Tìm bóng trong hình

Được xem là một trong những nhiếp ảnh gia chân dung hàng đầu nước Mỹ, bất cứ ngôi sao Hollywood nào cũng ao ước trở thành nhân vật trong các bức ảnh của Annie Leibovitz. Không chỉ đơn giản là ảnh thời trang, dưới tay bà, những tấm ảnh ấy còn mang các “tiêu chuẩn vàng” về ý nghĩa biểu tượng và lịch sử.

Tìm bóng trong hình

Những câu chuyện bất tử

Hãy nói về tấm ảnh nổi tiếng nhất, gây sốc nhất của Leibovitz. Đó là bức chân dung vợ chồng cố nhạc sĩ - ca sĩ John Lennon, được chụp chỉ vài tiếng trước khi ông bị ám sát. Gầy gò, khỏa thân, huyền thoại ban nhạc The Beatles cuộn mình ôm lấy người vợ Yoko Ono mặc áo tuyền đen trên giường. Thoạt đầu, bức ảnh có cấu trúc phức hợp như âm - dương có thể mang đến cảm giác lạnh lẽo, khi người đàn ông phải bấu víu lấy sự ấm áp từ người phụ nữ. Song nhìn kỹ, ta lại thấy cả hai đang mãn nguyện chìm đắm trong hạnh phúc. Leibovitz, thực ra, không chủ tâm “lột trần” nhân vật. Bà muốn người xem phải tách mình khỏi bản thể tính dục, để nhìn sâu hơn vào về cuộc sống bên trong, về tâm hồn của người làm mẫu.

Sự nghiệp lừng lẫy của Leibovitz còn nhiều tấm ảnh mang tính tái định nghĩa cả nhiếp ảnh truyền thống lẫn định kiến thẩm mỹ. Đó là bức ảnh chụp nữ minh tinh Demi Moore khỏa thân khi mang bầu năm 1991 - lần đầu tiên một ngôi sao nữ mang bụng bầu xuất hiện trên bìa tạp chí. Trước đó, tất cả phụ nữ, từ người bình thường đến ngôi sao nổi tiếng, đều có tâm lý giấu kín bụng bầu bên trong nhiều lớp quần áo, do e ngại quan niệm bụng bầu trông rất xấu xí. Với Demi Moore và Annie Leibovitz, định kiến ấy đã bị gạt bỏ.

Annie Leibovitz không ưa những tấm ảnh giàu có về kỹ thuật nhưng nghèo nàn về thông điệp. Năm 2015, cả thế giới rung động trước bức ảnh bìa ngôi sao chuyển giới Caitlyn Jenner (trước đây là vận động viên điền kinh Bruce Jenner, hay còn được biết đến là cha dượng của ngôi sao mạng xã hội Kim Kardashian), trong một bộ cánh trắng tinh, gợi cảm vừa phải.

Bộ ảnh được ghi nhận như bước đột phá, khi một nhân vật chuyển giới dám công khai bản thân với thế giới, bao gồm cả tên tuổi, nhân thân lẫn hình ảnh từ nhiều khía cạnh. “Chúng tôi đều muốn bộ ảnh là một thành công đối với cô ấy, muốn đồng hành cùng cô ấy để vượt qua ngọn đồi cao. Cô ấy vẫn còn một con đường rất dài trước mắt, nhưng những gì cô ấy cố gắng cho đến lúc đó đã vô cùng tuyệt vời” - Leibovitz nhớ lại.

Cuộc đời khép kín

Leibovitz không muốn được gọi là “người nổi tiếng”, dù đã chụp ảnh tất cả những siêu sao khi làm việc cho các tạp chí đẳng cấp nhất thế giới. “Tôi luôn quan tâm đến những gì họ làm hơn chuyện họ là ai và những bức ảnh của tôi sẽ phản ánh điều đó,” nữ nhiếp ảnh gia chia sẻ.

Nhiếp ảnh đến với Leibovitz một cách tình cờ khi cô gái trẻ đang theo học hội họa và nghệ thuật ở Học viện Nghệ thuật San Francisco. Bà mua chiếc máy ảnh đầu tiên khi đang nghỉ hè cùng bố, một quân nhân Mỹ đồn trú ở Philippines. Sang Philippines chơi, Leibovitz chụp những tấm ảnh đầu đời ghi lại cuộc sống cạnh căn cứ quân sự Mỹ. Những tấm ảnh dung dị, có phần hơi bụi bặm, nhưng sinh động tột cùng.

Trở về San Francisco vào năm 1970, Annie chụp ảnh về các cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh Việt Nam ở Mỹ. Những tấm ảnh được cô gửi đến Rolling Stone và ngay lập tức được tạp chí này đặt hàng. Ba năm sau đó, Leibovitz được Rolling Stone đề nghị tuyển dụng và tiếp tục công việc ấy suốt mười năm sau đó.

Rolling Stone cũng là nơi đem lại cho Leibovitz nhiều cơ hội được tiếp xúc và làm việc cùng người nổi tiếng. Cũng chính nhờ bà, tạp chí có sự thay đổi đáng kể về mặt hình ảnh, chẳng hạn như việc hạn chế công đoạn hậu kỳ, sử dụng tông mầu sắc cơ bản, ánh sáng vừa đủ nhưng mẫu ảnh phải có tạo dáng độc đáo, có chiều sâu. Suốt mười năm ấy, Annie đóng góp ảnh bìa cho hơn 140 ấn phẩm của Rolling Stone. Rất nhiều bức ảnh trong số đó đã khiến tờ tạp chí nổi tiếng trên toàn thế giới.

Và rồi, để có thể có được sự đa dạng hóa trong hình ảnh, Leibovitz rời Rolling Stone sang làm việc cho các tạp chí về thời trang, nghệ thuật là Vanity Fair và Vogue. Tại đây, bà tiếp tục có cơ hội đặc tả chân dung cho nhiều nhân vật nổi tiếng, như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị, hay các mỹ nhân đương thời như Rihanna, Miley Cyrus… Leibovitz là nữ nhiếp ảnh gia đầu tiên được phép tổ chức triển lãm tranh tại Phòng trưng bày quốc gia Mỹ, năm 1991. Tại đây, khách xem triển lãm mới ngỡ ngàng, trước sự hé mở về cuộc đời riêng tư giản đơn, lặng lẽ của bà. Những tấm ảnh nhỏ, đen trắng, chụp những người thân của Annie Leibovitz, gồm gia đình, con cái và đặc biệt là nhà văn nữ Susan Sontag - người bạn tri kỷ đã quá cố vì bệnh ung thư của bà.

Huyền thoại của sự cầu toàn

Sự nghiệp lừng lẫy của Lebovitz còn gắn liền với tính cách cầu toàn đầy những giai thoại của bà. Ngay từ những ngày đầu cầm máy, bà đã nổi tiếng kỹ tính. Lloyd Ziff, người gắn bó với Leibovitz trong suốt 10 năm ở Rolling Stone kể: Thời chưa nổi tiếng, nữ nhiếp ảnh gia đã phải mất tới… 400 tấm hình chỉ để chọn một bức ảnh chụp lon nước Coke trong một bảo tàng nhỏ.

Năm 2007, tờ Vanity Fair đề nghị Leibovitz đến chụp ảnh công nương Diana để lên trang bìa tạp chí. Trong ngày tác nghiệp, Leibovitz xuất hiện với hai chiếc xe chở nhà tạo mẫu, một trợ lý, một tủ quần áo và một máy tạo gió, rồi kéo công việc sang ngày thứ hai vì không ưng ý kết quả ngày chụp đầu. Phí tổn phát sinh, Leibovitz chịu hoàn toàn.

Thái độ cầu toàn đến mức… chịu chơi của Leibovitz lại vô tình đẩy bà vào cảnh nợ nần. Nếu lấy danh tiếng và thù lao ra làm thước đo, Leibovitz là một trong những nhiếp ảnh gia thành công nhất mọi thời đại. Bà được các tạp chí trả hàng triệu USD cho những bộ ảnh “độc” và mỗi ngày bỏ túi hàng chục nghìn USD từ các khách hàng danh tiếng khác. Song, cuối cùng, Leibovitz vẫn “ngây thơ” về tiền bạc, đến độ những năm gần đây bà phải vay mượn ngân hàng và bị siết nợ gần hết những gì mình có.

Tìm bóng trong hình ảnh 1

Nhưng có lẽ, bà cũng chỉ cần chiếc máy ảnh là đủ. “Tôi có thể đến mỗi miền đất và cảm thấy như mình đang đi với một ai đó, như có một người bạn đường. Tôi chụp lại những hình ảnh và sau này nhìn lại, nó là sự nhắc nhở với tôi: Ta đã ở đó để làm điều này”.

Chỉ cần thế thôi là đủ, để Annie Leibovitz đánh thức những cảm xúc tiềm ẩn từ người xem, thôi thúc chính họ khám phá và tận hưởng những hành trình mới, những trải nghiệm mới của cuộc đời mình…