Trạm dừng chân trên đường di trú

Du học Quản trị kinh doanh tại Anh từ năm 1998, tới nay Trần Vân Anh đã làm việc cho ba hãng luật tư nhân. Thời gian tham gia Tổ chức Hỗ trợ người nhập cư Manchester là mốc khởi đầu, để Vân Anh kết nối và gắn bó với nhiều khách hàng gốc Việt. Họ tìm cô, đến với cô, như đến với một trạm dừng cần thiết trên nẻo đường di trú Anh quốc.

Trạm dừng chân trên đường di trú

Một câu chuyện nhỏ

"Giấc mơ Anh quốc" vẫn đang bị tô hồng hoặc bôi đen, do sự thiếu hiểu biết thực tế của không ít người gốc Việt đang sống trong lòng châu Âu. Gần đây, một người bạn tôi quen sơ đã định cư tại Ðông Âu được ba năm hoan hỉ khoe: "Người quen của chồng tớ làm việc cho Ủy ban Người nhập cư tại Anh. Ông ấy khuyên cả nhà chuyển sang Anh đi, ông ấy đã giữ sẵn cho một ngôi nhà. Sang đó chồng sẽ có việc làm ngay, được cấp NINO (bảo hiểm quốc gia cho người nhập cư). Con cái được học trường tốt, an sinh xã hội rất ổn".

Mừng rỡ, cuối hè vừa rồi cả gia đình người bạn ấy chất đồ lên xe, vượt mấy nghìn cây số sang Luân Ðôn. Hơn tuần sau, bạn nhắn tin: "Nhà tớ sang Anh tìm hiểu cuộc sống, thấy không ổn nên quay về rồi. Tài chính chỉ đủ thuê một phòng khép kín 20 mét vuông, cầu thang bé như thang lên chùa Một Cột. Nước Anh đang đóng cửa không cấp NINO cho người nhập cư, nên chồng tớ không có khả năng ký hợp đồng làm việc để có bảng lương, chỉ có thể làm việc nhận tiền mặt như dân "xã hội đen" vậy. Như thế con tớ cũng không có bảo hiểm an sinh xã hội. Ðây là thực trạng chung của nhiều người gốc Việt tại đây, nhưng có lẽ họ ở lâu và quen rồi. Còn nhà tớ không chịu nổi, đành quay về".

May mà còn đường về. Tôi đem chuyện này tham khảo ý kiến Trần Vân Anh, cô bảo: "Luân Ðôn cũng như Paris hay Hà Nội, muốn vào sống ở trung tâm thành phố phải chấp nhận cảnh chật chội và đắt đỏ, như ở phố Hàng Ngang - Hàng Ðào. Nhưng gia đình bạn này sang Anh không đúng thời điểm: Dịch Covid-19 hoành hành, nhiều trung tâm môi giới việc làm tạm đóng cửa. Việc xin số bảo hiểm chuyển sang làm online và đợi khoảng tám tuần mới có kết quả, chứ không phải ngừng cấp NINO như bạn ấy nói".

Giúp người Việt tiếp cận thông tin đúng, tránh hiểu lầm theo kiểu tô hồng hoặc bôi đen cũng là tâm huyết của Vân Anh, khi đang hỗ trợ công ty hiện tại trong quá trình phát triển, xây dựng hệ thống EP Legal tại Việt Nam và Anh. Cô tâm sự: "Vai trò của tôi là đại diện cho khách hàng về pháp lý, và trình bày đơn của họ theo đúng luật để trình lên Bộ Nội vụ. Chi phí gõ cửa các công ty luật tư nhân không rẻ. Tuy nhiên, khách có thể được hỗ trợ pháp lý miễn phí từ nhà nước thông qua những công ty có hợp đồng làm trợ giúp hợp pháp (legal aid) nếu họ thật sự trong hoàn cảnh khó khăn, không đủ tài chính thuê luật sư hoặc theo đuổi các vụ việc".

Một trái tim ấm áp

Không có quyền quyết định, nhưng Vân Anh cũng đã và đang nhiều lần đề đạt với Ban giám đốc công ty, nhờ họ giúp giảm giá nếu gặp trường hợp khách Việt có hoàn cảnh đáng thương. Khi còn làm ở công ty luật cũ, Vân Anh từng gặp một đồng hương sang lao động và qua đời vì tai nạn khi làm việc. Nạn nhân không gia đình, không ai thân thiết ở đây, chỉ có thể cậy nhờ hội đồng hương và cộng đồng người Việt lo hậu sự, đưa tro cốt về nước. Vân Anh chủ động xin công ty giảm phí, chỉ lấy một khoản tượng trưng gọi là thủ tục "mở sổ" cho trường hợp này. Cô cũng trực tiếp liên hệ cảnh sát để xác nhận danh tính, làm việc với nhà tang lễ, lo thủ tục giúp nạn nhân cho đến khi mọi việc hoàn tất.

Trạm dừng chân trên đường di trú -0
Khách hàng đến cảm ơn Vân Anh tại văn phòng làm việc.

Các đợt bùng phát dịch Covid-19 khiến cho khó khăn của người Việt chưa có giấy tờ hợp pháp tại Anh càng chồng chất. Chỉ đối tượng làm việc hợp pháp, khai báo và đóng thuế đầy đủ, giai đoạn đóng cửa/mất việc này mới được nhận trợ cấp 80% lương. Chi phí nộp đơn xin gia hạn visa bao gồm: 1.000 bảng - phí xét gia hạn visa trong vòng hai năm rưỡi nộp cho Bộ Nội vụ; 1.000 bảng phí sức khỏe - trong hai năm rưỡi (nếu đau ốm sẽ được đi khám chữa bệnh); và trung bình hơn 1.000 bảng phí luật sư. Như vậy, tổng cộng phải tích lũy khoảng hơn 3.000 bảng mới có thể xin gia hạn visa - khoản tiền không hề nhỏ trong thời điểm khó khăn này. Bên cạnh đó, tiến trình nộp đơn xin visa cũng thêm trắc trở. Dịch vụ làm visa nhanh (nộp thêm 800 bảng để có kết quả sau 24 giờ) vì bùng dịch, phải giãn cách xã hội, cũng tạm ngừng hoạt động.

Lời khuyên duy nhất Vân Anh có thể đưa ra lúc này là hãy tỉnh táo, suy nghĩ thấu đáo để đưa ra quyết định di trú phù hợp hoàn cảnh, điều kiện cá nhân. Không chỉ luật di trú, người Việt cũng cần tìm hiểu, cập nhật kỹ luật mới cho lộ trình du học của sinh viên (Student route), chính sách sau Brexit cũng như các chương trình mới, trước khi cho con du học Anh hoặc sang tìm việc. "Từ ngày 27-10-2020, phí sức khỏe tăng lên 1.560 bảng. Và do Covid-19, thủ tục càng lâu hơn. Cho nên, công ty luật nơi tôi đang làm việc bắt đầu mở những chương trình tư vấn luật miễn phí phục vụ bà con gốc Việt", Vân Anh chia sẻ.

Một chặng đường dài

Trần Vân Anh sang Anh khi còn khá trẻ. Ðời sống ở gần Luân Ðôn cũng dễ hòa nhập, nếu chỉ giới hạn trong những mục tiêu "xinh xinh" như chăm sóc con và hỗ trợ việc kinh doanh cho chồng. Nhưng khi Vân Anh muốn xin việc, cô nhiều lần thấy nản lòng vì "vốn công tác" còn quá mỏng của mình. Cô quyết định học tiếp thạc sĩ Quản trị kinh doanh, gõ cửa từ bệnh viện đến các cơ quan chính quyền địa phương xin thực tập, nhằm tích lũy kinh nghiệm. Một công ty luật tư nhân mở cửa cho Vân Anh. "Ðúng là mọi thứ xảy ra đều có lý do. Hôm ấy có khách Việt nhờ tôi đến phiên dịch tại một công ty luật khác. Người này đang làm giấy tờ xin định cư tại Anh. Sau một vài lần đến dịch, tôi thấy công ty cần tuyển nhân viên về mảng sale/marketing. Tôi nộp đơn, đến phỏng vấn, và nhận việc" - Vân Anh nhớ lại.

Vào công ty, Vân Anh vắt sức đầu tư đọc thư, nghiên cứu tài liệu, đi theo các luật sư để hỗ trợ và phụ việc. Ba tháng sau, cô đã rất khác so với chính mình. Vị luật sư tuyển Vân Anh vào làm quyết định giao hồ sơ cho cô về đọc thêm. Ông bắt đầu hỏi quan điểm của cô, muốn nghe cô phản biện ra sao trong một số trường hợp cụ thể. Ðó là những bước đi đầu tiên nhập môn luật di trú của người phụ nữ trẻ. Sau sáu tháng, cô được tăng lương và được đề nghị làm việc ở một vị trí cao hơn. "Họ muốn đào tạo tôi làm việc chính với các vụ việc. Tôi bắt đầu hành nghề luật như vậy đấy".

Nhưng, để thật sự làm việc một cách bài bản theo đúng quy định trong ngành luật nước Anh, Vân Anh phải có bằng cấp chuyên môn về luật, hoặc chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tháng 7-2020, Vân Anh học xong bằng luật, cô hiện là luật sư tập sự, giữ chức vụ Trưởng phòng Di trú tại Công ty Luật EP Legal có trụ sở đặt ở Birmingham. Cô cũng đăng ký học thêm LPC (Legal practice course - Thực hành luật) - khóa học cuối cùng để có giấy phép trở thành luật sư. Cho tới nay, cô đã xây dựng được nguồn khách hàng ổn định, phần lớn là người Việt. Ðồng hương được cô tư vấn về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là mảng di trú, hợp đồng thương mại, chuyển nhượng cửa hàng, mua bán nhà cửa…

Và cô biết rằng họ thật sự cần sự giúp đỡ của mình.

KIỀU BÍCH HƯƠNG