Thầy của những bậc thầy

Robert Solow được thừa nhận là một kinh tế gia lỗi lạc cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, giải thưởng Nobel ông nhận được vào năm 1987 không phải dấu ấn đáng kể duy nhất trong suốt cuộc đời làm nghiên cứu của ông. Hơn 70 năm gắn bó với nghề giáo, nối tiếp Solow là hàng chục học trò thành công rực rỡ trên con đường học thuật.

Thầy của những bậc thầy

“Những cậu-học-trò-Nobel”

Thập niên 60 của thế kỷ 20 được Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) mệnh danh là “Thập niên Solow”. Trong thời gian đó, Solow là giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ cho Peter Diamond (1963), George Akerlof (1966), Robert Hall (1967), William Nordhaus (1967), Joseph Stiglitz (1967)... - hàng loạt học giả lừng lẫy sau này. Bốn người trong số đó đã nhận giải Nobel. Dù rất bận rộn với công việc của mình, họ vẫn tề tựu đông đủ và chúc mừng thầy vào thời khắc Solow đón sinh nhật tuổi 90.

“Nếu vợ tôi còn sống, bà ấy sẽ kể rõ cho mọi người về chuyện tôi say mê dạy học đến mức mất ngủ hằng đêm như thế nào”, Solow chia sẻ. Bất kể ngày thường, ngày nghỉ hay ngày lễ, ông đều ngồi trong phòng khách với bộn bề giấy tờ chung quanh. Solow coi việc chấm điểm, góp ý với sinh viên là lẽ sống của đời mình, thế nên bài luận nào gửi lên thầy Solow cũng nhận về dày đặc những lời khen chê. Ban đầu mọi người có thể không thích sự chỉ bảo cặn kẽ quá mức ấy, nhưng đó lại chính là ánh sáng đầu tiên dẫn họ đến thành công.

George Akerlof, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2001 nói, Solow là một người luôn quan tâm đến sinh viên nhiều nhất có thể. Ông chỉ bảo họ từng ly từng tí nhằm đạt kết quả tốt, không phải ở điểm số, mà ở sự nghiệp sau này. Ðến giờ Akerlof vẫn nhớ như in ông được chào đón thế nào ở MIT, khi những học giả hàng đầu thế giới niềm nở tiếp chuyện ông như người bạn cố tri. Ngoài giờ học, các thầy giáo sẵn sàng dành thời gian đi dã ngoại cùng sinh viên. Họ quan niệm đó cũng là một phần của công việc.

Học trò thuộc “Thập niên Solow” còn có một nhân vật rất đặc biệt, dù chưa bao giờ đến lớp nghe thầy giảng: John Kennedy. Solow vô tình nhận công việc này khi tham gia Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ vào năm 1961. Mỗi khi có khúc mắc trong một chính sách kinh tế, người sau này trở thành tổng thống Mỹ sẽ gọi điện trực tiếp cho Solow để nhận lời tư vấn. Không phải lúc nào Solow cũng nghe điện thoại nên Kennedy thường phải chuyển lời qua Walter Heller, Chủ tịch Hội đồng. Trên danh nghĩa Heller là “sếp”, nhưng thực tế ông chẳng khác nào thư ký riêng của Solow.

Thầy của những bậc thầy ảnh 1

Vẫn đọc, trong khói súng

Là con cả trong một gia đình gốc Do Thái, tài năng của Solow thể hiện từ rất sớm. Ông liên tục nhảy lớp, học cùng các anh chị lớn hơn mình rồi bước vào Trường đại học Harvard với học bổng toàn phần khi mới 16 tuổi. Trong lúc những người bạn đồng trang lứa vẫn đang mải chơi vu vơ không định hướng về tương lai, chàng thiếu niên Solow thường ngồi trong phòng nghiên cứu về xã hội học và nhân loại học. Một năm sau, ông nhập ngũ và tham chiến cùng quân Ðồng minh ở mặt trận Bắc Phi.

Nhờ chuyên cần đọc sách và tự mày mò nghiên cứu ngay trong thời gian là quân nhân, Solow không mất nhiều thời gian để bắt nhịp với đời sống học thuật sau ngày giải ngũ. Trong giai đoạn 1945-1950, ông lần lượt hoàn tất chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ tại Trường đại học Harvard. Rồi, đến cả Harvard dường như cũng không thể phát huy hết tài năng của Solow, nên ông nhận lời đến làm việc ở MIT.

Một trong những nguyên nhân khiến Solow lựa chọn như vậy là sức hút của người bạn đồng môn Paul Samuelson. Cả hai có chung thầy hướng dẫn là nhà kinh tế học lỗi lạc Wassily Leontief. Ấn tượng của Solow về Samuelson là một giáo sư trẻ tuổi, “tí hon” (Samuelson chỉ cao 1m52) nhưng vô cùng thông tuệ và thích tranh luận. Họ chính là những người đặt nền móng cho MIT trở thành trường đại học chuyên về kinh tế với vô số học giả đoạt giải Nobel trong nửa thế kỷ qua.

Ở thời kỳ có không ít nhà kinh tế học thành danh nhờ diễn giải và suy đoán từ sự kiện thực tiễn, Solow và Samuelson lại coi trọng việc đưa ra mô hình bằng những phép toán phức tạp. Họ quan niệm toán học chính là “tiếng mẹ đẻ” của kinh tế học. Với hướng phát triển đó, Solow liên tục đăng những công trình nghiên cứu có tính đột phá. Một trong số đó là mô hình tăng trưởng kinh tế mang tên ông, thành quả giúp Solow nhận giải thưởng Nobel.

Tương lai ở tuổi 96

Ở tuổi gần đất xa trời, mắt Solow ngày càng kém đi và ảnh hưởng đến khả năng đọc của ông. Những con người vang bóng một thời từng đứng cạnh ông nay đều hóa người thiên cổ, bao gồm cả vợ ông, một nhà lịch sử kinh tế học. “Sau bao nhiêu năm làm việc cùng nhau, cuối cùng tôi là người duy nhất còn hít thở mỗi ngày”, Solow vừa nói vừa cười. “Tôi nhớ không khí làm việc của ngày xưa ấy. Chúng tôi thường ăn trưa ngay phòng làm việc, cửa mở để luôn sẵn sàng tiếp đón sinh viên”.

Nhưng ngay cả khi sức khỏe không còn như trước, Solow vẫn làm việc trên cương vị Giáo sư danh dự của MIT. Mô hình tăng trưởng kinh tế Solow tập trung vào tầm ảnh hưởng của những tiến bộ công nghệ và ông vẫn nghiên cứu về nó đến tận ngày nay. Ở tuổi 96, Solow vẫn ngồi nhà xử lý số liệu, viết bản thảo cho những công bố khoa học mới. Ông chính là tác giả bài viết Công việc tương lai, một báo cáo do MIT xuất bản nói về sự thay đổi của công nghệ, việc làm và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

“Thật ngạc nhiên là Solow vẫn thường xuyên cập nhật kiến thức mới, theo sát từng cuộc tranh luận về chính sách và bức tranh kinh tế toàn cầu”, một hậu bối của ông chia sẻ. Ông vẫn không ngừng làm mới bản thân, với tôn chỉ “không tranh luận chừng nào chưa hiểu rõ về những thay đổi trong xã hội”.

Là tác giả hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học quốc tế, nhưng Solow tiết lộ ông cũng thất bại không ít lần với những lý thuyết của mình. Mỗi năm, ông lại ngồi rút ra một xấp giấy dày chứa đầy những bài viết hỏng, xé nát chúng, rồi viết theo hướng suy nghĩ mới. Solow quan niệm nếu muốn viết hay chia sẻ một điều gì đó đầy đủ nhất, hay nhất, ông phải nghiền ngẫm ít nhất ba lần mới trôi chảy ý. Tư duy ấy được Solow truyền lại cho các học trò và những chủ nhân Nobel tương lai thoát thai từ đó.