Thách thức nghịch cảnh

Được kết luận rằng mình chỉ có thể sống đến năm 18 tuổi. Nhưng tới tuổi 37, Irfan Hafiz vẫn đấu tranh hằng ngày bên máy thở, vẫn nhịn ăn trong những tháng Ramadan và lên kế hoạch cho cuốn sách thứ tư của mình.

Thách thức nghịch cảnh

Từ căn bệnh hiểm nghèo

Irfan Hafiz chào đời năm 1981 ở thành phố duyên hải Matara, phía nam Sri Lanka. Anh là người con thứ ba trong một gia đình có tám đứa con. Nhưng từ lúc nhỏ, Irfan đã không thể chạy hay nhảy. Dáng đi của Irfan cũng vô cùng bất thường với cái đầu gối thường xuyên phải dựa vào tường mỗi khi vật lộn để leo lên các bậc thang.

Những khó khăn trong việc đi lại của Irfan đã được kết luận là triệu chứng của một căn bệnh teo cơ hiếm gặp có tên Duchenne Muscular Dystrophy (DMD) khi Irfan mới chỉ bảy tuổi. Các bác sĩ cũng khẳng định rằng không có cách chữa trị teo cơ do đột biến gien và Irfan có thể chỉ sống được đến năm 18 tuổi. Các bác sĩ bản địa, những người chữa bệnh tâm linh hay thậm chí cả một thầy phù thủy cũng đã được mời đến. Nhưng tất cả mọi nỗ lực đều vô ích.

Căn bệnh teo cơ khiến Irfan phải nằm liệt giường. Không thể làm những điều mình mong muốn. Anh thường nổi giận kể cả với những lý do nhỏ nhặt. Ngay khi cần gọi sự giúp đỡ từ mẹ, anh cũng thường hét lên. Và dù cha anh thường ngồi cạnh bên để giải thích về cuộc sống, về những thách thức chúng ta phải chuẩn bị để đối mặt… Nhưng, đối với Irfan, “từ những lời nói của ông ấy, tôi có thể nhận ra rằng tôi không nên nuôi giữ hy vọng gì lớn trong đời”.

… đến “chiến binh bàn phím”

Khi cuộc sống của Irfan dường như đã được an bài thì sự xuất hiện của Internet như “tia sáng phía cuối đường hầm” mang tới sự thay đổi lớn cho cuộc đời anh. Qua những phòng chat và sau đó là mạng xã hội Facebook, Irfan đã kết nối được với nhiều người bạn, học hỏi được vô số điều cũng như bắt kịp những tin tức mới nhất trên toàn thế giới.

Vẫn phải nằm liệt giường và sống kè kè bên máy thở, nhưng giờ đây Irfan đã tìm thấy động lực sống cho bản thân. Anh đã nhận ra rằng, dù căn bệnh teo cơ đã cướp đi sức mạnh của gần như toàn bộ cơ thể, nhưng trí óc và hơn thế nữa, một ngón tay của anh vẫn có thể cử động.

Và chừng ấy dường như là quá đủ để Irfan có thể chiến đấu vì từng giây phút còn lại trong cuộc sống này. Với ngón tay ấy, anh đã tự học đọc và viết tiếng Anh, đã viết, viết và viết mỗi ngày. Những lúc không thể viết trên máy tính, Irfan lại sử dụng chiếc điện thoại của mình. Để rồi sau gần 20 năm, ba cuốn sách bằng tiếng Anh đã ra đời. Trong đó có một cuốn sách, Irfan đã phải mất hơn một năm trời chỉ bằng gõ phím điện thoại.

Bác sĩ đã kết luận rằng anh chỉ có thể sống đến năm 18 tuổi. Nhưng tới tuổi 37, anh vẫn đấu tranh hằng ngày bên máy thở, vẫn nhịn ăn trong những tháng Ramadan và lên kế hoạch cho cuốn sách thứ tư. “Không bác sĩ nào biết chính xác chúng ta còn bao nhiêu thời gian và tôi đã vượt qua những năm tháng đen tối của cuộc đời để làm cho nó hữu ích”, Irfan đã chia sẻ những dòng đầy cảm xúc trên trang cá nhân của mình.

Irfan đã tôi luyện bản thân một cách mạnh mẽ để đương đầu với những thử thách của cuộc sống một cách hạnh phúc nhất. Căn bệnh hiểm nghèo DMD đã dạy Irfan học cách kiên nhẫn và khoan dung với cuộc đời, giúp anh nhận ra trong thế giới này còn vô vàn người tốt, giúp anh tìm được những người bạn thật sự.

Nguồn cảm hứng bất tận

Những trang sách, những dòng nhật ký đã khiến câu chuyện về cuộc đời của Irfan lan tỏa tới hơn 20 triệu người trên toàn thế giới. Anh vô cùng hạnh phúc. Với nguồn động viên của mọi người, Irfan như có được một cuộc sống hoàn toàn mới. Anh càng mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến với từng trang sách, giới thiệu rộng rãi hơn những cuốn sách của mình và kết thêm nhiều bạn mới khắp bốn phương.

Irfan thường xuyên duy trì các ý tưởng về động lực sống và chia sẻ các khía cạnh đầy cảm hứng từ cuộc đấu tranh khó khăn của mình dưới cái tên “Silent Fighter” (Chiến binh thầm lặng). Và mỗi con người cũng thật sự được truyền cảm hứng thông qua những cuộc đấu tranh to lớn mà Irfan đã trải qua.

Ba cuốn sách: Những cuộc đấu tranh thầm lặng (Silent Struggle), Những suy nghĩ thầm lặng (Silent Thoughts) và Những khoảnh khắc của niềm vui (Moments of Merriments) là những câu chuyện bình dị nhưng có thể khiến mọi trái tim “tan chảy” và khiến người đọc cảm động đến rơi lệ.

Gia đình của Irfan, sau khoảng thời gian tìm cách chống chọi và chiến đấu với căn bệnh thì giờ đây đều đã coi nó như một phước lành chứ không phải là một lời nguyền nữa. Đó là điều không hề dễ dàng.

Hình mẫu người cha, người mẹ tuyệt vời khi ứng xử trước nỗi đau và thái độ khó chịu của người con cũng khiến độc giả ngưỡng mộ. Cha anh, ông Issadeen Hafiz, một hiệu trưởng về hưu, cũng là nhân vật đầy cảm hứng. Khi biết tin về căn bệnh hiểm nghèo của con trai mình, dù vô cùng chán nản và đau lòng nhưng ông chưa bao giờ bộc lộ cảm xúc trước mặt con với mong muốn Irfan không bị ảnh hưởng về mặt tinh thần.

Bố của Irfan cũng luôn gắn mình với trách nhiệm giúp đỡ những người khác mắc căn bệnh đáng sợ này. Ông là chủ tịch của Dự án Phụ huynh DMD-Sri Lanka, nơi tất cả những phát hiện mới nhất và quan trọng nhất trong nghiên cứu y khoa về DMD được chia sẻ.

Nằm liệt giường trong 19 năm nhưng Irfan vẫn chứng minh cho phần còn lại của thế giới hiểu rằng mình có thể chiến đấu mỗi ngày. Anh cũng đã lan tỏa nguồn cảm hứng bất tận ấy với thế giới. Bài học thách thức nghịch cảnh của anh sẽ tiếp tục được nhân rộng để khích lệ cho tất cả những người có hoàn cảnh khó khăn tìm kiếm cho mình động lực sống để tiến lên.

Hãy sống và chiến đấu mỗi ngày như cách mà Irfan đã làm để thay đổi số phận tưởng chừng đã được an bài.

Thách thức nghịch cảnh ảnh 1