Tỷ phú mộng mơ

Yusaku Maezawa lại vừa khiến toàn thế giới chú ý với một trò “chơi ngông” của mình. Vị tỷ phú sắp bước sang tuổi 43 trở thành người đầu tiên đăng ký bay lên Mặt trăng theo dịch vụ hàng không vũ trụ tư nhân. Vậy nhưng, đó không phải là lần đầu ông “chịu chơi” đến thế.

Tỷ phú mộng mơ

Kẻ ngược đời

Yusaku Maezawa là tỷ phú trẻ nhất trong số 20 người giàu nhất Nhật Bản. Phần lớn trong số họ sống cuộc sống của lớp người Nhật Bản thế hệ cũ, trưởng thành giai đoạn hậu chiến: cần mẫn, chăm chỉ làm việc, tích lũy của cải, tận hưởng phút an nhàn bên gia đình. Nhưng Maezawa thì khác.

Ông không phải người giàu nhất, nhưng chắc chắn là tỷ phú tiêu tiền “ngông” nhất Nhật Bản. Hai năm qua, ông đã chi gần 300 triệu USD để sở hữu những bức tranh yêu thích. Con số này có lẽ còn lớn hơn cả tấm vé cho chuyến du hành lên Mặt trăng của ông vài năm tới. Trong số đó, riêng bức tranh Vô đề của họa sĩ Jean-Michel Basquiat có giá tới 110 triệu USD vào năm ngoái, sau một cuộc đấu giá. “Tôi rất vui vì có thể thông báo đến mọi người tôi vừa mua được bức tranh này” - Maezawa viết trên mạng xã hội - “Ngay từ lần đầu nhìn bức tranh này, tôi đã vô cùng phấn khích. Tình yêu nghệ thuật trong tôi trào dâng, và tôi muốn chia sẻ trải nghiệm đó đến mọi người”.

Suốt hơn 40 năm cuộc đời, Maezawa đã luôn làm những chuyện ngược đời như thế. Ông không muốn làm một người Nhật “điển hình”, mà luôn muốn sống theo phong cách riêng của mình. Lý do rất đơn giản: Maezawa vốn không phải doanh nhân, và cái duyên kinh doanh đến với ông như một định mệnh.

Ngã rẽ bất ngờ

Thuở nhỏ, Maezawa học rất giỏi. Ông thi đỗ vào trường THPT chuyên thuộc Đại học Waseda, một trong những trường danh giá nhất Nhật Bản. Nhưng kể từ ngày đó, niềm đam mê nghệ thuật cũng cuốn ông đi. Maezawa thích dành thời gian cùng ban nhạc của mình, thay vì học hành.

“Năm đầu tiên ở trường trung học, tôi gần như chỉ có chơi nhạc, đến năm tiếp theo mới bớt đi một chút”, Maezawa hồi tưởng. Thời còn học phổ thông, Maezawa bắt tàu điện đi học mỗi ngày. Tại những chuyến tàu, ông từng chứng kiến khuôn mặt của vô vàn nhân viên văn phòng tất bật đến cơ quan.

“Tôi thấy họ như bị mắc kẹt trong công việc, lúc nào cũng hối hả, khuôn mặt luôn khắc khổ. Vậy nên tôi không muốn vào đại học rồi đi làm như họ. Tốt nghiệp phổ thông, thay vì vào đại học, tôi lên đường đến Mỹ. Tôi lấy cớ là để chơi nhạc cùng các bạn tại Mỹ, nhưng thực chất là để đến sống cùng bạn gái hồi đó thôi. Cô ấy chọn sang Mỹ du học”, Maezawa giải thích.

Đó cũng là lúc Maezawa vô tình bén duyên với nghiệp kinh doanh. Ông cùng ban nhạc của mình ghi lại một số ca khúc vào băng đĩa, rồi gửi tới một công ty thu âm. Tại đây, Maezawa thấy có rất nhiều đĩa nhạc độc đáo được bày bán, một số đĩa ông chưa từng thấy ở Nhật. Vậy là máu sưu tầm của ông bắt đầu nổi lên.

Maezawa kiếm tiền nhờ chơi nhạc tại Mỹ, rồi mua, sưu tầm những đĩa nhạc độc đáo. Khi ông trở về Nhật Bản hai năm sau, “gia tài” mang theo là hàng trăm đĩa nhạc có một không hai. Bạn bè và người quen mê mẩn với những đĩa nhạc hiếm Maezawa có, và họ sẵn sàng mua với giá cao hơn gấp nhiều lần.

“Sao mình không kinh doanh mặt hàng này nhỉ?”. Nghĩ là làm, Maezawa cùng một vài người bạn thành lập công ty chuyên nhận đặt mua đĩa nhạc qua thư và điện thoại. Đó là năm 1995, khi ông mới 20 tuổi. Công việc nhanh chóng thuận lợi và gặt hái thành công.

“Tôi may mắn khi kinh doanh ở lĩnh vực theo sở thích, và khách hàng có chung đam mê với mình”, ông chia sẻ bí quyết. “Sau khi thành công ở lĩnh vực kinh doanh băng đĩa, tôi lấn sân sang mảng thời trang”.

Đó cũng là lúc Maezawa quyết định mạo hiểm. Thị trường kinh doanh thời trang tại Nhật Bản khi đó đã gần bước vào giai đoạn bão hòa, và mảng bán hàng trực tuyến cũng nhanh chóng bị một số tập đoàn lớn chiếm thị phần. Nhưng Maezawa tiếp tục thắng lớn, với hơn sáu triệu khách hàng thường xuyên cùng doanh thu hàng nghìn tỷ yên mỗi năm.

Đâu là bí quyết giúp Maezawa thành công? “Sản phẩm của tôi phần lớn là hàng “độc nhất vô nhị’”, ông giải thích. “Có khoảng hơn 2.000 sản phẩm ở đó, nhưng hơn một nửa đều là hàng chỉ do chúng tôi phân phối, không bán ở đâu khác. Các nhãn hàng đó cảm thấy sản phẩm của họ phải tạo ấn tượng độc đáo, vậy nên họ muốn bán sản phẩm theo cách độc đáo nhất có thể. Thiết kế trang bán hàng và hình ảnh sản phẩm chúng tôi chụp thỏa mãn điều đó”.

Thời kỳ đầu, đích thân Maezawa là người thiết kế trang bán hàng của công ty. Ông tự học lập trình, thiết kế để có giao diện độc đáo nhất, thỏa mãn yêu cầu của ông lẫn người bán. Maezawa luôn cố gắng tự làm những việc cần thiết để giúp công việc đạt hiệu quả cao nhất.

Mãi là nghệ sĩ

Công việc kinh doanh giúp Maezawa trở thành tỷ phú, nhưng cũng khiến ông phải từ bỏ đam mê. Ông không thể trở thành ngôi sao ca nhạc được nữa. Tuy vậy, “máu nghệ sĩ” chưa bao giờ ngừng chảy trong con người Maezawa. Năm 2012, sau khi công ty của ông chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, Maezawa lập tức thay đổi chính sách làm việc.

Trong bối cảnh rất nhiều người lao động tại Nhật Bản kiệt sức vì làm việc quá giờ, công ty của Maezawa trở thành “thiên đường” với người lao động. Maezawa áp dụng chính sách làm việc không quá sáu giờ mỗi ngày cho toàn bộ nhân viên của ông.

“Tôi hy vọng họ sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho sở thích, thay vì cứ cắm đầu vào công việc”, ông lý giải. Maezawa không bao giờ muốn nhìn thấy nhân viên của ông có khuôn mặt như những nhân viên văn phòng ông từng thấy: Tất bật, hối hả, bị ám ảnh vì công việc.

Bản thân Maezawa cũng không bao giờ là người sống theo khuôn phép. Ông chuẩn bị bước sang tuổi 43, chưa một lần lên xe hoa, nhưng là cha của ba người con. Đó là kết quả từ hai mối tình trong quá khứ, và tất cả họ đều được ông chu cấp đầy đủ.

Maezawa, thực ra cũng hoàn toàn không bỏ hàng trăm triệu USD mua những bức tranh “cho vui”. Ông ấp ủ dự định mở một bảo tàng nghệ thuật lớn tại quê nhà, tỉnh Chiba. Ở đó, ông sẽ trưng bày những tác phẩm nghệ thuật sưu tầm ở khắp nơi trên toàn thế giới, và chia sẻ đến mọi người.

Chuyến đi lên Mặt trăng trong 5 năm tới của Maezawa cũng là một dự án nghệ thuật. Trong vòng sáu ngày, ông sẽ đi cùng sáu nghệ sĩ khác thực hiện một chương trình nghệ thuật ngoài không gian có tên Chào Mặt trăng. Đó vẫn luôn là một người nghệ sĩ, và việc trở thành tỷ phú chỉ là phương tiện giúp ông thỏa sức sống cùng đam mê.

Tỷ phú mộng mơ ảnh 1