Từ những ám ảnh thất bại

Khi Netflix ra đời vào năm 1997, thế giới giải trí - truyền thông vẫn còn quanh quẩn với các chương trình truyền hình cùng những cửa hàng băng đĩa nhỏ hẹp. Giờ đây, Netflix đã trở thành đế chế giải trí trực tuyến toàn cầu trị giá hơn 153 tỷ USD, đồng thời đưa nhà sáng lập Reed Hastings vào danh sách các tỷ phú công nghệ hàng đầu thế giới.

Từ những ám ảnh thất bại

Bị…phạt tiền, thế là khởi nghiệp!

Ý tưởng thành lập Netflix đến, rất khó tin, sau khi Hastings bị phạt 40 USD, vì trả chậm đĩa phim từ hệ thống cửa hàng cho thuê băng đĩa Blockbuster. Hastings cùng với người bạn Marc Randolph ngay sau đó đã cùng nhau nuôi ý tưởng thành lập một công ty cho thuê DVD qua thư điện tử.

Sớm nhận ra rằng những ngày hoàng kim của các loại băng đĩa truyền thống như CD, DVD rồi sẽ chấm dứt, Hastings cùng đội ngũ bắt đầu nghiên cứu việc dựa vào nền tảng Internet. Vì thế, ông quyết định chuyển hướng hoạt động của Netflix sang dịch vụ truyền hình trực tuyến. Theo đó, người dùng có thể sử dụng thông qua một phần mềm có thể tích hợp tất cả các sản phẩm điện tử như TV hay đầu DVD có kết nối băng thông rộng. Và đặc biệt, hệ thống sẽ không bao giờ hết phim như những cửa hàng cho thuê băng đĩa.

Rất táo bạo, bởi thời điểm cuối thập niên 1990 ấy, chỉ có chưa đầy 7% hộ gia đình Mỹ có kết nối băng thông rộng tại nhà. Hastings muốn đi trước một bước, thay vì ngồi chờ các đối thủ “nuốt chửng” mình.

Một điều thú vị: Gã khổng lồ Blockbuster đã từ chối mua startup Netflix với giá 50 triệu USD vào năm 2000. Theo đó, Netflix đề nghị sẽ sử dụng kho video của Blockbuster và quảng cáo thương hiệu cho hãng. Đổi lại, Blockbuster sẽ cung cấp dịch vụ cho Netflix trong các cửa hàng của mình. Điều họ nhận được là sự chế nhạo từ các lãnh đạo Blockbuster. Không ai ngờ rằng, 10 năm sau, Blockbuster phá sản do sự lỗi thời của hình thức cho thuê DVD, còn Netflix trở thành công ty cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến hàng đầu của Mỹ, với tổng giá trị cao gấp 10 lần Blockbuster vào thời “oanh liệt”.

30 tuổi vẫn trắng tay

Sinh năm 1960 tại bang Massachusetts (Mỹ), Hastings có bằng cử nhân toán học. Sau đó, ông gia nhập Peace Corps, tham gia dạy toán cho học sinh phổ thông trong hai năm ở nước Swaziland - trải nghiệm từng được ông ví là “sự kết hợp giữa dịch vụ và thám hiểm”. Trở về Mỹ, Hastings lấy bằng thạc sĩ trí tuệ nhân tạo tại đại học Stanford - ngôi trường biến ông thành một doanh nhân, như ông thừa nhận. Năm 1991, ở tuổi 31, Hastings thành lập hãng phần mềm Pure - một công cụ chuyên sửa lỗi cho các kỹ sư phần mềm. Đến năm 1997, Rational Software mua lại Pure với giá 750 triệu USD. Và với số tiền này, Hastings mới bắt đầu phác họa Netflix.

Khi Netflix dịch chuyển dần sang kinh doanh dịch vụ truyền hình trực tuyến vào năm 2007, hệ thống này nhanh chóng đạt mốc 16 triệu người dùng trong vòng ba năm. Tăng trưởng quá “nóng” khiến Netflix sớm rơi vào khủng hoảng, khi tách riêng mảng kinh doanh cho thuê DVD và xem phim trực tuyến. Mâu thuẫn giữa Hastings và các lãnh đạo cao cấp của hãng càng bồi thêm thiệt hại nghiêm trọng khi Netflix mất đi một loạt trụ cột.

Cơn bĩ cực chưa chấm dứt. Tháng 10-2011, Hastings buộc phải đóng cửa Qwikster - công ty con cho thuê DVD thuộc Netflix, chỉ sau ba tuần ra mắt. Hastings viết trong “tâm thư” gửi khách hàng: “Sau khi những sự việc đáng tiếc này xảy ra, tôi mới nhận ra rằng mình là một kẻ kiêu ngạo bởi quá tự tin và khư khư giữ lấy những thành công trong quá khứ của mình”.

Netflix chỉ thật sự “thay da đổi thịt” khi Hastings quyết định mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sản xuất các chương trình truyền hình và phim truyện độc quyền. Năm 2013, hãng ra mắt loạt chương trình truyền hình đầu tiên mang tên House of Cards. Thay vì được trình chiếu hằng tuần trên các đài, 13 tập phim được ra mắt trọn vẹn trong cùng một ngày, trái với nguyên tắc “nhỏ giọt” từng tập của truyền hình truyền thống. Với cách làm này, Netflix đã thật sự thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. “Tung ra 13 tập phim liên tiếp lên sóng không phải là một canh bạc. Đây là cách để khách hàng thoải mái kiểm soát việc họ giải trí khi nào và như thế nào”, Hastings nói.

Khách hàng đã phản ứng tích cực trước sự “hào phóng” ấy. Giá cổ phiếu Netflix tăng chóng mặt. Về mặt nghệ thuật, những bộ phim do hãng tự sản xuất cũng nhận được sự tán thưởng từ các nhà làm phim và phê bình. House of Cards được chín đề cử qua các mùa Emmy và ba lần giành chiến thắng trước những chương trình truyền thống. Hiện tại, bộ phim đã kéo dài đến mùa thứ năm.

Hastings là một tài năng khác biệt và ưa thích tự do. Tại Netflix, ông không có một văn phòng riêng tại trụ sở chính của công ty. Ông quản lý nhân viên bằng cách đi lang thang và hội họp bất kỳ khi nào cảm thấy thuận tiện. Chính tính cách ấy đã phản chiếu lên chiến lược tăng trưởng của công ty. Để thu hút những khách hàng tiềm năng, Netflix luôn chào mời các “thượng đế” một tháng thử dùng dịch vụ không mất phí. Chiến lược luôn chú trọng tạo nhiều thiện cảm thông qua giao tiếp và chất lượng sản phẩm, hơn là cố gắng sử dụng mánh khóe để làm tăng số lượng người dùng đăng ký dịch vụ.

Thảm đỏ không có hoa hồng

Sự trỗi dậy của Netflix ở lĩnh vực sản xuất và phát hành phim đã khiến các hãng phim truyền thống “nóng mắt”. Theo truyền thống, các phim điện ảnh phải chiếu tại rạp trong 90 ngày trước khi xuất hiện trên các phương tiện như DVD hay truyền hình. Doanh thu tại rạp sẽ được chia cho cả hãng phim và rạp và đó cũng là nguồn sống của rạp phim. Việc một bộ phim chiếu trực tuyến trên Netflix cùng lúc với ra rạp sẽ phá vỡ hoàn toàn mô hình này, thậm chí có thể hủy diệt doanh số của các bộ phim vừa và nhỏ. Chắc chắn, sẽ có không ít khán giả chọn cách xem ở nhà thay vì xem ngoài rạp.

Năm 2015, nhiều chuỗi rạp ở Mỹ đã tuyên chiến với Netflix bằng cách tẩy chay Beasts of No Nation - bộ phim điện ảnh do hãng sản xuất. “Đây không phải không gian bình đẳng”, nhà phân tích Phil Contrino của BoxOffice nhận xét. “Quả bom phát nổ” khi Netflix bị Liên hoan phim uy tín và lâu đời bậc nhất thế giới Cannes “tẩy chay” vào đầu năm 2018, khi không chịu thỏa hiệp bằng cách chiếu ở rạp mà vẫn trung thành với định dạng trình chiếu trực tuyến.

Nhưng dù sao, Netflix cũng đã thành công rực rỡ. Chính những nỗi ám ảnh thất bại trong quá khứ đã trở thành tiền đề cho tiến trình phát triển bền vững của họ, như bây giờ.

Từ những ám ảnh thất bại ảnh 1