Từ vỉa hè đến cổng trường Harvard

“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” có lẽ là sự ví von khá chính xác dành cho Elizabeth “Liz” Murray. Xuất thân dưới đáy xã hội, nhưng Liz vẫn bền chí để vươn tới đỉnh cao trên con đường học vấn.

Từ vỉa hè đến cổng trường Harvard

Nữ sinh vô gia cư

Liz Murray sinh ngày 23-9-1980 tại thành phố New York (Mỹ), và trải qua tuổi thơ chìm đắm trong bi kịch. Vì những biến cố trong gia đình, cô và người chị gái Lisa phải tự chăm sóc bản thân ngay từ khi còn rất nhỏ. Ở tuổi lên 9, Liz đã bắt đầu đi làm kiếm tiền. Công việc của cô hồi đó là giúp các nhân viên siêu thị xếp đồ.

Bố mẹ Liz từng là những người lao động chăm chỉ, cho đến một ngày họ dính vào ma túy. Suốt những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ông bà Murray sống vất vưởng bằng tiền trợ cấp xã hội. Phần lớn trong số đó được dùng để phục vụ những cơn nghiện khiến họ vật vã mỗi ngày. Nhưng bi kịch với cô bé Liz vẫn chưa dừng lại ở đấy. Năm 1991, mẹ Liz bị chẩn đoán nhiễm HIV/AIDS, và bà thậm chí còn lây căn bệnh thế kỷ cho chồng. Đó cũng là khoảnh khắc gia đình Liz tan vỡ.

Mẹ Liz chuyển đến sống với một người đàn ông khác và mang theo cô chị Lisa, còn bố cô chuyển đến sống ở trung tâm hỗ trợ người vô gia cư. Ở thời điểm đó, nhận thức của xã hội về HIV/AIDS còn rất hạn chế. Cái chết của nam ca sĩ Freddie Mercury vì AIDS xảy ra đúng vào năm 1991 càng khiến những người nhiễm HIV, cũng như người thân của họ khốn đốn hơn. Ai cũng nghĩ HIV là một con virus có thể dễ dàng lây lan như bệnh cúm.

Từ vỉa hè đến cổng trường Harvard ảnh 1


Mặc cảm vì gia đình là nguyên nhân khiến chuyện học tập của Liz bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi bước vào bậc trung học, cô gần như không bao giờ đến lớp. Mỗi tối, cô nằm ngủ ở bất cứ nơi nào thấy tiện, dù đó là giữa công viên, hè phố hay ga tàu. Cuộc sống của Liz có thể đã trượt dài mãi mãi nếu như không có thêm một biến cố khác xảy đến.

Thức tỉnh

Năm 1996, bà Murray - mẹ Liz - qua đời vì AIDS. Cái chết của người mẹ khiến Liz phải nghiêm túc nhìn nhận lại cuộc đời mình. Cô mới 16 tuổi. Cô không muốn tiếp tục kéo dài chuỗi ngày sống như một người vô gia cư nữa. Cô cũng không muốn chết như mẹ mình.

Liz quay lại trường trung học và miệt mài vùi đầu vào đèn sách. Chính nỗ lực ấy đã giúp cô sớm trở thành một trong những học sinh giỏi nhất trường, dù ban đầu cô thua sút rất nhiều so với bạn cùng lớp. Liz chỉ mất hai năm để hoàn tất bậc trung học, thay vì bốn năm như những người khác.

Cuộc sống tự lập, vừa học vừa làm của một thiếu nữ ở tuổi 16 không hề dễ dàng. Sau giờ học trên lớp, Liz tiếp tục cần mẫn làm việc để có thêm thu nhập. Việc ngủ lại chỗ làm sau những giờ làm việc khuya dần trở nên quen thuộc với Liz, bởi ít ra nơi đó còn an toàn hơn rất nhiều so với đường phố New York. Tuy nhiên, để có thể học tập bình thường giống bạn bè, Liz đã phải nói dối về gia cảnh.

Không một giáo viên nào biết Liz là người vô gia cư, vì điều đó có thể khiến cô bị đưa vào trung tâm bảo trợ trẻ em. Liz chỉ tiết lộ chuyện này cho một số người bạn cực kỳ thân thiết, để họ giúp cô. Nhà bạn bè trở thành nơi Liz thường xuyên trú ngụ. Cô có thể ghi địa chỉ nhà của họ trong lý lịch để che giấu thân phận. Mọi thứ đều êm xuôi trót lọt, cho đến ngày Liz quyết định công khai mọi thứ về bản thân.

Năm 1997, Liz là một trong số 10 học sinh tiêu biểu của trường được thưởng một chuyến dã ngoại vì thành tích học tập tốt. Điểm đến là thành phố Boston, nơi có Đại học Harvard lừng danh. Khi tất cả cùng đứng chụp hình dưới chân bức tượng John Harvard, Liz mới nhận ra mình đã tiến xa thế nào trong vài năm ngắn ngủi. Mọi chuyện có thể đã rất khác nếu như trong quá khứ cô tiếp tục giữ lấy sự tự ti, thay vì nhìn về tương lai.

“Tôi tự nhủ với bản thân: Chẳng phải là điểm số của tôi cũng cao như những người đang đứng bên cạnh mình đó sao”, Liz hồi tưởng. “Tôi có thể học tốt như họ, dù xuất phát điểm của tôi kém họ. Tôi sinh ra và lớn lên trong mặc cảm nghèo khó. Nhưng giờ đây tôi có thể đến và đứng trước cổng trường Harvard. Chỉ cần tiếp tục học tập tốt và bước vào đó, tôi có thể chứng minh chẳng có rào cản nào ngăn cách mọi người đến với thành công cả”.

Người truyền cảm hứng

Sau chuyến thăm Trường Harvard, Liz biết đây là ngưỡng cửa cô muốn bước qua. Các giáo viên dạy Liz cũng rất ủng hộ quyết định của cô, bởi họ biết Liz có thể biến giấc mơ thành hiện thực. Trường Harvard lập tức nhận Liz vào học sau khi tiếp nhận đơn đăng ký, vì họ cũng không muốn bỏ qua một học sinh xuất sắc như thế.

Vấn đề với Liz bây giờ chỉ còn là chuyện học phí, thế nên cô quyết định săn học bổng dành cho những học sinh nghèo vượt khó tại Mỹ. Giữa hàng trăm ứng viên muốn nhận học bổng từ tờ Thời báo New York danh giá, Liz được chọn. Đó cũng là lúc Liz giãi bày về bản thân mình, về con đường từ một người vô gia cư trở thành nữ sinh Trường Harvard.

Chính bản thân Liz cũng không nghĩ câu chuyện về cuộc đời cô sau đó lại được Thời báo New York chọn đăng. Cả nước Mỹ chấn động vì câu chuyện của cô gái trẻ. Liz không chỉ phơi bày một phần tăm tối về số phận cùng cực của những người nghèo khó sống giữa nước Mỹ giàu có, mà còn cho thấy khát vọng vượt qua khó khăn của họ.

Hàng trăm nhà hảo tâm sau khi biết tin đã đến Harvard chỉ để gặp gỡ Liz. Họ giúp cô thuê nhà và hỗ trợ chi phí ăn ở, để Liz chính thức thoát khỏi cuộc sống của người vô gia cư. Điều này khiến Liz càng xúc động và tin tưởng vào lòng tốt của con người. Đáp lại tấm lòng của họ, Liz trở thành một diễn giả. Cô đi khắp nơi trên thế giới, để truyền cảm hứng cho những thanh niên nghèo khó như cô trước kia.

Trong thời gian theo học tại Harvard, vào năm 23 tuổi, Liz một lần nữa tạm ngưng việc học. Nhưng lần này, cô tạm gác bút nghiên để hoàn thành nghĩa vụ của một người con. Trong những ngày cuối đời của ông Murray luôn có Liz bên cạnh. Ngày ra đi, ông có thể mỉm cười mãn nguyện và tự hào về hai cô con gái. Trước Liz, cô chị Lisa cũng theo học đại học rồi trở thành giáo viên. Hành trình của hai chị em họ là minh chứng rõ nhất cho thấy: Nghịch cảnh không phải lúc nào cũng có thể ngăn cản khát vọng vươn lên.