn Ðộ, đồng thời vận động các em nhỏ trong các bộ lạc thiểu số, hoặc trẻ em lang thang đến lớp đi học. Không chỉ dừng ở giáo dục phổ cập, việc nâng cao các kỹ năng sống cũng như hỗ trợ giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần của các em mới là những lĩnh vực bà tập trung nhất. May thay, điều ít ai để tâm tới ấy lại được lãnh đạo chính phủ lúc bấy giờ ủng hộ, và phê duyệt kế hoạch đưa vào giảng dạy chính thức tại các trường công lập.

Sau đó, bà Swaroop vẫn tiếp tục cộng tác với Trường đại học Worcester nghiên cứu, thành lập khoa đào tạo giáo dục xã hội cá nhân. Nội dung tấm văn bằng mới này sẽ giúp trang bị cho giáo viên các kỹ năng giảng dạy kỹ năng sống cần thiết cho học sinh một cách hiệu quả, khoa học. Với phương pháp này, bà có thể giúp được càng nhiều học sinh với các hoàn cảnh đời sống khác nhau - từ trẻ em đường phố, nông thôn, trẻ lao động sớm, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế, xã hội khó khăn... cho đến các em tại trường chuyên học tập hiệu quả nhất.

Thực tế, với mỗi nhóm trẻ em khác nhau, khi tiếp cận giảng dạy cũng sẽ đòi hỏi những phương thức khác nhau, mang lại những thách thức khác nhau cho giáo viên. Thế nhưng, tiến sĩ Swaroop đã cho thấy: Thông qua việc tổ chức diễn kịch trong lớp học, khoảng cách sẽ được xóa nhòa. Phương thức này lấy học sinh làm trọng tâm, giúp các em chủ động đề xuất sáng kiến, bên cạnh đó là các trò chơi, thảo luận nhóm… tạo nên một môi trường sư phạm thân thiện mà hiệu quả.

Không chỉ là “người đẹp”!

Trước khi trở thành một tiến sĩ giáo dục như hiện tại, trước cả khi là một người mẹ, bà Swaroop Sampat - Rawal là một hoa hậu, diễn viên, đạo diễn, người mẫu. Năm 1979, khi mới bước qua ngưỡng tuổi 20, bà tham dự cuộc thi sắc đẹp lớn nhất Ấn Ðộ lúc bấy giờ. Với sự ủng hộ hết lòng từ bố, bà đăng quang Hoa hậu Ấn Ðộ, và trở thành đại diện quốc gia đi thi Hoa hậu Hoàn vũ năm đó.

Niềm đam mê diễn xuất cũng được bà ấp ủ từ nhỏ. Ngày còn đi học thì làm thêm tại rạp hát, đến năm 1981 bà bắt đầu sự nghiệp diễn xuất qua bộ phim Nakhuda. Từ đó, “gia tài” phim ảnh của bà ngày một trở nên đồ sộ, như Sawaal, Ki and Ka, Uri: The Surgical Strike… Trong đó, khiến bà trở nên thật sự nổi tiếng, vượt thoát khỏi định kiến “người đẹp đóng phim” là serie hài Ye Jo Hai Zindagi (1984), với vai diễn Renu.

Ba năm sau thành công đó, ngay trong thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp diễn xuất, người hâm mộ đã vô cùng nuối tiếc khi bà quyết định lên xe hoa với mối tình “sét đánh” dài hơn một thập niên - ông Paresh Rawal, một diễn viên kiêm chính trị gia Ấn Ðộ.

Hai người gặp nhau lần đầu tại trường đại học, và ông Paresh đã phải lòng vợ mình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ðến bây giờ bà Swaroop vẫn hay cười trêu chồng mình rằng: “Ðột nhiên ông ấy chạy đến trước mặt tôi và tuyên bố: “Tôi nhất định sẽ cưới bạn!” ngay khi mới gặp tôi lần đầu, thế mà tôi đợi cả năm sau ông ấy vẫn không hề nói thêm một câu gì!”.

Sau khi kết hôn, Swaroop hầu như đã rút hẳn khỏi giới giải trí để tập trung cho vai trò làm mẹ, làm vợ. Cho đến khi bà bén duyên với nghiệp “lái đò”, chồng và hai người con trai vẫn luôn là nguồn sức mạnh to lớn để bà kiên định với lý tưởng của mình. Ông Paresh Rawal, cho dù bận bịu với công việc đến đâu, cũng luôn sắp xếp để có mặt trong các buổi bảo vệ luận án hay ngày nhận bằng của vợ một cách tràn đầy tự hào. Ông mong muốn vợ mình sẽ hạnh phúc, và mọi người sẽ ghi nhớ đến bà với cái tên của chính bà, chứ không phải là danh xưng “vợ ông Paresh Rawal”.

Năm 2019, Swaroop lại gây sốc cho truyền thông Ấn Ðộ, nhưng đó là bởi việc bà lọt vào danh sách 10 người xuất sắc nhất của Giải thưởng giáo viên toàn cầu, chứ không phải tái xuất trong một vai diễn nào đó. Nữ hoàng màn bạc một thời đã lựa chọn dành cả phần đời còn lại cho việc tô điểm thêm những sắc màu lấp lánh cho hành trình thu nhận kiến thức cuộc sống, trong mắt trẻ em…