Ðứa trẻ "không nhà" và giấc mơ kỳ diệu

"Em muốn trở thành kiện tướng cờ vua trẻ nhất!", ôm trong tay chiếc cúp to bằng cả cơ thể mình, Tanitoluwa Adewumi (trong ảnh) rạng rỡ thốt lên. Không ai biết trước được tương lai. Thế nhưng, với cậu bé vô gia cư tám tuổi ấy, người chỉ sau một năm đến với môn thể thao ấy đã trở thành nhà vô địch toàn bang, có giấc mơ nào là quá xa vời?

Ðứa trẻ "không nhà" và giấc mơ kỳ diệu

Gia đình là điểm tựa

Thí một quân tượng để giữ một quân tốt, Tani đã giành ngôi vô địch giải Cờ vua bang New York, Mỹ (lứa tuổi từ mầm non đến lớp ba) theo một phong cách quyết đoán đáng ngạc nhiên như vậy. Có lẽ, cuộc sống khó khăn đã mang tới cho Tani sự can đảm điên rồ, cũng giống như quyết định của cha cậu - ông Kayode Adewumi – đưa cả gia đình tới một nơi xa lạ với ước nguyện "không muốn mất bất cứ người thân yêu nào".

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2017, khi họ trốn chạy khỏi cuộc xung đột ở miền bắc Nigeria, đến New York. Không có nhà, gia đình bốn người của Tani phải ở nhờ tại căn nhà tạm lánh dành cho người vô gia cư, dưới sự hỗ trợ của một mục sư. Dù vô cùng khó khăn, bố mẹ Tani vẫn cho em theo học tại trường tiểu học địa phương – Trường P.S 116. Ở lớp, có giờ học của một giáo viên cờ vua. Chỉ sau một buổi học cờ, Tani chạy về xin mẹ cho phép mình được tham gia câu lạc bộ (CLB) cờ vua của trường.

Khi nghe ước nguyện đó, mẹ em - chị Oluwatoyin Adewumi phải vận dụng hết vốn từ ngữ tiếng Anh ít ỏi mới học được của mình, để soạn một email gửi đến CLB cờ vua trình bày hoàn cảnh của gia đình, cũng như đam mê của Tani. May mắn thay, thầy Russell Makofsky - người phụ trách chương trình cờ vua của Trường P.S. 116 khi đó – sau khi đọc thư, quyết định miễn học phí cho cậu bé.

Tani tham gia giải đấu cờ vua đầu tiên với hệ số Elo thấp nhất trong tất cả những người tham dự - 105 điểm. Chẳng hề nhụt chí, điểm Elo của Tani tăng vượt bậc sau từng tháng. Hiện tại, con số ấy đã là 1.587 điểm và vẫn đang tiếp tục tăng.

Vậy nhưng, rời khỏi bàn cờ, Tani vẫn phải đối mặt thực tế cay đắng: Bị các bạn trêu chọc là "kẻ vô gia cư", nhiều lần ấm ức đến bật khóc. Thương con, ông bà Adewumi nỗ lực làm tất cả những gì có thể để ủng hộ con. Ngôi nhà trọ của họ tràn đầy tình yêu thương và sự gắn bó. Mẹ Tani không biết chơi cờ, nhưng thứ bảy nào chị cũng đi cùng con tới buổi luyện cờ miễn phí ba giờ ở khu Harlem. Bố Tani đi làm cả ngày, thì cứ tối về lại nhường máy tính xách tay cho con luyện tập cờ vua. Thậm chí, Tani còn được phép không đến dự những buổi lễ tại nhà thờ - điều vô cùng quan trọng với các gia đình theo Thiên Chúa giáo, để dành thời gian cho đam mê.

Ðứa trẻ "không nhà" và giấc mơ kỳ diệu ảnh 1

San sẻ yêu thương

Sau chiến thắng, câu chuyện của Tani trở nên nổi tiếng, và chân lý lại một lần nữa được khẳng định: Không thể đánh giá bất cứ ai thông qua xuất thân của họ, "nhà vô địch có thể đến từ bất cứ đâu". Thông qua trang gây quỹ GoFundMe, gia đình Tani đã nhận được tiền tài trợ từ rất nhiều mạnh thường quân, giúp họ có ngôi nhà đích thực của chính mình. Một cậu bé thì vẫn là một cậu bé. Lần đầu bước chân vào căn hộ mới, Tani chạy khắp nơi, hét toáng lên: "Tôi có một ngôi nhà, tôi có một ngôi nhà rồi!". Bố Tani cũng không khá hơn: "Ðây giống như một giấc mơ vậy! Nếu là mơ thì tôi chẳng muốn tỉnh dậy đâu!".

Tani đã có một nơi tốt hơn để tập đánh cờ, chứ không còn phải nằm dài trên sàn lạnh như trước nữa. Không chỉ vậy, các luật sư chuyên về vấn đề di cư – nhập cư đã đề nghị hỗ trợ chuyên nghiệp cho gia đình Adewumi. Rồi có đến tận ba công ty điện ảnh đang cạnh tranh để làm phim về Tani. Những trường học dân lập cũng tìm tới, muốn cấp học bổng cho em để em có cơ hội phát triển tài năng. Nhưng cuối cùng, gia đình Tani thống nhất với nhau rằng học bổng ấy nên để dành tới khi em lên trung học, còn hiện tại em vẫn sẽ theo học tại Trường P.S 116. Lý do ư? Họ không muốn phụ bạc nơi đã cho Tani cơ hội học cờ vua mà không thu một đồng học phí nào, khi điểm Elo của em mới chỉ là 105. Chị Oluwatoyin Adewumi đã ôm lấy bà Jane Hsu – Hiệu trưởng Trường P.S 116 thốt lên: "Ðây là ngôi trường đã đặt niềm tin vào Tani đầu tiên, nên con tôi sẽ chẳng đi đâu khác cả!".

Khi sức ảnh hưởng từ câu chuyện của em còn đang lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, gia đình Adewumi đã thành lập quỹ Tanitoluwa Adewumi với mục tiêu quyên góp để trợ giúp cho những người châu Phi nhập cư giống họ. Với số tiền nhận được, họ chia ra làm hai, 10% để xây dựng, tu sửa tại khu nhà tạm lánh trước đó họ đã nương nhờ, phần còn lại chính là khoản tiền đầu tiên tạo nên quỹ mang tên Tani.

Họ không dư dả gì. Hiện bố Tani vẫn phải làm một lúc hai công việc: lái xe Uber và bán bất động sản thông qua Brick & Mortar. Còn mẹ em thì đã xin được làm trợ lý chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện. Hoàn cảnh gia đình vẫn khó khăn, nhưng khi chi phóng tay 200.000 USD, ông Kayode Adewumi chỉ nhún vai: "Tôi chỉ muốn giúp đỡ những đứa trẻ khác, nên cũng không quá để ý đến việc tiền biến mất đâu!".

Bằng tình yêu thương và sự ủng hộ tận tụy, gia đình ấy đã tạo nên Tanitoluwa Adewumi – một kỳ thủ xuất sắc của làng cờ vua tương lai. Chắc chắn, thông qua quỹ của họ, với những thông điệp đầy nhân văn và kỳ diệu xuất phát từ họ, cơ hội sẽ còn mở rộng với rất nhiều những đứa trẻ nhập cư không nhà…