Trò chuyện cùng “những người khổng lồ”

Trong hàng chục năm qua, nhà báo kỳ cựu người Mỹ Tom Plate thực hiện hàng loạt cuộc phỏng vấn độc quyền với những lãnh đạo cấp cao nhất của các nước và tổ chức thế giới. Nguyên nhân mà ông dễ dàng được chào đón đến vậy, có lẽ bởi ông là người hiếm hoi thành công trong việc biến các cuộc phỏng vấn thành một môn nghệ thuật.

Trò chuyện cùng “những người khổng lồ”

Ra vào phủ tổng thống “như cơm bữa”

Tom Plate thường xuyên lui tới những nơi mà bất kỳ phóng viên nào trên thế giới đều mơ ước, từ Nhà trắng ở Washington (Mỹ) tới số 10 phố Downing tại Luân Đôn (Anh), Nhà xanh tại Hàn Quốc, hay văn phòng Thủ tướng Singapore tại dinh thự Istana… Tom thực hiện được các cuộc phỏng vấn, phần lớn là độc quyền, với các nhân vật chính trị hàng đầu thế giới, như các Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Bill Clinton, các Thủ tướng Anh John Major và Tony Blair, các Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi và Junichiro Koizumi, các Tổng thống Hàn Quốc Kim Young Sam và Kim Dae Jung… Cựu Đại sứ Singapore tại Liên hợp quốc Kishore Mahbubani từng nhận xét: Với việc may mắn được tiếp xúc những nhân vật quan trọng hàng đầu, Tom Plate là một trong số ít những nhà báo hiểu đúng được “những câu chuyện to lớn nhất” của thế giới.

Thomas Gordon Plate sinh ngày 17-5-1944 tại New York, Mỹ. Tom “bén duyên” với nghề báo từ hồi 15 tuổi, khi ông trở thành biên tập viên của The Whitman Window - tờ báo của trường trung học mà Tom đang theo học. Theo đuổi đam mê, Tom tiếp tục trở thành biên tập viên cấp cao của tờ Amherst Student, khi học bằng cử nhân tại Amherst. Bài xã luận của Tom Plate đăng tháng 3-1965 trên Amherst Student, đưa ra những lập luận sắc bén chống lại sự can dự của quân đội Mỹ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam, trở thành một trong những bài báo đầu tiên của phong trào phản chiến trong giới học sinh, sinh viên Mỹ.

Tom Plate nhận bằng thạc sĩ hành chính công và ngoại giao tại Trường Chính sách công và ngoại giao Woodrow Wilson (thuộc Đại học Princeton). Ông là tác giả của hơn mười đầu sách, và từng cộng tác với hàng loạt ấn phẩm quốc tế nổi tiếng, như Time, Newsday, New York Magazine, CBS và The Daily Mail… Tom nhận nhiều giải thưởng của Hiệp hội Biên tập báo của Mỹ. Ông từng ba năm liên tiếp nhận giải Biên tập viên xuất sắc nhất của Câu lạc bộ Báo chí Los Angeles, ba lần nhận giải của Hiệp hội Nhà xuất bản báo chí California.

Châu Á là trung tâm

Trò chuyện cùng “những người khổng lồ” ảnh 1

Tom Plate và Thủ tướng Xin-ga-po Lý Quang Diệu

Từ năm 1996, Tom Plate bắt đầu tập trung viết về châu Á, về mối quan hệ giữa Mỹ với vành đai Thái Bình Dương và thường xuyên đến các nước châu Á. Trong hơn hai mươi năm qua, Plate giữ chuyên mục bình luận về châu Á cho The South China Morning Post (Hồng Công, Trung Quốc), The Straits Times (Singapore), The Khaleej Times (Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất), The Japan Times (Nhật Bản), The Korea Times (Hàn Quốc), The Jakarta Post (Indonesia)… Luôn đặt châu Á ở vị trí trung tâm của trục tư duy, Tom Plate miệt mài đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Yếu tố nào đứng đằng sau sự tăng trưởng thần kỳ của các nước châu Á; và các nhà lãnh đạo đóng vai trò như thế nào trong thành công đó? Để trả lời cho những băn khoăn, Tom chọn cách đã làm nên thương hiệu của riêng mình: Tới trò chuyện trực tiếp với các chính trị gia, các lãnh đạo ở cấp cao nhất. Bốn cuốn trong bộ sách Những người khổng lồ châu Á ra đời như vậy, dựa trên các cuộc phỏng vấn độc quyền kéo dài hàng giờ đồng hồ với các nguyên thủ Lý Quang Diệu của Singapore, Mahathir Mohamad của Malaysia, Thaksin Shinawatra của Thái-lan và cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

Nathan Gardels, cây viết của tờ Huffington Post cho rằng: Trong giới báo chí có hai kiểu can đảm. Kiểu thứ nhất là liều mạng vượt hàng vạn dặm, lăn lội tới hiện trường đầy bom đạn. Kiểu thứ hai hiếm hoi hơn, là chọn con đường mạo hiểm tiếng tăm của mình để chống lại đám đông tầm thường. Tom Plate, người phụ trách chuyên mục duy nhất về châu Á ở Mỹ liều lĩnh chọn kiểu thứ hai.

Bằng kỹ năng giao tiếp của mình, Tom Plate khiến những người được phỏng vấn trải lòng, dù họ ban đầu không dự tính như vậy. Từ những vấn đề mang tầm vĩ mô thế giới, những giải thích cho các quyết sách ảnh hưởng toàn bộ kinh tế, chính trị, xã hội của một quốc gia, tới sở thích, yêu ghét cá nhân, chuyện con cái… đều được các nhân vật bộc bạch một cách chân thực trong các cuộc phỏng vấn do Tom Plate thực hiện. Nhân vật trong các ấn phẩm của Tom chân thực đến nỗi báo The National cho rằng, sách của ông sẽ là công cụ vô giá cho các nhà sử học, các nhà viết tiểu thuyết, hay bất kỳ người nào muốn tìm hiểu những chính trị gia - “những người khổng lồ” của châu Á.

“Thú tội”

Trong cuốn sách mang tựa đề Lời thú tội của một nhà báo Mỹ, Tom Plate ôn lại chặng đường dài trong nghề báo, với những lần tiếp xúc các nguyên thủ quốc gia, cách thức để có được cuộc phỏng vấn độc quyền, cách khai thác những câu chuyện “bếp núc” của nghề báo... Tom “tự thú” về những “mánh khóe” để tiếp cận được với các nhân vật quan trọng, về phương pháp “đâm chọc” để có được bài báo độc quyền gây sốc, hay những câu chuyện đậm dấu ấn cá nhân. Đúc rút kinh nghiệm sau hàng chục năm lăn lộn, Tom chiêm nghiệm: Cách để biến một cựu thủ tướng, tổng thống hay Tổng Thư ký Liên hợp quốc trở nên đời thường hơn, nhân văn hơn chỉ là hãy nghĩ về cuộc tiếp xúc với họ như những cuộc trò chuyện dài giữa những người lớn trưởng thành, chứ không phải cuộc phỏng vấn, càng không phải là “những cuộc châm chích giữa những gã choai choai hiếu thắng”.

Tom cũng thú nhận: Tại Mỹ, nơi nền báo chí được xem là phát triển bậc nhất thế giới, vấn đề đạo đức của ngành truyền thông lại chưa được quan tâm một cách thấu đáo. Chỉ ra những khuyết điểm của nền báo chí Mỹ vốn được coi là dân chủ và công bằng, Tom cho rằng: Chỉ khi nhà báo xác lập được chuẩn mực đạo đức, thì mới có thể đủ tư cách cầm bút phê phán các hiện tượng xã hội.

Và bên cạnh việc viết báo, Tom Plate còn là một nhà sư phạm. Ông từng tham gia giảng về truyền thông và chính trị châu Á tại Trường đại học California, Los Angeles (UCLA), cũng như thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng về nghề báo tại nhiều trường đại học trên khắp thế giới. Hiện, giáo sư Tom Plate là học giả ưu tú của Trường đại học Loyola Marymount ở Los Angeles, là giảng viên thỉnh giảng tại khoa châu Á và quan hệ Á-Mỹ tại Trường đại học Khoa học và nghệ thuật Bellarmine và tại Trường đại học Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất. Tom còn là nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Mạng lưới truyền thông châu Á - Thái Bình Dương (APMN) và Trung tâm truyền thông Viễn cảnh Thái Bình Dương, chuyên viết các bài xã luận sâu sắc về khu vực Thái Bình Dương.

Ông vẫn muốn chỉ cho các thế hệ phóng viên tiếp nối cách “trò chuyện với những người khổng lồ”…